Tin chuyện bùa ngải, thiếu phụ chết thảm trong tay gã thầy bùa bệnh hoạn

Chính ở ngôi chòi hoang vu giữa vùng đồng nước mênh mông ấy, thầy bùa này đã ngấm ngầm gây tội ác. Tại đây, hắn đã giết sau đó hãm hiếp 4 phụ nữ sống trên cù lao và vùng phụ cận.

Cù lao Tân Huề, Tân Quới, Tân Bình (thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) có một ngôi mồ hoang, nằm chìm nghỉm dưới vũng lầy toàn có dại xen lẫn bèo tây.

Ngôi mồ ấy là của một tử tội, thầy bùa khét tiếng Phạm Văn Tuấn (SN 1957), kẻ đã hãm hiếp và giết 4 phụ nữ để lấy sọ luyện bùa phép.

Ở cù lao này, cứ nghe đến tên thầy bùa này thì mọi người lại xanh mặt sợ hãi bởi những tội ác ghê rợn mà hắn đã gây ra. Thậm chí, nhiều người vẫn còn tin hắn có phép thần thông, dù làm ma thì vẫn rình rập hãm hại người trên dương thế.

Nấm mồ hoang của thầy bùa bệnh hoạn

Nơi chôn cất gã thầy bùa chỉ là bãi đất hoang

Bây giờ, ở cù lao giữa sông Tiền ấy, nhắc đến thầy bùa Phạm Văn Tuấn, còn gọi là Hai Tưng thì mọi người vẫn còn run rẩy sợ hãi. Ở đây, mọi người coi thầy bùa này là quỷ dữ hiện hình.

Dù đã chết xanh cỏ bằng bản án tử hình thì nhiều người vẫn còn sợ oai linh của kẻ biến thái bệnh hoạn ấy. Bởi thế, hỏi chuyện về hắn, nhiều người chỉ ậm ừ rồi lảng sang chuyện khác.

Thầy bùa Phạm Văn Tuấn trước đây sống ở ấp Hạ, xã Tân Quới. Theo người dân địa phương, hắn chuyển về đây từ giữa những năm 1990. Mọi người chỉ biết hắn từ An Giang tới chứ cụ thể ở vùng nào thì không ai biết.

Hắn đến đây trên chiếc ghe cũ nát. Dân cù lao mến khách, thấy Tuấn độc thân, mặt mũi hiền lành nên cũng chẳng bận tâm nhiều đến sự xuất hiện của hắn. Thậm chí, có người đã nhường đất đồng bãi cho Tuấn dựng chòi để ở.

Chính ở ngôi chòi hoang vu giữa vùng đồng nước mênh mông ấy, thầy bùa này đã ngấm ngầm gây tội ác. Tại đây, Tuấn đã giết sau đó hãm hiếp 4 phụ nữ sống trên cù lao và vùng phụ cận.

Khi bị bắt, Tuấn khai rằng, hắn gây tội ác rùng rợn trên là để lấy đầu lâu người luyện phép thần thông. Học theo một môn phái lạ ở biên giới Cam-pu-chia, Tuấn tin rằng nếu mình sở hữu được 9 cái sọ người là phụ nữ, cộng với lông, tóc của họ thì có thể luyện thành yêu thuật.

Khi đó, hắn có thể nhìn thấu quá khứ, tương lai, đao thương bất nhập, đi mây về gió. Khi đó, hắn có thể điều khiển âm binh là 9 oan hồn mà hắn giết để hãm hại bất cứ ai mà hắn muốn.

Tuy nhiên, ảo vọng điên cuồng của Tuấn đã bị chặn đứng khi hắn vừa giết xong người thứ 4. Chị này tên là Trần Thị Phượng ở xã Tân Huề, cách nơi Tuấn ở vài cây số.

Đến bây giờ, mọi người ở cù lao này vẫn cho rằng, Tuấn gieo gió gặp bão. Và, chính các oan hồn do Tuấn giết đã báo oán, đã giúp mọi người vạch trần tội ác ghê rợn của tên cuồng tín hung bạo này.

