Tín dụng chính sách mở lối thoát nghèo

Tín dụng chính sách không chỉ là người bạn đồng hành thân thiết của đồng bào các dân tộc miền núi Nghệ An, mà với cấp ủy, chính quyền địa phương, đây còn là công cụ trụ cột trong giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Kỳ Sơn, Anh Sơn đã từng bước vươn lên, thoát nghèo…

Từng bước thoát nghèo…

Trước đây, gia đình ông Vi Văn Dũng (sinh năm 1964) ở bản Hòa Sơn, xã biên giới Tà Cạ thuộc diện khó khăn nhất bản. Kinh tế chủ yếu nhờ nương rẫy, lại nuôi ba con ăn học. Tháng 3.2008, lần đầu tiên gia đình ông được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay 10 triệu đồng hộ nghèo để mua 1 con bò cái và gây dựng đàn bò lên đến 5 con. Sau khi trả nợ đủ cho ngân hàng. Ông Dũng lại được vay thêm 25 triệu đồng cải tạo hơn 5.000m2 đất để làm ruộng lúa và rau màu…

Nuôi Gà đen – hướng thoát nghèo của người Mông Kỳ Sơn. Ảnh: A. Yên

Nuôi Gà đen – hướng thoát nghèo của người Mông Kỳ Sơn. Ảnh: A. Yên

Mới đây, gia đình tiếp tục được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay 100 triệu đồng phát triển đàn bò, lợn sinh sản. Nhờ vốn vay của ngân hàng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, gia đình ông Dũng làm ăn ngày càng khấm khá. Giờ đây, mô hình phát triển kinh tế gia đình của ông Dũng đã trở thành kiểu mẫu để cho bà con bản trên, mường dưới đến tham quan học tập.

Một điển hình khác cho sự bền bỉ, kiên trì vượt khó là chị Ngô Thị Chung và anh Hoàng Văn Việt ở thôn 3, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn. Cả hai vợ chồng cũng được NHCSXH huyện Anh Sơn hỗ trợ từ khi chỉ có mảnh áo vắt vai. Đến nay, sau khi được tiếp cận và thụ hưởng 4 - 5 chương trình tín dụng của ngân hàng, hai vợ chồng đã có của ăn, của để; xây được nhà kiên cố; sở hữu 3ha keo; đàn trâu bò, gà vài chục con… Hiện, anh chị đang dư nợ tại NHCSXH huyện 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm “và muốn được vay thêm để mở rộng đàn bò, nuôi thêm đàn dê…” - anh Việt nói.

Theo Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 3 Bùi Thị Loan - người có 10 năm làm cánh tay nối dài chính sách tín dụng đến với hộ nghèo, cận nghèo, nguồn vốn rất thiết thực với bà con khó khăn. Nguồn vốn cùng lúc giải quyết rất nhiều vấn đề dân sinh bức thiết như nhà ở, việc làm, thu nhập, học tập… bảo đảm ổn định cuộc sống và trật tự an toàn xã hội. Như trong Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 3 hiện có 41 hội viên thì chỉ còn 4 hộ nghèo. “Dự kiến số hộ này sẽ thoát nghèo vào năm 2024 nhưng để đạt mục tiêu này, chắc chắn chúng tôi rất cần sự đồng hành của NHCSXH” - bà Bùi Thị Loan khẳng định.

Đồng quan điểm với bà Bùi Thị Loan, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 1B, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn cũng cho rằng, các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện thực sự cần thiết và phù hợp cho người nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với các khoản vay nhỏ, lãi suất thấp, thời gian vay hợp lý và đặc biệt có sự đồng hành sát sao của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn đã phát huy sức mạnh tổng hợp, giúp cấp ủy, chính quyền và người dân giải bài toán thoát nghèo.

Tiến tới sản xuất lớn

Sau 10 năm làm công nhân tại các khu nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, hai vợ chồng anh Phạm Văn Hoàng (sinh năm 1989) và chị Lê Thị Thêm (sinh năm 1993) quyết định bỏ lại tất cả công việc, nhà cửa, trở về quê nhà ở thôn 8, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn để chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Với chút vốn liếng ít ỏi tích lũy được, hai vợ chồng đã bàn tính sẵn con đường mưu sinh khi trở về: Chăn nuôi và trồng trọt trên chính đất của cha mẹ cho!

Nói là làm, ngay khi trở về, hai vợ chồng anh Hoàng đã lên kế hoạch chăn nuôi gà thịt, gà đẻ, cá và trồng keo. Đề án bài bản của hai vợ chồng đã được chính quyền xã và NHCSXH huyện Anh Sơn quan tâm hỗ trợ. Lần lượt, khoản vay đầu tiên - 50 triệu đồng vào năm 2018 là Chương trình cho vay hộ cận nghèo đã giúp hai vợ chồng xây dựng chuồng trại và mau chóng thoát nghèo. Khoản vay 50 triệu đồng tiếp theo là cho vay giải quyết việc làm, đã tạo điều kiện để hai vợ chồng mở rộng diện tích chuồng trại và trồng keo. Đến nay, anh chị đã sở hữu 3ha keo trồng xen chè Gay; 4 sào nuôi cá và 6 nghìn gà đẻ, gà thịt. Thị trường là các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện và các địa bàn lân cận. “Tính riêng thu nhập từ chăn nuôi, mỗi tháng hai vợ chồng để dành được 45 - 50 triệu đồng; cao gấp đôi thu nhập khi làm công nhân” - anh Hoàng chia sẻ.

Tại xã Lĩnh Sơn, 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp anh Bùi Văn Anh trở thành ông chủ nuôi lươn có tiếng trong vùng và là mô hình khởi nghiệp điển hình của thanh niên huyện Anh Sơn. Hiện nay, tổng doanh thu từ lươn thương phẩm và lươn giống của anh Hoàng đạt trên 1 tỷ đồng/năm; lợi nhuận đạt từ 350 - 400 triệu đồng/năm. Không thuận lợi như các mô hình ở Anh Sơn nhưng ở huyện 30a Kỳ Sơn cũng đã có những tấm gương điển hình, nỗ lực vượt bậc. Đơn cử như vợ chồng anh Lô Văn Luân và chị Lô Thị Xuyên, ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý là một ví dụ.

Theo chia sẻ của chị Xuyên, vợ chồng chị đã thụ hưởng hầu hết các chương trình của NHCSXH huyện Kỳ Sơn. Năm 2008, hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống mới với Chương trình cho vay nhà ở theo quyết định 167/2008/QĐ-TTg; kế đó là Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động… và hiện tại 100 triệu đồng Cho vay giải quyết việc làm. Sau 15 năm được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện, NHCSXH Kỳ Sơn hỗ trợ vốn vay, nay gia đình anh chị Luân - Xuyên đã thoát nghèo, sở hữu trong tay khối tài sản đáng nể: Hai con được học đại học, trong đó người con lớn đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc); có đàn bò, gà, lợn, dê gần trăm con; có xe tải nhỏ chuyên vận chở hàng hóa phục vụ người dân trong bản, trong huyện; có cửa hàng kinh doanh xăng dầu…

“Chúng tôi vẫn không tin nổi mình đã thoát nghèo và có cuộc sống tốt như hôm nay” - anh Luân xúc động nói.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/tin-dung-chinh-sach-mo-loi-thoat-ngheo-i325747/