Tin chứng khoán 15/10: Siết tín dụng, ngân hàng tìm cách lách qua 'khe cửa hẹp'

Để được nới giới hạn tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng đang tìm cách lách qua 'khe cửa hẹp': tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém để được hưởng trường hợp đặc biệt theo Chỉ thị 04. Sau HDBank, LienVietPostBank đang cân nhắc áp dụng phương thức này.

Siết tín dụng, ngân hàng tìm cách lách qua 'khe cửa hẹp'.

Siết tín dụng, ngân hàng tìm cách lách qua 'khe cửa hẹp'.

GDP tăng mạnh nhưng rủi ro lạm phát cũng đang dần rõ ràng hơn, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định "siết" tăng trưởng tín dụng bằng Chỉ thị 04. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ không được gia hạn tăng trưởng tín dụng (đa phần ở mức 15%) từ nay đến cuối năm, trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Giới phân tích cũng như các chuyên gia kinh tế hầu hết đều ủng hộ quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí còn đề xuất giảm tăng trưởng tín dụng xuống thấp hơn nữa.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2018 được dự báo ở mức khoảng 16 - 17%, tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhiều lần cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam là quá nóng và nên hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 14%, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

PGS TS. Phạm Thế Anh, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng sáng lập Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay cần được hạ xuống 12 - 14%, nhằm hạn chế cung tiền ra nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Có thể thấy, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ không chỉ là câu chuyện của năm 2018 mà còn là câu chuyện trong vài năm tới. Và các ngân hàng là những đối tượng trực tiếp nhất chịu ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách này.

Mặc dù nhiều ngân hàng đã và đang đẩy mạnh nguồn thu ngoài tín dụng nhưng thực tế, nguồn thu từ tín dụng vẫn là nguồn thu cốt yếu của tuyệt đại đa số các ngân hàng (bao gồm thu nhập lãi thuần và hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng).

Nhiều ngân hàng đang tìm cách lách qua "khe cửa hẹp": tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém để được hưởng trường hợp đặc biệt theo Chỉ thị 04.

HDBank hiện đang kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước sẽ nới giới hạn tăng trưởng tín dụng sau khi hoàn tất sáp nhập PGBank. Quý III đã trôi qua và thương vụ này chưa hoàn tất, tuy nhiên, siết tín dụng là xu hướng trung hạn nên không trong năm nay thì trong các năm sau, HDBank vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc nới giới hạn tăng trưởng tín dụng hoặc được cấp giới hạn cao hơn các ngân hàng khác.

Phương thức này của HDBank đang được LienVietPostBank cân nhắc áp dụng.

Trao đổi với các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, ban lãnh đạo LienVietPostBank cho biết ngân hàng đang xem xét khả năng tham gia tái cấu trúc một quỹ tín dụng nhân dân, do ngân hàng hỗ trợ tái cấu trúc một tổ chức tín dụng khác sẽ được phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

"Việc tham gia tái cấu trúc một tổ chức tín dụng khác có thể diễn ra vào năm 2019 nếu ngân hàng xét thấy lợi ích từ việc này vượt chi phí tái cấu trúc tổ chức tín dụng khác", VNDirect dẫn lời ban lãnh đạo LienVietPostBank.

Giai đoạn tới, không loại trừ khả năng sẽ có nhiều tổ chức tín dụng "học theo" HDBank và LienVietPostBank nhằm hy vọng được nới giới hạn tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, mọi quyết định đều nằm ở Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu cao nhất của cơ quan này là giữ tăng trưởng tín dụng đúng chỉ tiêu đề ra.

VN-Index hướng trở lại mốc 990 điểm

Sau phiên giảm sốc ngày 11/10, các chỉ số đã đồng thuận tăng mạnh mẽ trở lại trong phiên kế tiếp. VN-Index tăng 24,19 điểm (+2,56%) lên ngưỡng 970,08 điểm; trong khi VN30-Index tăng 2,55% lên 943,49 điểm.

Sự đồng thuận đến từ sự hồi phục đồng loạt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Số lượng các cổ phiếu tăng giá trên HoSE áp đảo với 246 mã vượt trội so với 56 mã giảm.

Nhóm Dầu khí vẫn duy trì sắc xanh bất chấp giá dầu thế giới điều chỉnh, với GAS (+6,5%) là cổ phiếu dẫn đầu hỗ trợ mạnh nhất cho đà tăng của VN-Index với đóng góp 4,4 điểm. VIC (+3,2%), VCB (+3,8%) và VPB (+4,3%) là một trong các nhân tố trụ cột của 2 chỉ số trên sàn HOSE.

Nhìn chung, nhóm ngân hàng đã thể hiện vai trò trụ cột của mình khi không có mã nào giảm điểm trong phiên. Ngành dệt may cũng hồi phục mạnh với điểm nhấn là TNG đóng cửa tăng trần, trong khi TCM, STK đều tăng 3,7% sau phiên giảm sàn trước đó. Nhóm chứng khoán diễn biến tích cực trở lại với mức tăng đáng ở HCM (+3,1%), VCI (+2,2%) và SSI (+2%) nhờ lực mua từ khối ngoại.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 935-940 đã đỡ được đà giảm của thị trường trong phiên cuối tuần. VN-Index đóng cửa tăng điểm mạnh với cây nến ngày là nến tăng sốc có thân nến dài và có bóng nến dưới gần như bao trọn cây nến giảm phiên hôm thứ Năm, tuy nhiên chưa bù lại được khoảng trống do cây nến ngày thứ Năm tạo nên.

"Thanh khoản đã giảm và trở lại tương đương với mức nền khối lượng giao dịch tuần, điều này cho thấy tâm lý thị trường đã phần nào ổn định trở lại. Phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index có khả năng tiếp diễn đà hồi phục và thử thách ngưỡng 990; nếu bù được khoảng trống khi thử thách ngưỡng này sẽ là tín hiệu cho thấy tâm lý thị trường thực sự ổn định trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó", SSI nêu quan điểm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, chỉ số sẽ hướng tới vùng kháng cự 975 - 990 và sau đó xác định định hướng trong thời gian tới.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/tin-chung-khoan-1510-siet-tin-dung-ngan-hang-tim-cach-lach-qua-khe-cua-hep-20180504224214373.htm