Theo những người dân ở cù lao này, chính “oan hồn” của chị Phượng đã chỉ lối cho mọi người biết tội ác của tên thầy bùa biến thái này.

Niềm tin mù quáng của thiếu phụ ngây thơ

Từ trung tâm cù lao, vào xã Tân Huề, nhà chị Phượng phải vượt qua con kênh Mã Trường. Con kênh này trước đây là đường giao thương duy nhất của người dân cù lao với vùng phụ cận.

Nhà chị Phượng nằm sát bờ kênh, kiểu nhà sàn vượt lũ.

Thấy khách lạ đến lại hỏi tên con mình, bà Võ Thị Bẳng, thường gọi là Tám Bẳng, mẹ chị Phượng đang đứng bỗng nhiên hai chân đổ khụy. “Các chú là ai, sao lại biết con gái tôi? Không nhẽ ông thầy bùa ấy lại có chuyện gì?”, bà Bẳng thảng thốt.

Bà Tám Băng khóc khi nhắc tới cái chết thảm thương của con gái

Khi nghe chúng tôi giới thiệu về công việc của mình, tuy vẫn còn hoảng loạn nhưng bà Bẳng đã mời lên nhà.

Nhắc lại chuyện xưa, bà Tám Bẳng lại nước mắt như mưa. Bà bảo, chị Phượng (SN 1975), con gái bà, thuở trước trắng trẻo, xinh gái nhất nhì vùng cù lao này.

“Chết oan, chết tức tưởi nên nó thiêng lắm, nó vẫn về thăm tui mà. Thấy nó thường xuyên nên nhiều lúc tui còn tưởng nó chưa chết nữa cơ”, bà Tám Bẳng xa xót.

Có lẽ bởi quá thương cô con gái ngoan hiền lại bị ám ảnh bởi cái chết thê thảm ấy nên dù đã nhiều năm trôi qua mà bà Tám Bẳng vẫn… thấy con về trong những giấc ngủ chập chờn.

“Nó thiêng thật mà, nó mà không thiêng thì sao mách cho gia đình chỗ thằng quỷ đó giấu xác. Nó mà không thiêng thì bao người khác nữa cũng phải chết rồi”, ngó lên ban thờ, nơi có cả bát nhang dành cho cô con gái, bà Tám Bẳng chia sẻ.

Theo bà Tám Bẳng, tuy xinh nức tiếng nhưng con gái bà vẫn phải lấy chồng ở trên cù lao. Chồng của Phượng là một chàng trai hiền lành, chất phác. Lấy nhau được 2 năm mà đôi trẻ vẫn chẳng có con, chẳng biết lỗi tại bên nào.

Mùa lũ năm đó, bởi cảnh nông nhàn lại son rỗi, nhờ người quen mách lối, chị Phượng lên Sài Gòn để làm công nhân.

Bởi cả đời quanh quẩn ở cù lao nên khi chị Phượng đi thì ai cũng nhớ. Nhất là chồng. Anh này cứ liên tục gọi điện cho vợ bắt về. Bởi thế, đi làm xa chị Phượng cũng chẳng yên. Gọi mãi mà vợ không về thì y như rằng dằn dỗi.

Làm việc ở công ty có kỷ luật nên đâu phải thích là xin nghỉ ngay được. Bởi thế, một lần ghe “lệnh triệu tập” của chồng, sấp ngửa về, chị muốn nói chuyện phải quấy với chồng để yên tâm làm việc.

Rạch Mã Trường chạy qua nơi gã thầy bàu tàn ác trú ngụ

Lần về thăm nhà ấy, khi đang đợi đò sang cù lao, chị Phượng thấy mọi người xôn xao bàn tán về khả năng phi phàm của ông thầy bùa ở xã bên. Theo mọi người thì ông ấy vừa làm thầy cúng, vừa làm thầy lang lại có bùa phép khiến người ta có thể yêu, hay ghét bất kỳ ai.

