Tín dụng bế tắc ngó mốc 12%

DoanhNhanOnline – Tín dụng vẫn tắc. Phải chăng những lối đi mà các ngân hàng đã chọn trong thời gian qua chưa đúng? Vietcombank, một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống đã tăng trưởng âm về tín dụng...

DoanhNhanOnline – Tín dụng vẫn tắc. Phải chăng những lối đi mà các ngân hàng đã chọn trong thời gian qua chưa đúng?

Chưa khi nào dịch vụ ngân hàng bán lẻ phát triển rầm rộ như thời gian qua

Vietcombank, một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống đã tăng trưởng âm về tín dụng trong 6 tháng qua. Tăng trưởng tín dụng – cụm từ này đang là nỗi lo, thậm chí là nỗi ám ảnh của nhiều cán bộ ngân hàng khi nó là nguyên nhân khiến họ bị giảm lương, cắt thưởng và thậm chí giờ đây là nguy cơ thất nghiệp. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VP Bank chia sẻ với Doanh Nhân: xã hội thường chia sẻ với tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, nhưng thực sự lúc này các ngân hàng cũng muôn phần khó khăn.

Không nhiều lựa chọn

Mối lo tăng trưởng tín dụng thấp đã xuất hiện gần 2 năm qua, nhưng có vẻ đến tận lúc này các ngân hàng vẫn chưa có giải pháp khả thi nào để cải thiện tình hình. Ban đầu, các NHTM chọn cách “đánh” mạnh vào phân khúc tín dụng tiêu dùng. Các dịch vụ khách hàng cá nhân nở rộ nhằm kích cầu tín dụng, với tham vọng tạo lực cầu tốt hơn cho toàn nền kinh tế. Lựa chọn này khả thi bởi hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm; hàng tồn kho tăng cao: Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, phá sản… nên cầu tín dụng từ phân khúc này rất thấp. Vì vậy, NHTM chọn đầu tư vào khách hàng cá nhân với hy vọng “góp gió thành bão” từ các món cho vay nhỏ. Và một mũi tên trúng hai đích: vừa đẩy tín dụng ra (dù ít), vừa kích cầu tiêu dùng hỗ trợ doanh nghiệp giảm hàng tồn kho.

Chưa khi nào các dịch vụ ngân hàng bán lẻ phát triển rầm rộ như thời gian qua. Từ cho vay mua nhà, mua ôtô, đến cả cho vay mua xe máy với lãi suất ưu đãi; thẻ tín dụng được mời chào phát hành với những điều kiện gần như… không điều kiện. Nhiều NHTM triển khai các gói tín dụng ưu đãi mà khách hàng cá nhân cũng được hưởng ưu đãi như khách hàng doanh nghiệp. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Thế nhưng, “bão” đã không hình thành, vì kinh tế trì trệ, người dân có xu hướng thắt lưng buộc bụng chứ không sẵn sàng chi tiêu trước trả tiền sau, như ngân hàng mong đợi.

Hướng đi thứ hai, chứa đựng biết bao kỳ vọng của cả ngân hàng, doanh nghiệp, lẫn người dân: cung tín dụng cho bất động sản. Cụ thể là gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Kỳ vọng bao nhiêu thì nay ngân hàng e ngại, doanh nghiệp nản, người dân thất vọng bấy nhiêu. Gói tín dụng này, như ngân hàng BIDV từng kỳ vọng, sẽ tạo cú hích mạnh để hâm nóng lại thị trường bất động sản, cứu hàng loạt ngành nghề liên quan đến xây dựng; đưa doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản thoát cảnh phá sản; giúp hàng chục ngàn hộ dân có nhà để ở… Hướng đi này được BIDV khởi xướng từ cuối năm 2012 và họ cũng là ngân hàng tiên phong trong triển khai gói tín dụng này. Vậy mà đến đầu tháng 7, NHNN mới xác nhận việc đăng ký khoản cho vay tại BIDV bằng nguồn tái cấp vốn của NHNN cho 2 doanh nghiệp là gần 658 tỷ đồng…

Hướng thứ ba, tăng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Ban đầu là 4 lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp nông thôn; tài trợ xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ. Nhưng sau các NHTM đã mở rộng ra cho cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Thậm chí BIDV còn cho vay ưu đãi cả với những khoản vay để khắc phục bão lũ. Vậy mà tăng trưởng tín dụng 6 tháng của toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 3,31%.

