Tìm trong yên lặng

Trong gia tài văn học của riêng nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, ông 'trình làng' 6 tập thơ. Từ tập đầu tiên 'Có một nỗi niềm', xuất bản năm 1989, đến tập thơ mới nhất 'Tìm trong im lặng' ghi dấu hơn 30 năm cầm bút, ông vẫn một mực bình dị, lặng lẽ. Một đời dấn thân làm báo chuyên nghiệp, đi nhiều, viết nhiều, nhưng dường như Bùi Sỹ Hoa chung tình với thơ. Ông sáng tác không quá nhiều, hình như chủ ý viết đủ, viết kỹ càng, chỉ cốt để lại dăm câu được lưu nhớ trong lòng người đọc.

Bùi Sỹ Hoa từng viết “Trong cổ tích mây bay”: “Qua tối thẳm cõi này/ Qua trong suốt hừng đêm/ Ngọn núi cao không muốn đứng suốt đời một chỗ...”. Hình như người thơ đã nói hộ tinh thần của núi. Xưa nay những ngọn núi hùng vĩ chưa bao giờ xê dịch, có thực muốn đứng một chỗ, hay núi khát vọng muốn đi như gió, như sóng biển? Bùi Sỹ Hoa dùng bút pháp của thi ca để giả định, sáng tạo, thơ cất lời thay núi, núi cao cũng ước vọng cần xê dịch. Nhà thơ tận hiểu núi. Thử hỏi, núi định vị ngàn đời một chỗ không chán sao? Đó cũng là cách nhìn của người từng trải, không bằng lòng với mọi điều có sẵn, mượn núi để nói về sự đời: “Mang bao gió buốt mưa kim/ Đắng đót giấu vào lặng đêm/ Ngoài kia trong xanh mải miết…”.

Trong “Ba câu mộng mơ”, Bùi Sỹ Hoa ngẫm ngợi: “Những bó lúa những bắp ngô những hạt đỗ/ Người làm ruộng dành một phần mùa màng cho đàn chim...”. Thơ đề mộng mơ mà không hẳn mộng mơ, có gì đó chua xót trong cách nhà thơ nói về những chuyện tưởng như nhỏ mọn, ai cũng biết nhưng không ai làm, để rồi tất thảy đang từng ngày, từng ngày “ăn vào tương lai”, vay mượn của tương lai cho cuộc sống trước mắt, mòn mỏi này.

Nhà thơ suy ngẫm trong “Phố quê hoa gạo rụng”: “Nhà nhà men lối mòn học giỏi/ Để mẹ nghèo quê đói nói năng sao”, hay nhận ra “Lối cũ thân quen người giờ phai lạt” là những đối thoại trong đời sống thường nhật để người đọc phải thừa nhận, tình người đương đại dường như đang dần chảy xuội đi, không còn nồng ấm như từng thấy.

Thơ Bùi Sỹ Hoa vì thế đánh thức sự cả nghĩ, khi bắt gặp “vệt xước” trong lòng đêm, lòng người, cứ đặt ra câu hỏi khác, hình dung khác; câu thơ bị xước ấy cũng nhói đau trong im lặng: “Điện thoại tắt nước mắt ướt vai tiếng ai khản đặc/ Em nói như khóc/ Lần nào cũng xước đêm”. Hình ảnh “xước đêm” còn cho bạn đọc liên tưởng tới vết xước khác, vết xước trong lòng khó lý giải, khó vẽ ra bằng chì, sơn mài, màu nước.

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa có một thời là lính xe tăng, rồi trở lại với nghề báo. Nhiều năm làm báo, nên ông có bài thơ mới đọc thấy rất… báo - “Ghi chép của một nhà báo”. Bài thơ bố cục gọn, tổng kết hẳn 6 phận người như khắc họa bằng bút, câu thơ buông như người đàn ông khóc khan: “Nhà thương Anh Sơn có một con đường sạch thoáng/ Đó là đường vào nhà xác/ Ngày ngày cụ già vừa đấm lưng vừa quét rác/ - Chỗ này buồn quá, thưa cụ?/ Tôi quen nơi này đến mức/ Không vui cũng không buồn!”.

Chẳng có hồi chuông nào cảnh báo về sự ra đi của con người, mà thơ khắc họa một phận đời, chua xót, trong hiu vắng. Sau nữa, là khổ thơ 5 dòng khắc họa một thương binh hỏng mắt từ chối sự chu cấp thương tật, anh chỉ xin một cây đàn, để hát về thời trẻ trai. Khát vọng của người lính không giống khát vọng của núi, càng không muốn ngồi một chỗ mà cần một tiếng ngân của đàn và của lòng người.

Những phận đời khác trong ghi chép của thơ như một xã hội thu nhỏ, là đời sống nhàm chán, nhạt thếch của một cuộc hôn nhân, là bà mẹ già cũng “chung thân” thăm nuôi con tù tội... Thơ Bùi Sỹ Hoa kiệm chữ, như chỉ có im lặng, bất chợt nghe đối thoại của hai người ngang qua đâu đó. Mỗi phận đời không chỉ ghi chép, mà thơ đã neo lại bờ người sự ngậm ngùi, ám ảnh về những người thường, sự việc bình thường rất dễ bị bỏ qua trong đời sống thường nhật cũng như đời sống thơ.

Trong bài “Đá mềm”, Bùi Sỹ Hoa đi qua những sắc nhọn, cứng lỳ thông thường của đá, biết ẩn đi sức công phá của thời gian, để đi tìm trong đá những ký ức mềm với vô vàn điều ẩn giấu: “Chỉ biết chìm trong thời gian/ Những bàn tay chai, những gương mặt sạm đen/ Ngày đêm đổi sức vóc lấy bát cơm manh áo/ Đổi trí tuệ lấy chức quèn” để rồi nhận ra sự im lặng của đá mềm, của lớp lớp mồ hôi và thời gian: “Giấu biệt tuổi tên/ Dưới đá khối thô mộc”.

Có nhiều cách trong cuộc đời này, có người sống ồn ào, náo nhiệt, có người chọn ẩn lắng để viết, bình thản và an nhiên với cỏ cây, bạn bầu. Thơ Bùi Sỹ Hoa nghiêng về nội tâm, bút pháp bình dị. Đó là cách viết mà như không viết, như đời sống vốn thế thì thơ hắt lên vệt sáng như vậy. Bùi Sỹ Hoa đã dồn nén từng câu chữ tưởng như bình thường, quen thuộc đủ dư ba để tạo nên những áng thơ tự đáy tim rạo rực cất lời.

Hoàng Việt Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/998381/tim-trong-yen-lang