Thầy bùa ấy không phải ai khác mà chính là Phạm Văn Tuấn ở ấp Hạ, xã Tân Quới, ngay cạnh xã của chị.

Giăng bẫy bắt mồi

Nghe mọi người trò chuyện về khả năng siêu nhiên của thầy bùa Tuấn, chị Phượng đã thở phào vì đã tìm ra cách để hạn chế sự “nhũng nhiễu” của chồng. Chị muốn đến để nhờ thầy làm cho một lá bùa để chồng bớt nhớ mình hơn.

Thêm nữa, tiện thể hỏi luôn là đến bao giờ mình có thể có sắp nhỏ để bế bồng. Nghĩ thế nên ngay về nhà hôm trước, hôm sau chị cùng cô em họ chống ghe lên nhà nhà thầy bùa ở ấp Hạ, xã Tân Quới.

Bà Tám Bẳng kể, khi ấy, nghe con gái nói lên nhà thầy bùa, bà cũng gật đầu tán đồng. “Tiếng ông ta ở đất này vang dữ lắm. Nhiều người tìm đến để chữa bệnh, coi bói mà”, bà Tám Bẳng thảnh thốt.

Có lẽ, khi đó, bà Tám Bẳng và mọi người đâu biết, để có “danh tiếng” đó, thầy bùa ác quỷ Phạm Văn Tuấn đã dùng cô vợ hờ là Trần Thị Thể (SN 1969), kẻ đồng mưu, đồng lõa với tội ác của Tuấn để rêu rao.

Dù được tuyên truyền vận động nhưng nhiều người vẫn tin vào bùa ngải

Để câu “con mồi” về nhà cho gã chồng hờ bệnh hoạn hãm hiếp và giết hại, mê muội, Thể đã ra chợ, tới những chỗ đông người rêu rao về khả năng đặc biệt của Tuấn. Thế rồi, một đồn mười, mười đồn trăm, khi đó, khắp vùng Đồng Tháp Mười này nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ đều biết tiếng tăm thầy bùa Phạm Văn Tuấn.

Cùng cô em họ đến nhà thầy bùa thì mặt trời đã lên đỉnh đầu. Tấp ghe vào bến, hai chị em nhắm ngôi nhà chơ vơ nơi triền đê, cạnh những bụi lau lách bước tới. Gọi một hồi thì hai chị em thấy một người đàn ông có nước da xám ngoét, mắt trắng dã thò mặt qua cửa sổ mắng te tua.

Hắn nói hắn không tiếp khách vào giờ này, cần việc gì thì đêm hẵng tới và chỉ tới một người thôi.

Em họ chị Phượng kể, ban đầu, bởi chưa nhìn rõ nên thầy bùa đó đã tỏ vẻ khó chịu, nặng lời. Tuy nhiên, khi nhìn thấy nhan sắc của chị Phượng thì hắn đã vội vàng xuống nước. Nhìn chị Phượng, hắn nhẹ nhàng bảo: “Nhìn cưng là anh biết có việc quan trọng rồi, nhưng anh không làm việc ban ngày, thông cảm nhé cưng”.

Thấy thái độ của gã thầy bùa như vậy hai chị em cũng chờn chợn. Chỉ có ý đồ đen tối mới hẹn khách làm việc ban đêm. Biết vậy nhưng đi hỏi nhiều người, chị Phượng thấy đó đúng là “nguyên tắc” bấy nay của gã thầy bùa này.

Dùng những lời lẽ nặng mùi dị đoan, gã giải thích rằng, chỉ ban đêm gã mới gọi được âm binh, mới ra lệnh được cho âm binh làm điều gã muốn. Bởi thế, chỉ đêm đến gã mới cho bùa.

Mê muội, quỷ khiến ma xui, chị Phượng đã tin những lời gã nói. Và, chính niềm tin ấy đã khiến chị phải trả giá bằng cái chết thảm thương…

Theo Đời sống Plus

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/tin-chuyen-bua-ngai-thieu-phu-chet-tham-trong-tay-ga-thay-bua-benh-hoan-172178/