Tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

An Giang là tỉnh miền Tây Nam bộ thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tỉnh vừa có đồng bằng vừa có đồi núi, có 5 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với Campuchia là các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, thị xã Hà Tiên và thành phố Châu Đốc. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 2,2 triệu người gồm 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Chăm và Khmer, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 118.798 người.

Gia đình ông Chau Sôm Hiệp (dân tộc Khmer, ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn , An Giang)

Đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng xa, vùng biên giới – nơi có vị trí chiến lược, quan trọng của tỉnh nhưng điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Tập tục lạc hậu, nhận thức còn hạn chế nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2017 là 5.721 hộ, chiếm 21,48%.

Nhờ vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình chị Neàng Bon ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn có điều kiện cải tạo vườn trồng cây ăn trái, rau màu và làm nghề nấu đường thốt nốt. Từ đó, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện.

Để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp cũng đã có nhiều cố gắng trong việc hỗ trợ người dân vùng khó khăn. Các chính sách này đã tác động lớn đến nhiều mặt đời sống xã hội, phần nào làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống từng bước được cải thiện, góp phần không nhỏ đến giữ gìn an ninh biên giới, ổn định chính trị trên địa bàn.

Vốn vay ưu đãi chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã giúp gia đình chị Neàng So Ni (trái), dân tộc Khmer ở ấp An Lợi, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có điều kiện chăn nuôi, buôn bán nhỏ, cuộc sống gia đình từng bước được nâng cao.

Tính đến tháng 7/2018, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 2.829 tỷ đồng với hơn 167 ngàn khách hàng còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 82,477 tỷ đồng với 4.704 hộ vay; cho vay hộ cận nghèo đạt 45,280 tỷ đồng với 1.563 hộ vay; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 12,464 tỷ đồng với 3.897 hộ vay; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 10,467 tỷ đồng với 488 hộ vay; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đạt 20,048 tỷ đồng với 1.885 hộ vay….

Gia đình chị Neàng Sa Mon, dân tộc Khmer ở ấp Srây Skôth, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên vay vốn chương trình giải quyết việc làm đầu tư làm nghề dệt vải, gia đình có việc làm, thu nhập ổn định.

Đồng vốn chính sách đã giúp bà con các dân tộc thiểu số ở An Giang vươn lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và tăng vị thế của mình trong cộng đồng.

Trần Việt

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/tin-dung-chinh-sach-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-409510.html