Tín dụng ngoài ngân hàng: “đen” hay “đỏ”?

Tăng trưởng tín dụng thấp như vậy nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng như đại diện lãnh đạo các NHTM lớn vẫn tràn đầy hy vọng tăng trưởng tín dụng sẽ cán đích 12% trong năm nay. Điều gì khiến họ có thể lạc quan như vậy?

Thứ nhất, Công ty quản lý tài sản (VAMC) được thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ hỗ trợ giải quyết nợ xấu (NHNN dự tính sẽ giải quyết được 60 – 70 ngàn tỷ đồng nợ xấu), giúp các ngân hàng đẩy nhanh lưu chuyển dòng vốn trong 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, lãi suất cho vay, mặc dù đã giảm về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, vẫn sẽ tiếp tục giảm thêm. Nếu như năm 2011 lãi suất cho vay lên đến 25%, thậm chí 28%/năm, nay lãi suất cho vay cao nhất chỉ còn 14%/năm, lãi suất cho vay đối với các khách hàng ưu tiên chỉ 9%/năm; thậm chí là 6%/năm trong thời gian ưu đãi (3 đến 6 tháng đầu giải ngân).

Thứ ba, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản – một trong những nguyên nhân khiến tín dụng ách tắc. Và cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động trong những tháng cuối năm để về đích (tất nhiên là nếu còn sức)… cầu tín dụng sẽ trở về quy luật hàng năm là tăng nhanh vào những tháng cuối năm. Song có một số điểm đáng lưu ý đối với tín dụng là: trong khi một số NHTM tăng trưởng âm thì lại có những ngân hàng có mức tăng rất nhanh và họ đã tính đến việc xin NHNN nâng thêm hạn mức.

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết sẽ nhanh chóng điều chỉnh một cách phù hợp. Tại sao trong khi các NHTM lớn tăng trưởng một cách ì ạch thì ngân hàng nhỏ lại xin thêm room? Phải chăng những ngân hàng nhỏ này nhanh nhạy hơn, hay vì các NHTM lớn không dám chấp nhận rủi ro? Gần đây nhân sự lãnh đạo các NHTM nhỏ liên tục thay đổi, đằng sau sự thay đổi đó là những câu chuyện dài mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ. (Nguồn tin riêng của Doanh Nhân còn cho biết, có những nơi nhân viên ngân hàng không biết ai mới thực sự là sếp của mình)!?

Điểm đáng quan tâm nữa: ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, lý do khiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông bị âm 6 tháng đầu năm là nhiều doanh nghiệp lớn trả nợ cho Vietcombank với số tiền lên tới hàng trăm triệu đôla Mỹ nhờ tìm được nguồn tài trợ giá rẻ từ bên ngoài. Vậy ra lãi suất cho vay của ngân hàng tuy đã giảm nhưng thực sự vẫn chưa vừa sức chi trả của doanh nghiệp. Và ngân hàng đang buộc phải cạnh tranh với nguồn vốn cho vay ngoài ngân hàng, không chính thức – tín dụng đen. Lâu nay khi nói đến tín dụng đen là người ta nghĩ ngay đến lãi suất cho vay “khủng”, lãi mẹ đẻ lãi con, nên chỉ khi không thể vay ngân hàng người ta mới phải tìm đến tín dụng đen. Nhưng tình hình hiện nay có vẻ không như vậy: lãi suất cho vay thấp hơn ngân hàng, điều kiện cho vay thoáng hơn… Nếu đúng như vậy thì những nguồn cho vay này nên được gọi là đen hay “đỏ”?

Vấn đề khác, ngân hàng luôn ưu tiên đầu tư cho tam nông, với tăng trưởng tín dụng cao gấp 2 lần mức tăng chung. Nhưng tại sao vẫn không hiệu quả? Tình trạng người nông dân bỏ đất không trồng lúa; sản phẩm đến kỳ thu hoạch bị vứt lăn lóc ngoài ruộng vì giá bán quá thấp. Ví dụ đơn giản: Thanh Long bán tại vườn nếu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 40 ngàn đồng/kg, nếu không đạt chỉ còn 4 ngàn đồng/kg. Nhưng số Thanh Long không đạt đó lại được bán đến tay người tiêu dùng là 30 đến 40 ngàn đồng/kg! Thực sự có quá nhiều câu hỏi đặt ra, không chỉ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, mà cho cả ngân hàng.

Thái Thanh

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/tin-dung-be-tac-ngo-moc-12/