Tín dụng chính sách – Công cụ giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Tín dụng chính sách là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng để tín dụng chính sách đem lại kết quả thiết thực, hiệu quả thì vẫn còn nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ, nhà báo Nguyễn Quang Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc xung quanh vấn đề này.

Thạc sĩ, nhà báo Nguyễn Quang Hải. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Hải thì hiện nay, tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện, với 20 chương trình từ nguồn vốn của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế để cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, đối tượng được quan tâm nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số?(DTTS). 15 năm qua (2002 - 2017), Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho đồng bào DTTS vay 2.990 tỷ đồng.

Hiện nay, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ DTTS được thực hiện theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 30-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội còn thực hiện cho vay theo Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020.

Mặc dù được vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, nhưng sau chu kỳ vay vốn, trong khi cơ bản các hộ người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo thì một bộ phận lớn người DTTS cùng vay vốn vẫn nghèo. Câu hỏi đặt ra là cùng được hưởng cơ chế chính sách như nhau, cùng sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên, khí hậu giống nhau, nhưng tại sao người DTTS khó thoát nghèo hơn người Kinh?

Để trả lời cho câu hỏi này, theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân khiến công cuộc thoát nghèo của đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn, trong đó có khả năng tiếp cận với các phương tiện để nâng cao nhận thức còn rất hạn hẹp. Ngoài ra, ông đã chỉ ra một số nguyên nhân khác như: Do năng lực kinh tế hạn chế, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phong tục tập quán sản xuất của đồng bào DTTS và miền núi còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, ít ứng dụng khoa học, công nghệ cao; do tiềm lực kinh tế của đất nước có hạn nên hiện nay, tín dụng chính sách mới chỉ dừng ở mức cho vay tối đa 50 triệu đồng, như vậy là quá thấp so với nhu cầu...

Từ những đòi hỏi bức thiết trong sản xuất và đời sống của đồng bào các DTTS cũng như đứng trước những bài toán cần giải của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải tiến hành một số giải pháp trong công tác xóa đói giảm nghèo nói chung, tín dụng chính sách ở vùng DTTS và miền núi nói riêng, Thạc sĩ Nguyễn Quang Hải đã mạnh dạn đưa ra 6 giải pháp như sau:

Một là, bố trí lại cơ cấu vốn để đảm bảo cân bằng lợi thế so sánh giữa vùng DTTS, miền núi và các vùng khác. Hiện nay, “lõi nghèo” của cả nước tập trung ở vùng DTTS và miền núi. Đối với một vùng đặc thù thì nhất định phải có chính sách đặc thù, trong đó, “bơm” nhanh, đủ vốn tín dụng chính sách là giải pháp quan trọng hàng đầu. Việc chậm được bố trí vốn thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 ảnh hưởng đến kết quả xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS, vốn được xác định là nhóm yếu thế, gặp nhiều khó khăn.

Hai là, thay đổi nhận thức và tập trung khuyến khích đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Trong xu hướng cùng cả nước hướng tới xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Ủy ban Dân tộc đang tích cực tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình khởi nghiệp trong đồng bào DTTS. Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Diễn đàn “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp” và cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị” nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS ở Việt Nam khởi nghiệp.

Đây là những bước đi nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn vùng DTTS và miền núi. Những mô hình khởi nghiệp thành công sẽ là giáo cụ trực quan sinh động, khích lệ, động viên đồng bào người DTTS mạnh dạn học tập, làm theo, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, những ý tưởng khởi nghiệp cần được tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách để hiện thực hóa vào thực tế sản xuất, kinh doanh.

Ba là, xác định thêm một số tiêu chí để ràng buộc điều kiện được vay vốn tín dụng chính sách nhằm bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước và tăng độ an toàn trong sản xuất, kinh doanh cho đồng bào DTTS. Sản xuất nông nghiệp trình độ chưa cao, nhỏ lẻ, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu như ở vùng DTTS và miền núi nước ta hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Vì vậy, để thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng DTTS và miền núi, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, bảo vệ người nông dân trước những rủi ro có thể xảy ra, cần thiết nên bổ sung một số điều kiện trước khi họ được vay vốn tín dụng chính sách.

Bên cạnh đó, cần áp dụng giải pháp hộ nào đăng ký thoát nghèo thì mới được vay vốn tín dụng chính sách để buộc họ phải có trách nhiệm với khoản tiền vay và có tinh thần vươn lên thoát nghèo bền vững. Cần có chính sách hỗ trợ “hậu thoát nghèo”, tức là hộ đã thoát nghèo cần tiếp tục được vay vốn tín dụng ưu đãi thêm một thời gian nhất định để củng cố kết quả thoát nghèo, đồng thời khắc phục tâm lý “không muốn thoát nghèo để thụ hưởng chính sách ưu đãi” trong một bộ phận đồng bào.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chủ trì hướng dẫn chuyển giao khoa học-kỹ thuật với cơ quan cho vay vốn là Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay, vẫn còn tình trạng việc của cơ quan nào thì cơ quan ấy chủ động thực hiện dẫn đến nhiều bất cập, không phù hợp giữa thời điểm tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật với thời điểm giải ngân của ngân hàng.

Vì vậy, có thể xem xét giao ngân hàng được chủ trì mời chuyên gia tập huấn cho đồng bào song song với thời điểm giải ngân dự án cho vay. Ngân hàng có trách nhiệm tư vấn cho đồng bào DTTS trồng cây gì, nuôi con gì, tổ chức sản xuất như thế nào, tiêu thụ sản phẩm ra sao dựa trên thế mạnh của vùng, miền khi người vay có nhu cầu vay vốn, nhằm tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa ngân hàng với người vay.

Năm là, linh hoạt trong áp dụng quy định trả lãi vay. Theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, người vay phải trả lãi hằng tháng. Tuy nhiên, đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, do tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên và khí hậu, nên vào mùa đông thường không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng với quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu đời sống thường ngày của gia đình. Trong trường hợp như vậy, đối với các dự án vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, nên áp dụng cơ chế trả lãi gộp thay vì trả lãi hằng tháng để tạo điều kiện cho đồng bào yên tâm vay vốn làm ăn.

Cuối cùng là phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, hiện cả nước có trên 33 nghìn người có uy tín. Họ là các già làng, trưởng thôn bản, người có uy tín trong dòng họ. Đây là lực lượng quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào các DTTS. Đội ngũ này cần được tập huấn về chế độ, chính sách cho vay tín dụng ưu đãi để phổ biến, tuyên truyền, vận động đồng bào mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh cũng như nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích, an toàn.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tin-dung-chinh-sach-cong-cu-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-ben-vung/