Tin chứng khoán 23/11: Sau đấu giá thành công, triển vọng tăng giá của cổ phiếu VCG thế nào?

Liệu cổ phiếu VCG có liên tiếp tăng trần sau phiên đấu giá vượt kỳ vọng của SCIC với giá trúng giá cao hơn tới 56% so với thị giá?

Sau đấu giá thành công, triển vọng tăng giá cổ phiếu VCG thế nào?

Sau đấu giá thành công, triển vọng tăng giá cổ phiếu VCG thế nào?

Phiên đấu giá cổ phần Vinaconex của SCIC diễn ra mới đây đã vượt mọi kỳ vọng của SCIC nói riêng cũng như các nhà đầu tư nói chung. Công ty An Quý Hưng đã quyết định bỏ ra tới 7.360 tỷ đồng để sở hữu 57,71% vốn điều lệ Vinaconex. Mức giá mà nhà đầu tư này chi ra là 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 56% so với thị giá (thị giá chốt phiên 22/11 ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu).

Lợi ích đối với Nhà nước đã rõ, nhưng lợi ích với cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu VCG ra sao?

Trước hết, về tay tư nhân rõ ràng đã mở ra tương lai đáng kỳ vọng cho Vinaconex và điều này hẳn sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu VCG.

Đặc biệt, với việc Công ty An Quý Hưng chấp nhận chi ra mức giá gấp rưỡi thị giá, các cổ đông của Vinaconex đang kỳ vọng thị giá cổ phiếu VCG trong thời gian tới sẽ diễn biến theo hướng tiến dần về mức giá mà Công ty An Quý Hưng mua.

Tạm tính, cổ phiếu VCG cần 4 phiên tăng trần để tiệm cận mức giá 28.900 đồng/cổ phiếu và cần 5 phiên tăng trần để vượt mức giá trên (biên độ dao động trên sàn HNX là 10%).

Mặc dù triển vọng tăng giá là khá rõ, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngại bởi 2 lý do chính (1) nhiều trường hợp Nhà nước thoái vốn xong, giá cổ phiếu quay đầu giảm, điển hình gần đây là VNM và SAB (2) quỹ ngoại muốn bán hàng triệu cổ phiếu bởi room ngoại tại Vinaconex đã bị chốt ở mức 0%.

Ở lý do thứ nhất, nhà đầu tư lo ngại là chính xác khi nhìn vào trường hợp của SAB. Cổ phiếu này đã giảm rất rõ rệt từ khi đấu giá thành công. Nếu như trước đấu giá, cổ phiếu SAB giao dịch ở mức trên 300.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) thì sau khi đấu giá thành công, mốc 300.000 bị "xuyên thủng", thị giá cổ phiếu SAB trượt dài, có lúc xuống dưới 200.000 đồng và hiện đã hồi phục lên gần 250.000 đồng.

Tuy nhiên, trường hợp của VNM khác biệt hoàn toàn. Mặc dù gần đây, VNM rơi vào xu hướng giảm nhưng phần nhiều do kết quả kinh doanh chững lại và xu hướng suy giảm chung của thị trường. Thực tế sau khi Nhà nước thoái vốn hồi tháng 11/2017, cổ phiếu VNM đã liên tục tăng từ mức giá 132.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh) lên đỉnh 174.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2018 trước khi giảm về mức 120.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Ở lý do thứ hai, đúng là áp lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài là đáng kể, tuy nhiên, việc chốt room ngoại 0% không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài buộc phải bán toàn bộ cổ phiếu VCG.

Theo quy định tại khoản 4 điều 11 Thông tư 123/2015/TT-BTC: "Trường hợp thay đổi ngành, nghề đầu tư kinh doanh, tổ chức lại công ty hoặc quy định pháp luật thay đổi dẫn tới công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực tế vượt mức tối đa quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/ NĐ-CP, công ty đại chúng và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải bảo đảm không làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty", Vinaconex rơi vào trường hợp này, đồng nghĩa nhà đầu tư nước ngoài không bắt buộc phải bán mà chỉ không được mua thêm cổ phiếu VCG.

Dù vậy, như đã đề cập, vẫn sẽ có áp lực bán nhất định từ phía khối ngoại bởi ở lại, khối này bị "trói chân trói tay".

Một điểm đáng lưu ý hơn là, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu VCG sẽ tăng bởi nếu không tăng, nhà đầu tư "bỏ một đống tiền" thâu tóm Vinaconex sẽ "lỗ" nặng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, khi Vinaconex đã về tay chủ mới, họ đã xác định đây là khoản đầu tư dài hạn, thậm chí là "xương sống" trong hoạt động kinh doanh. Vì thế, việc cổ phiếu VCG tăng giá là không cấp thiết và nếu có tăng thì cũng không cần vội vàng.

Điều này cũng tương tự như các trường hợp bán vốn Nhà nước khác như ở SAB, VNM...

VN-Index rung lắc trong phiên 23/11?

Phiên 22/11, thị trường có diễn biến tích cực trong gần như toàn bộ thời gian giao dịch. Chốt phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 924,42 điểm, tăng 1,86 điểm tương đương 0,2% so với mức tham chiếu.

Các mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index là VHM, VIC và VPB khi đóng góp lần lượt 1,6, 0,47 và 0,37 điểm tăng. Ngược lại, các mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất là VCB, HPG và GAS khi lấy đi của chỉ số VnIndex lần lượt 0,45, 0,31 và 0,28 điểm. Thanh khoản trên sàn HSX đạt 114 triệu cổ phiếu, giảm nhẹ so với mức 119 triệu cổ phiếu của phiên liền trước.

Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng 0,93% nhờ việc các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, DXG và VIC tăng lần lượt 1,6%, 0,8% và 0,7%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng 0,50% nhờ diễn biến tăng điểm của các cổ phiếu VCI, APG và ART. Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 0,59% do ảnh hưởng bởi diễn biến kém tích cực của các cổ phiếu PVD, PVS và GAS khi giảm lần lượt 3,4%, 2,0% và 0,7%.

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 9 liên tiếp trên sàn HSX với giá trị hơn 72 tỷ đồng.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong phiên kế tiếp, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến vùng kháng cự 930-935 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, thị trường có thể gặp phải áp lực điều chỉnh, rung lắc và có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tin-chung-khoan-2311-sau-dau-gia-thanh-cong-trien-vong-tang-gia-cua-co-phieu-vcg-the-nao-20180504224216408.htm