Tìm vốn nhanh, vốn rẻ qua crowdfunding

Xây dựng nền tảng crownfunding để giúp các startup và SME giải quyết bài toán gọi vốn.

Gần đây Superstata Bike, dự án sản xuất xe đạp in 3D sợi carbon nguyên khối của bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Sonny Vu đã huy động được hơn 7,2 triệu USD, từ 4.561 người ủng hộ trên Indiegogo - một nền tảng gọi vốn cộng đồng nổi tiếng theo hình thức quà tặng (reward-based crowdfunding).

Huy động nguồn lực từ cộng đồng

Sự kiện này một lần nữa khiến nhiều người chú ý tới mô hình crowdfunding.Trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam, từ Crowdfunding được dịch gắn liền với cụm từ “huy động vốn cộng đồng”, là việc tập hợp nguồn lực từ một nhóm nhiều người. Khả năng “xã hội hóa” các dự án thông qua việc hội tụ nguồn lực to lớn từ xã hội, cộng đồng là nét đặc trưng và ẩn chứa tiềm năng, sức hấp dẫn to lớn cho mô hình này.

Theo báo cáo Crowdfunding’s Potential for the Developing World của World Bank, có 5 mô hình crowdfunding cụ thể, được chia thành 2 nhóm chính: các mô hình có mục đích quyên góp, ủng hộ, từ thiện và các mô hình có mục đích đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận. Ở Việt Nam, khái niệm crowdfunding đang được hiểu rất chung chung và thường mang mục đích phi đầu tư (ví dụ ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được hơn 170 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung).

Trong khi đó ở những nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, New Zealand, Úc... hay thậm chí các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì các mô hình crowdfunding với mục đích đầu tư đã được áp dụng triệt để nhằm giải quyết một mục tiêu kép: (1) hỗ trợ bài toán gọi vốn cho các startups và công ty nhỏ; (2) mang lại cơ hội đầu tư thiên thần cho nhà đầu tư cá nhân.

Equity Crowdfunding (ECF - huy động vốn cộng đồng bằng hình thức phát hành cổ phần) là cơ chế cho phép các nhà đầu tư nhỏ cùng tham gia đầu tư vào các startup và nhận lấy cổ phần. Ví dụ, thay vì một Shark dành 3 tỉ đồng để đổi lấy 20% cổ phần của startup, ECF cho phép 10 nhà đầu tư nhỏ hơn cùng đầu tư, trung bình mỗi người 300 triệu đồng. Cơ chế chia nhỏ khoản đầu tư cho phép nhiều nhà đầu tư hơn tham gia vào các thương vụ. Đầu tư vào startup là một hình thức đầu tư khá mới mẻ tại Việt Nam, có tính rủi ro cao đi kèm tiềm năng lợi nhuận đột biến. Nhìn từ góc độ rủi ro, việc đầu tư vào nhiều startup qua ECF giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư tổng thể nói chung và trong chính lớp tài sản đặc biệt này, qua đó phân tán rủi ro và tối ưu lợi suất trong dài hạn.

Sức mạnh của ECF

Tại nhiều nước trên thế giới, ECF đã trở thành một phương thức kêu gọi, huy động vốn khá phổ biến cho các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) giai đoạn sớm khi sử dụng hết vốn khởi nghiệp ban đầu của bản thân, gia đình, bạn bè nhưng lại chưa đủ “điều kiện” để gọi được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Năm 2012, Singapore có khoảng 39.000 startup và phần lớn đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ Singapore nhận ra rằng việc đẩy mạnh cơ chế ECF giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán vốn và giảm bớt gánh nặng cho chính phủ. Vì vậy, Singapore đã cấp phép hoạt động cho những nền tảng dạng này như FundedHere, Fundnel, Crowdo.

Tương tự, Chính phủ Thái Lan nhận ra crowdfunding là một cách tiếp cận mới có thể đóng góp cho sự phát triển của hàng ngàn startup mỗi năm và nền kinh tế nói chung một cách lâu dài, nên đã quyết định thông qua Ủy ban Chứng khoán cho phép hình thức ECF (và chỉ duy nhất hình thức này) được hoạt động. Đến cuối năm 2019, Thái Lan đã có startup đầu tiên kêu gọi thành công 18,6 triệu baht (tương đương 600.000 USD) từ 77 nhà đầu tư thông qua nền tảng Sinwattana Equity.

Năm 2012, Singapore có khoảng 39.000 startup và phần lớn đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Quý Hòa

Rào cản lớn nhất và cũng là điều kiện tiên quyết để mô hình ECF phát triển tại bất kỳ một quốc gia nào chính là hành lang pháp lý. Tại Việt Nam, việc thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng khiến ECF chưa thể phát triển so với các nước láng giềng. Việc thể chế hóa và có các quy định rõ ràng giúp minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể tham gia thị trường ECF. Ba chủ thể cơ bản trong thị trường này gồm startup gọi vốn, nhà đầu tư và tổ chức cung cấp nền tảng ECF. Ngoài ra, bài học từ các quốc gia đi trước cũng chỉ ra tầm quan trọng không thể thiếu của một đơn vị quản lý, cấp phép (thường là Ủy ban Chứng khoán) và một tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ đảm bảo (thường là ngân hàng).

Cần cân bằng giữa 2 yếu tố bảo vệ nhà đầu tư và tận dụng nguồn lực về vốn từ cộng đồng nhà đầu tư. Không nên hạn chế việc các nhà đầu tư nhỏ tham gia đầu tư vào startup, thay vào đó nên có cơ chế bảo vệ họ khỏi trường hợp đầu tư quá khả năng chịu đựng rủi ro. Đối với startup gọi vốn, cần có những phân định với những loại hình công ty có thể gọi vốn, mức vốn tối đa mà công ty được huy động qua hình thức ECF cũng như yêu cầu cáo bạch thông tin chi tiết về việc gọi vốn cho cơ quan quản lý.

Cuối cùng, các tổ chức cung cấp nền tảng và dịch vụ ECF cần phải được cấp phép bởi cơ quan quản lý với đầy đủ tiêu chí, điều kiện để tham gia và có quy định chế tài nếu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Có thể thấy, một “quốc gia khởi nghiệp” luôn cần 2 yếu tố song hành, đó là văn hóa khởi nghiệp và văn hóa hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp. Trong suốt thập niên vừa qua, Việt Nam đã đạt nhiều dấu mốc trong phát triển khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái cho kinh tế startup. Tuy vậy, hình ảnh chân thực nhất về các startup nói chung và hệ sinh thái của chúng ta chính là “những chồi non” mà nếu được định hướng, quan tâm, cổ động và đầu tư nguồn lực đúng đắn hoàn toàn có trở thành “những cây đại thụ” trong tương lai.

Trong tiến trình đó, mô hình ECF với những đặc tính kết nối, huy động và xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho startup được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết một phần khó khăn hiện tại, góp phần tạo sức bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Phạm Mạnh Hà & Lý Minh Hoàng (CFA, ACCA)

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/tim-von-nhanh-von-re-qua-crowdfunding-3338880/