Tín dụng chính sách: Phát huy hiệu quả giúp người dân thoát nghèo

Từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi với dân số trên 1,46 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 17%, tập trung nhiều ở 5 huyện miền núi như: Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Đoan Hùng. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện này còn tương đối cao. Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã và đang là công cụ đắc lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm các tệ nạn xã hội, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, gây bất ổn xã hội…

Tín dụng chính sách hỗ trợ thiết thực đến hộ nghèo, bà con dân tộc thiểu số

Tín dụng chính sách hỗ trợ thiết thực đến hộ nghèo, bà con dân tộc thiểu số

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tính dụng chính sách, NHCSXH Phú Thọ đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách. Làm thế nào để nguồn vốn đến đúng đối tượng được thụ hưởng, các cán bộ, nhân viên NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ luôn bám sát cơ sở, cùng bàn bạc kỹ lưỡng với cán bộ chính quyền, đoàn thể cùng hướng dẫn tận tâm giúp người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Đặc biệt xây dựng củng cố mạng lưới, hội, đoàn thể có độ che phủ rộng lớn khắp địa bàn tỉnh. Tính đến 31/12/2020, NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ đã và đang ủy thác thông qua 52 tổ chức hội, đoàn thể cấp huyện và 824 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, tổ chức đoàn thanh niên… thường xuyên làm tốt dịch vụ ủy thác và chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn chính sách đều đúng đối tượng thụ hưởng.

Vừa có nguồn vốn, lại có mô hình tổ chức quản lý phù hợp và mạng lưới rộng khắp nên những người làm tín dụng chính sách ở Phú Thọ càng thêm năng động, hoạt động theo phương thức cấp tín dụng chính sách trực tiếp, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Cũng nhờ nguồn vốn chính sách đã phòng ngừa, hạn chế nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” tồn tại bấy lâu nay ở nông thôn.

Thực tế tại huyện Tân Sơn – huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, vừa qua Tân sơn đã thoát khỏ danh sách 64 huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện Tân Sơn đã tập trung toàn lực đến công tác tín dụng chính sách xã hội; đồng thời động viên, khích lệ các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia phong trào vay vốn, sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả… Như câu chuyện thoát nghèo gia đình ông Trần Văn Đỉnh ở thôn Min 2, xã Mỹ Thuận là một ví dụ về sử dụng vốn chính sách thoát nghèo. Cách đây 4 năm, gia đình ông được vay 45 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn, gia đình ông đầu tư nuôi bò sinh sản và cải tạo chân ruộng trũng thành vườn cao trồng chè sạch. Sau 3 năm, cặp bò đã sinh ra 4 chú bê khỏe mạnh; nương chè 1 héc-ta cũng cho thu hái 3 - 4 lứa/năm…

Đại diện NHCSXH Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giúp họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai 16 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay đạt 1.212.785 triệu đồng, với 33.151 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Bình quân vốn vay đạt 36,58 triệu đồng/hộ… Doanh số cho vay bình quân một huyện trong năm 2020 đạt 93.291 triệu đồng. Trong đó, một số huyện có doanh số cao như: Cẩm Khê 127.780 triệu đồng, Thanh Sơn 118.521 triệu đồng, Yên Lập 116.136 triệu đồng, Hạ Hòa 110.135 triệu đồng, Tân Sơn 109.101 triệu đồng…

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ đã góp phần giúp người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, tạo được phong trào làm kinh tế hộ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Thảo My

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-dung-chinh-sach-phat-huy-hieu-qua-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-155364.html