Tìm về di tích thờ hai Vua

Đền Tó nằm trên đường Cao Lỗ, cạnh chợ Tó thuộc xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đền có niên đại sớm, được tạo dựng phát triển và gắn bó với nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán và được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa năm 1999.

Theo lịch sử ghi lại, Đền Tó tên chữ là “Khánh Sơn Tự”. Đây là công trình kiến trúc, di tích có khuôn viên cây xanh bao quanh tạo cảnh quan và sự thanh tịnh nơi cửa thiền.

Đền Tó được xây dựng tại trung tâm làng Tó, với quy mô kiến trúc vừa phải và khá hoàn chỉnh gồm tam quan, tiền tế, bái đường và hậu cung. Kiến trúc của ngôi đền tuy không còn bảo lưu được đầy đủ và bề thế cổ kính như xưa, song những gì còn lại và phần mới được trùng tu vẫn giữ được những đường nét của thế kỷ XIX.

Đền Tó ở Uy Nỗ, Đông Anh

Đền Tó ở Uy Nỗ, Đông Anh

Ngoài những mảng chạm khắc đẹp trên gỗ, đền còn được tô điểm bằng những linh vật, hoa lá đắp vữa trên cổng tam quan, bờ nóc, bờ chảy… lối trang trí trên kiến trúc đền Tó trở nên lung linh, thể hiện sức sống bền lâu của nghệ thuật dân tộc. Chính vì những giá trị độc đáo đó mà ngôi đền này đem lại, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng bảo tồn vào năm 1999.

Di tích của đền Tó thể hiện tập trung qua hệ thống tượng tròn, được tạo tác công phu, mỗi pho tượng thể hiện tính cách riêng, làm cho con người khi đứng trước mỗi pho tượng đều cảm nhận được khí thiêng từ những ánh mắt, nụ cười của đức Phật. Các tượng Thánh Mẫu của chùa mang đẹp nét dân dã, tràn đầy tính nhân văn, mang những giá trị điển hình của điêu khắc tượng mẫu dân gian truyền thống.

Những chạm khắc gỗ trong đền được tập trung ở một số chi tiết như đầu dư, khám thờ. Trong các họa tiết trang trí, đề tài quen thuộc được diễn tả nhiều nhất là hình ảnh rồng, là nhân tố thiết yếu của nhà nông cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đáng chú ý là tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Thịnh (năm 1800). Những hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, tượng thờ là những tư liệu quý giá để tìm hiểu nghiên cứu về nghệ thuật dân gian qua từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Đền Tó còn là vùng đất của Kinh đô Cổ Loa xưa, nơi đây Vua Thục từng nghỉ chân hạ trại trước khi định đô ở Cổ Loa. Người dân làng Tó luôn tự hào mình được sống trên mảnh đất có lịch sử hàng ngàn năm.

Mặc dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên quê hương Cao Lỗ nhưng chính quyền và nhân dân luôn quan tâm gìn giữ, bảo vệ phát huy giá trị của di tích để xứng đáng là nơi duy nhất của huyện Đông Anh thờ hai Vua.

Hà Thủy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tim-ve-di-tich-tho-hai-vua-101159.html