Tín dụng 6 tháng đầu năm: Tăng thấp nhưng bền vững

6 tháng đầu năm 2019, tín dụng tăng trưởng 7,33% so với cuối năm 2018, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, với việc tín dụng đã 'chảy' nhiều hơn đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mức tăng này lại có đóng góp tích cực cho việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tín dụng tăng trưởng thấp nhưng được đẩy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thùy Linh.

Tín dụng tăng trưởng thấp nhưng được đẩy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thùy Linh.

Giảm rủi ro tín dụng

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, tổ chức vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, 6 tháng tín dụng tăng 7,33% so với cuối năm 2018, xấp xỉ với mức tăng năm ngoái. Đây là mức tăng tín dụng thấp nhất trong cùng kỳ của 4 năm qua (6 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng trưởng 7,88%; thấp hơn mức 8,21% và 9,01% lần lượt của 6 tháng đầu năm 2017 và 2016). Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 được NHNN đặt ra từ đầu năm cũng chỉ ở mức 14%, thấp hơn so với năm 2018.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng của cả năm 2019 sẽ duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân một phần do lãi suất cho vay khó giảm trong bối cảnh lãi suất huy động giữ ở mức ổn định cùng với chính sách quản lý tín dụng thận trọng hơn của NHNN.

Dù tăng trưởng thấp, nhưng Thống đốc NHNN cho biết, cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực; các lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất khẩu là thế mạnh hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế đều có mức tăng trưởng tín dụng rất khá. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 31/5/2019, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; Tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng 5,04%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã nhận được nhiều ưu tiên. Tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lên đến 51.000 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ đồng được dành để cho vay hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh dịch.

Vì vậy, trong thời gian qua, NHNN luôn khẳng định, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, tại các ngân hàng thương mại, tín dụng cũng đã và đang được đẩy mạnh tới khu vực sản xuất, kinh doanh nhiều hơn.

Mở rộng thị trường vốn

Tín dụng tăng trưởng thấp nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại đánh giá, điều này mừng hơn lo. Bởi hiện nay, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so với GDP đã vào khoảng 134%. Do đó, tăng trưởng tín dụng thấp sẽ giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng, chuyển sang mở rộng, tìm kiếm các thị trường vốn khác như chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu, cho vay ngang hàng, fintech… Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà NHNN là một trong những thành viên điều hành chủ chốt.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tín dụng đang được dồn nhiều cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, lãi suất có thể nằm trong mức mục tiêu đề ra sẽ làm tăng khả năng ổn định lãi suất. Điều này là rất quan trọng để tạo điều kiện cho DN tiếp cận thị trường vốn, nhất là trong điều kiện tăng trưởng huy động và tín dụng suy giảm như hiện nay.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng tín dụng có tính mùa vụ, nên sẽ có sự tăng mạnh vào cuối năm khi nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của DN tăng lên. Hơn nữa, với việc các ngân hàng đẩy mạnh cuộc đua tiến lên tiêu chuẩn Basel II để được NHNN nới lỏng hạn mức tín dụng, thì chỉ số tăng trưởng tín dụng sẽ còn nhiều thay đổi từ nay đến cuối năm. Theo đó, nhiều ngân hàng cho biết đã đề xuất NHNN nới room tăng trưởng tín dụng lên tới trên 30%, cao hơn mức bình quân 14% nhiều lần. Nhưng với việc NHNN kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm nay, những đề xuất nới lỏng tín dụng của các ngân hàng thương mại vẫn còn phải xem xét.

Như vậy, trong những tháng còn lại của năm 2019, tình hình tăng trưởng tín dụng vẫn có thể có những diễn biến bất ngờ. NHNN vẫn khẳng định sẽ điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản, diễn biến thị trường bất động sản để có chỉ đạo điều hành phù hợp.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tin-dung-6-thang-dau-nam-tang-thap-nhung-ben-vung-108292.html