'Tín dụng đen' ngày càng tinh vi

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực. Tình trạng công khai treo biển, phát, dán tờ rơi nhằm mục đích kinh doanh cầm đồ, cho vay nặng lãi đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới nhằm đối phó với cơ quan chức năng, đáng chú ý là hoạt động cho vay trực tuyến với lãi suất… 'cắt cổ'.

Thực tế cho thấy, không ít cá nhân vì lý do này hay lý do khác mà phải tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền, bất chấp những rủi ro về lãi suất cao và việc không trả được nợ. Do vậy, hoạt động “tín dụng đen” vẫn có đất để sống.

Trong 3 năm gần đây, lực lượng Công an tỉnh đã kiểm tra 279 lượt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Qua kiểm tra phát hiện 25 cơ sở vi phạm, ra quyết định xử phạt 14 cơ sở. Ngoài ra, Công an tỉnh đã triển khai 4 đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, trong đó tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Đã khởi tố 24 vụ, 46 bị can liên quan đến hoạt động này. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã xét xử 7 vụ, 10 bị cáo về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”…

Thời gian gần đây, khi bị quản lý chặt, các đối tượng đã dùng nhiều chiêu trò biến tướng để hòng qua mắt lực lượng chức năng và lừa gạt người vay. Thủ đoạn mới của chúng là lợi dụng công nghệ cao để hoạt động cho vay trực tuyến. Chúng dùng các trang mạng để quảng cáo, tiếp cận cho vay tài chính đến người dân với thủ tục rất đơn giản.

Người vay chỉ cần cung cấp ảnh, chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu và tài khoản ngân hàng, số tiền vay sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của người vay.

Báo cáo mới nhất của ngành Công an cho thấy, các đối tượng biến tướng lãi suất bằng cách thu thêm các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả lãi và phí có thể người vay phải chịu lãi suất lên đến 1.000%/năm.

Đặc biệt, khi người vay không trả lãi, gốc đúng hạn, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình ảnh kèm theo nội dung với mục đích bôi nhọ danh dự người vay trên các trang mạng xã hội; gọi điện thoại, nhắn tin đến cơ quan, người thân, người quen của người vay để quấy rối, gây áp lực, buộc người vay phải trả tiền. Nhiều trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức đã phải “khóc dở, mếu dở” vì lỡ vướng vào đường dây vay tiền qua mạng.

Việc xử lý các đối tượng cho vay qua mạng là rất khó. Hợp đồng cho vay chỉ là thỏa thuận miệng hoặc hợp đồng “biến tướng” nên không có giá trị pháp lý. Người bị hại nhiều khi vì lý do cá nhân mà không hợp tác hoặc không có thông tin chính xác để xác minh đối tượng. Mặt khác, mức phạt cao nhất đối với tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” chỉ đến 36 tháng tù, so với lợi nhuận mà hoạt động “tín dụng đen” mang lại thì mức phạt trên chưa đủ sức răn đe…

Trước những biến tướng khôn lường của “tín dụng đen”, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, sự tham gia tuyên truyền, vận động tích cực của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng xã hội và sự tinh tường, tỉnh táo của người dân, nhất là các trường hợp cần vay vốn.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/phap-luat/%E2%80%9Ctin-dung-den%E2%80%9D-ngay-cang-tinh-vi-301014-101.html