Tin ĐBSCL: Ngân hàng lên kế hoạch hỗ trợ thiệt hại do hạn mặn

Trước thiệt hại về hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại 5 tỉnh đã công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp sẽ được ngành ngân hàng tiến hành hoãn, giãn, khoanh nợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

 Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại và 5 tỉnh ở ĐBSCL lên kế hoạch hỗ trợ, nhằm giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp các tỉnh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hạn hán.

Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại và 5 tỉnh ở ĐBSCL lên kế hoạch hỗ trợ, nhằm giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp các tỉnh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hạn hán.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp trực tuyến với các ngân hàng thương mại (NHTM) và 5 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang để lên kế hoạch hỗ trợ, nhằm giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp các tỉnh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hạn hán.

Theo đại diện Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NNN&PTNT), xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 ở ĐBSCL xuất hiện sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài. Thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 khoảng gần 39.000ha, chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng (1,54 triệu ha).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết, hiện tín dụng dư nợ tại ĐBSCL là trên 665.000 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc; Tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời theo quy định.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, đợt hạn mặn lần này của tỉnh là gần 2.000 tỷ đồng. Điều này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%.Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh đến hết tháng 02/2020 thấp dưới 2%.

Về vấn đền này, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, giải quyết tình trạng này cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL, ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất.

Nước ngọt đến với bà con tỉnh Bến Tre, Tiền Giang

Trong những ngày qua, các tàu chuyên dụng chở nước của Quân chủng Hải quân vượt qua hàng trăm hải lý đường biển và đường sông, chở theo hàng hàng triệu lít nước ngọt để kịp thời cung cấp đến nhân dân vùng hạn mặn tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang.

Cán bộ, chiến sỹ Tàu 937 bơm nước ngọt xuống ghe cho bà con xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm.

Sau hơn một ngày hành trình, sáng ngày 24/3, chuyến tàu thứ Ba của Tàu 937 thuộc Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn chở theo 300.000 lít nước ngọt vận chuyển đến xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, (Bến Tre) để cung cấp cho người dân trong xã sử dụng.

Do không có chỗ cập bến nên cán bộ, chiến sĩ tàu 937, Hải đoàn 129 đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bơm nước ngọt xuống các ghe để chuyển tải vào các bể chứa của địa phương để người dân đến lấy về sinh hoạt, ăn uống.

Xong xong với việc cấp nước cho nhân dân, Chỉ huy Tàu 937 đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên hệ thống truyền thanh của tàu và hướng dẫn bà con cách sát khuẩn phòng dịch, phát khẩu trang cho nhân dân đến nhận nước ngọt.

Cũng trong ngày 24/3, tại Cảng cá Vàm Láng, Thị trấn Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, Tàu 935 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân chở theo 200.000 lít nước ngọt cung cấp cho bà con vùng hạn mặn tỉnh Tiền Giang.

Hiện tại, tàu 936 của Học viện Hải quân cũng chở theo 1.200.000 lít nước ngọt, sẵn sàng tiếp tế cho bà con vùng hạn mặn có nguồn nước sinh hoạt.

Tiền Giang, Cà Mau bị sụt lở nghiêm trọng

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân ĐBSCL, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tuyến đường trên đê từ Đá Bạc về Kênh Mới (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún dài 100m.

Mới đây, đoạn đê ở vùng biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) bị sạt lở kéo dài 16km. khoảng 35.000ha đất sản xuất ở trong đê thuộc vùng ngọt hóa Gò Công đang bị nước biển uy hiếp. Trung bình mỗi năm, khu vực này bị lấn sâu vào đất liền từ 30 - 50m. Nhưng năm qua, biển đã liên tục xâm thực khiến vành đai rừng phòng hộ dày 100 - 800m bị biến mất. Gần 50 hộ dân ở trong vùng sạt lở nguy hiểm có thể bị nước biển cuốn trôi vào bất cứ lúc nào.

Tại Cà Mau, thời gian qua, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, liên tiếp xảy ra sụt lún đất nghiêm trọng. Mới đây một vụ sụt lún xảy ra trên tuyến đường huyết mạch về trung tâm xã Trần Hợi đã kéo theo 5 người đi trên 3 xe máy bị nạn rất may không bị thiệt hại về người.

Theo UBND xã Trần Hợi, (Trần Văn Thời), đoạn đường bị sụt lún nằm trong tuyến Co Xáng - Cơi 5, dài gần 60 m, ngang hơn 5 m, sâu từ 1 - 3 m. Chính quyền địa phương đã làm rào chắn và tạm cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông qua đoạn này.

Theo thống kê, từ đầu mùa khô đến nay trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 1.100 vụ sụt lún, sạt lở đất. Huyện Trần Văn Thời chịu thiệt hại nặng nhất với trên 700 vụ. Chỉ riêng tuần qua, huyện Trần Văn Thời tiếp tục xảy ra 3 vụ sụt lún đất nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ra các vụ sụt lún đều được đánh giá do ảnh hưởng nắng hạn, mực nước rút thấp khiến đất bị co ngót và làm mất phản áp.

Hơn 37.600 ha rừng ở Cà Mau nguy cơ cháy cao

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, tỉnh này hiện có hơn 37.600 ha/43.500 ha lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo ở mức báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), chiếm hơn 86,4% tổng diện tích rừng ngập ngọt của tỉnh.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại Cà Mau.

Diện tích báo cháy cao nhất tập trung trên toàn bộ lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số nơi có diện tích báo cháy cấp 5 đã chiếm 100% diện tích lâm phần, như: Liên tiểu khu (LTK) 30/4 (hơn 2.975 ha), LTK U Minh I (hơn 3.700 ha), LTK Trần Văn Thời (gần 3.200 ha)….

Tại Vườn quốc gia (VQG) U Minh hạ, nơi có hơn 8.500 ha rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt, đến nay đã có 5.230 ha báo cháy cấp 5. Hay tại lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ, trong tổng số hơn 19.580 ha hiện đã có hơn 17.430 ha báo cháy cấp 5. Diện tích còn lại dự báo sẽ chuyển sang cấp cao nhất chỉ trong vòng 10 ngày tới.

Theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, với cường độ nắng hạn gay gắt như hiện nay thì trong tuần tới, toàn bộ diện tích rừng báo cháy cấp 4 còn lại sẽ chuyển sang báo cháy cấp 5. Đồng nghĩa, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đạo ở Cà Mau sẽ đặt trong tình trạng “báo động đỏ”.

Hiện, tỉnh Cà Mau đang quyết liệt trong các mặt công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, đặc biệt thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, tăng cường lực lượng ứng trực, canh lửa và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, máy móc.

Hoàng Văn (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-dbscl-ngan-hang-len-ke-hoach-ho-tro-thiet-hai-do-han-man-post34466.html