Tin ATVSTP: Hà Nội thành lập 3 đoàn kiểm tra ATVSTP

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5585/QĐ-UBND, thành lập Đoàn đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội năm 2018.

Theo yêu cầu, các đoàn công tác phải báo cáo kết quả đánh giá và chấm điểm về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) trước ngày 20/11/2018 để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

TP Hà Nội thành lập 3 đoàn kiểm tra về công tác ATTP tại 30 quận, huyện

Theo đó, các đoàn kiểm tra cơ sở và đánh giá, chấm điểm tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 25/10 đến 15/11/2018; chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý; đồng thời, kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý.

Đoàn số 1 do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội là Trưởng đoàn đánh giá, chấm điểm công tác ATTP tại các huyện, quận: Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm, Long Biên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Đoàn số 2 do ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã: Thanh Xuân, Hà Đông, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì, Hoàng Mai.

Đoàn số 3 do bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương là Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Sóc Sơn.

Các đoàn chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý. Đánh giá và chấm điểm công tác ATTP tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố theo bảng tiêu chí tại Quyết định số 3594/QĐ-UBND, ngày 16/7/2018, của UBND thành phố. Kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý. Báo cáo kết quả đánh giá và chấm điểm về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) trước ngày 20/11/2018 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố và các đơn vị có liên quan

Cần xử lý những điểm bán thịt tại vỉa hè Hà Nội

Hành vi giết mổ gia súc, gia cầm ngay trên vỉa hè không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà còn vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thời gian gần đây trên một số tuyến phố của Hà Nội xuất hiện nhiều địa điểm giết mổ và bán thịt gia súc cho người tiêu dùng, trên vỉa hè tại một số tuyến phố, cụ thể.

Ngay tại vỉa hè đầu đường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội có một bàn thịt lợn, người bán thịt lợn để thịt lợn trên một tấm vải bạt để pha thịt, các miếng thịt sau khi đã được pha cắt để trên hai bàn gỗ rất mất vệ sinh. Điểm bán thịt này được người bán thịt quảng cáo là “Thịt lợn rừng Tuyên Quang” và cũng thu hút nhiều khách đến mua.

Thịt "lợn rừng Tuyên Quang" được xẻ và bày bán ngay trên phố đầu đường Đội Cấn

Hay tại đường Trung Văn, Hà Nội cũng xuất hiện nhiều điểm giết mổ di động các loại thịt trâu, thịt cá sấu hay đà điểu. Các điểm giết mổ này nàm ngay trên vỉa của đường có rất nhiều phương tiện qua lại.

Quầy bán thịt trâu ngày trên hè đường Trung Văn

Nghị định 115/NĐ-CP đã có hiệu lực, tất cả những hành vi trên đều vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đề nghị các lực lượng chức năng cần kiểm tra và xử lý các trường hợp giết mổ và bày bán thịt trên vỉa hè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

TP.HCM: Sẽ gắn logo cho "thức ăn đường phố an toàn"

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng logo “thức ăn đường phố an toàn” sẽ được gắn cho những cơ sở đạt chuẩn.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho biết: “Ban đã lập kế hoạch cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố năm 2018 và 2019 với mục tiêu kiểm soát chất lượng an toàn, giảm thiểu ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm cũng như nâng cao ý thức của cả người bán lẫn người mua”.

Theo đó, mỗi quận huyện sẽ xây dựng các mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Các quận huyện sẽ lập các khu phố ẩm thực, tuyến đường kinh doanh, phường xã điểm trong kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sẽ có những tuyến đường không có thức ăn đường phố để từng bước quy hoạch vào các điểm bán tập trung nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo vệ sinh tốt hơn.

TP hồ Chí Minh sẽ gắn logo cho các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố

Ban An toàn Thực phẩm đã lập ra 10 tiêu chí đánh giá cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, trên cơ sở đó phối hợp với Mặt trân Tổ quốc, Hội Phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho những người kinh doanh loại hình này”.

Căn cứ trên 10 tiêu chí đối với thức ăn đường phố, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá và gắn logo biểu trưng “thức ăn đường phố an toàn” cho các những điểm bán hàng đáp ứng tốt các điều kiện đặt ra. Các điểm bán thức ăn đường phố không đạt tiêu chuẩn sẽ bị kiểm tra, xử lý nhẹ thì cảnh cáo, thông báo lên sóng phát thanh, nặng sẽ buộc phải ngưng kinh doanh.

Việc TP Hồ Chí Minh gắn logo biểu trưng “Thức ăn đường phố an toàn” là một hình thức để người tiêu dùng và thực khách có thể nhận biết được những cửa hàng kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh việc mua thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đây cũng có thể coi là một hình thức quản lý cần được nhân rộng để loại bỏ những cửa hàng kinh doanh không đạt chuẩn.

Ngọc Thủy (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-atvstp-ha-noi-thanh-lap-3-doan-kiem-tra-atvstp-post23256.html