Tín dụng bất động sản: Không 'siết' nhưng cũng không nới lỏng hoàn toàn

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy, sẽ không có 'món quà' nào cho tín dụng bất động sản năm 2023, ngoại trừ các phân khúc thị trường nằm trong định hướng ưu tiên, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.

Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng, các chuyên gia cho rằng ngoài tín dụng, cơ quan quản lý có thể áp dụng các biện pháp đẩy nhanh thanh khoản của thị trường bất động sản lên.

Dự án bất động sản nào sẽ được vay vốn?

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản hiện nay chưa đến mức khủng hoảng, song đang trong tình trạng "bóng xì hơi" đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang có những động thái ráo riết nắn chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Một trong những giải pháp được các chuyên gia cho là cần thiết là thanh lọc các doanh nghiệp, dự án tốt và tài trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án này phát triển để hỗ trợ phục hồi.

Tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý, tức là không siết nhưng cũng không nới lỏng hoàn toàn (Ảnh: Int)

Tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý, tức là không siết nhưng cũng không nới lỏng hoàn toàn (Ảnh: Int)

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.

Lý giải cho nhận định này, ông Hà cho biết, ở quý đầu năm, Chính phủ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn. Đồng thời, room tín dụng được mở trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ, tạo đà phát triển trở lại.

Trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu xuân mới và giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

"Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện", Thủ tướng nhấn mạnh.

Không có “món quà” nào cho tín dụng bất động sản

Các chuyên gia cũng nhận định, chỉ đạo đầu năm của Thủ tướng nghĩa là cần duy trì tín dụng bất động sản ở mức hợp lý, tức là không siết nhưng cũng không có nghĩa là nới lỏng hoàn toàn, mà dựa trên nền tảng quy định của các ngân hàng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thực tế, thị trường bất động sản đang có những khó khăn thực sự về thanh khoản. Chính vì vậy, Thủ tướng mong muốn ngành ngân hàng phải hỗ trợ để thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Bởi nếu thị trường bất động sản không phục hồi sẽ rất nguy hiểm. Hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn, hàng loạt các tập đoàn lớn rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán kể cả trái phiếu, nợ nhà thầu hay nợ người mua nhà.

Cũng phải nói thêm, cách NHNN lâu nay xử lý với thị trường bất động sản là khá tích cực. Các thông điệp của NHNN có vẻ "gay gắt" là phải quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản nhưng thực ra, NHNN biết rằng đó là thị trường liên quan mật thiết tới tài sản đảm bảo của các ngân hàng thương mại. Do đó, nhà quản lý tiền tệ không có dụng ý bóp nghẹt hay siết chặt nào, thay vào đó để tín dụng bất động sản ở mức độ bình thường.

Thậm chí, nếu tính tất cả các nguồn cho vay, từ cho vay nhà đầu tư, cho vay qua nhà thầu, cho vay qua người mua nhà,… tổng tín dụng bất động sản có thể cao hơn bất cứ tín dụng cho ngành kinh tế nào khác.

Trong định hướng điều hành, NHNN cố gắng kiềm chế để không cho tín dụng bất động sản tăng đột biến, mà chỉ duy trì ở mức độ hợp lý.

“Vì vậy, tôi nghĩ sẽ không có "món quà" nào cho tín dụng bất động sản trong năm 2023. Tôi hy vọng, với chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách lâu nay đối với thị trường bất động sản trong năm nay”, ông Nghĩa nói.

Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 800.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa trích dẫn báo cáo của NHNN về tình hình cấp tín dụng bất động sản. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản xấp xỉ 800.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%; Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6%.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tin-dung-bat-dong-san-khong-siet-nhung-cung-khong-noi-long-hoan-toan-1090563.html