Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới

Sau khi trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2019, huyện Cam Lộ thực hiện Đề án xây dựng đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, theo hướng nông nghiệp giá trị gia tăng cao, gắn với môi trường xanh, sạch, đẹp, giai đoạn 2021-2025, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đóng góp vào quá trình xây dựng NTM ở Cam Lộ, nguồn vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Trâm ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính vay vốn chính sách để phát triển vườn cây ăn quả -Ảnh: TÚ LINH

Bà Nguyễn Thị Trâm ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính vay vốn chính sách để phát triển vườn cây ăn quả -Ảnh: TÚ LINH

Trong những năm qua, xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu của huyện Cam Lộ có sự chuyển biến rõ nét, trở thành phong trào thi đua sâu rộng, được người dân đồng lòng thực hiện. Đến tháng 6/2023, huyện Cam Lộ có 4 xã đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao của năm 2022, gồm: Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thành và Cam Hiếu; phấn đấu trong năm 2023 có thêm 2 xã là Cam Thủy và Thanh An hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt xã NTM nâng cao.

Huyện phấn đấu đến năm 2024, có 2 xã trong 6 xã trên được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xã Cam Tuyền về đích xã NTM nâng cao. Đồng hành với quá trình xây dựng NTM của huyện Cam Lộ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lộ có vai trò lớn.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cam Lộ Hoàng Thị Hoài Phương cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, phòng thường xuyên bám sát các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện để chủ động tham mưu và tích cực cho vay tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên xây dựng NTM, NTM nâng cao. Phòng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho các chương trình.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ đạt hơn 369,7 tỉ đồng với gần 9.500 khách hàng vay vốn của 15 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó cho vay hộ nghèo đạt 7,9 tỉ đồng; hộ cận nghèo 96 tỉ đồng; hộ mới thoát nghèo gần 70 tỉ đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 56,6 tỉ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh 4,3 tỉ đồng; cho vay giải quyết việc làm gần 83,7 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội gần 27,4 tỉ đồng, cho vay học sinh, sinh viên gần 22 tỉ đồng...

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng, góp phần phục vụ kịp thời chương trình xây dựng NTM của huyện Cam Lộ. Các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay.

Việc cho vay vốn qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tăng sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các xã trên địa bàn huyện Cam Lộ đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập; học sinh, sinh viên được vay để trang trải học phí tiếp tục theo học các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề. Gia đình ông Lê Phúc Nhật ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa được vay vốn chính sách 50 triệu đồng, góp thêm nguồn vốn gia đình dành dụm để trồng 1,5 ha cây dược liệu an xoa.

Theo tính toán sau khi trừ mọi chi phí, mỗi héc ta trồng cây an xoa cho thu nhập hơn 130 triệu đồng/ năm. Với mô hình này, gia đình ông Nhật không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình mình, mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Ông Nhật cho biết, đồng vốn chính sách xã hội rất có ý nghĩa, góp phần giúp gia đình ông và nhiều gia đình khác có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Trâm ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính vay 20 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh, vay 80 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Hiện bà đã xây dựng được công trình nước sạch, nhà vệ sinh cũng như trồng vườn cây mãng cầu, vải bắt đầu cho thu hoạch.

Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà chia sẻ, trước đây nhiều gia đình trên địa bàn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hoặc nước bị ô nhiễm. Đến nay, hơn 95% hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Nhiều gia đình đã đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất như nuôi heo, gà, vịt; trồng rừng, cao su; trồng cây ăn quả. Nhờ nguồn vốn chính sách đã tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập, từ đó góp phần tăng tích lũy để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, góp nguồn lực lớn vào xây dựng NTM.

Bà Trần Đức Xuân Hương cho biết, thời gian đến Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng hoạt động giao dịch tại xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ động phối hợp rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho vay kịp thời, góp phần cùng huyện Cam Lộ sớm xây dựng đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp giá trị gia tăng cao, gắn với môi trường xanh, sạch, đẹp giai đoạn 2021-2025.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tin-dung-chinh-sach-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi/178617.htm