Tín dụng đen, những hệ lụy khôn lường

Nhiều bạn đọc phản ánh, hiện nay tại một số xã, thị trấn các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Gia Lai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... nở rộ tình trạng tín dụng đen (TDĐ) dưới hình thức cho vay lãi suất cao, kết hợp đòi nợ thuê kiểu 'khủng bố' người vay tiền về cả tinh thần lẫn thể xác. Với thủ tục vay đơn giản mà không cần tài sản thế chấp, nhiều người dân đã sập bẫy lãi suất của TDĐ khiến tan cửa, nát nhà do không đủ khả năng trả nợ.

Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thu hồi tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền. Ảnh: Đức Huy

Tín dụng đen bủa vây

Gia đình ông Đinh Văn B, ở xã Trà Thọ (Tây Trà, Quảng Ngãi) vừa nhận hơn 100 triệu đồng đền bù từ việc lấy đất làm dự án Hồ Nước Trong, nhưng phần lớn số tiền này được dành để trả nợ cho cậu con trai út. Gạt nước mắt, ông chia sẻ: “Tôi có ba người con, dự định sẽ chia cho mỗi đứa một ít tiền đền bù dự án để làm ăn, chỉ giữ lại một ít dưỡng già. Chẳng biết thằng út vay nóng, vay nguội của ai mua xe máy, điện thoại đẹp để rồi hai thân già phải còng lưng trả nợ. Dân cho vay nặng lãi ác quá, chú ạ! Nếu không trả thì nó dọa đánh đập, giết người...”.

Cũng vay tiền nhưng để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, anh Đinh Văn Trọng, ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vừa bị xiết nợ xe máy và một số tài sản có giá trị. Anh Trọng buồn bã chia sẻ: “Tôi đầu tư vào chăn nuôi, thiếu khoảng 100 triệu đồng nhưng ngại ra vay ngân hàng bởi nhiều thủ tục phức tạp cho nên gọi điện vay tiền của một người ở quận 2, TP Hồ Chí Minh. Thủ tục vay tiền gồm chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu và lãi suất 5.000 đồng/một triệu đồng/ngày. Thời gian trôi qua, gia súc và gia cầm liên tục bị bệnh, rớt giá cho nên không có tiền để trả nợ. Hiện số tiền vay gốc và tiền lãi khoảng 200 triệu đồng mà chưa biết xoay ở đâu mà trả”...

Lần theo số điện thoại 0947.753.xxx... trên mạng in-tơ-nét, chúng tôi liên hệ với một người tên là Minh để vay tiền đầu tư trồng cà-phê ở tỉnh Gia Lai. Sau màn chào hỏi xã giao, ông Minh tư vấn thủ tục vay tiền khá nhiệt tình, chu đáo và có thể cho vay tiền ở tất cả các tỉnh, thành phố. Nếu vay 100 triệu đồng, người vay sẽ trả lãi từ 5.000 đồng đến 50 nghìn đồng/một triệu đồng/ngày, tùy theo thỏa thuận; trả lãi hằng tháng thì ba triệu đồng và nợ gốc vẫn giữ nguyên. Khi được hỏi địa chỉ công ty để làm thủ tục vay tiền, ông Minh nói chỉ cần người vay tiền có địa chỉ rõ ràng để xác minh thông tin là được,... Trong vai một sinh viên đang cần một số tiền lớn để giải quyết công việc cá nhân, chúng tôi đến phố đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). Tuyến phố này dài khoảng 4 km nhưng có khoảng 50 cửa hàng cầm đồ, cho vay tín chấp. Tại cửa hàng cầm đồ Hùng Mạnh, số 686 đường Láng biết chúng tôi muốn cầm cố chiếc xe máy AirBlade đăng ký năm 2013, chủ cửa hàng xem qua đăng ký xe và đảo mắt nhìn kỹ chiếc xe trước khi áp giá 23 triệu đồng. Theo chủ cửa hàng cầm đồ, nếu các tài sản cầm cố có giá dưới 10 triệu đồng thì mức lãi suất là 1.000 đồng/triệu/ngày và hơn 10 triệu đồng thì lãi suất là 2.000 đồng/triệu/ngày. Các chủ cửa hàng cầm đồ luôn đặt ra quy định “ngầm” là định giá tài sản cầm cố thấp hơn giá trị thực tế từ năm đến bảy triệu đồng.

TDĐ thực chất là hình thức tín dụng tư nhân chuyên cho vay nặng lãi, không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đây là một hình thức cho vay và vay với mức lãi suất rất cao so với lãi suất thông thường của các tổ chức tín dụng. Nếu trần lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 9% đến 13%/năm, thì lãi suất TDĐ từ 100% đến 200%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm. Thuận lợi của dịch vụ TDĐ là không cần tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh và số tiền được vay theo thỏa thuận mà người vay chỉ cần phô-tô hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân. Tuy nhiên, các tổ chức này đều gắn với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ quốc gia. Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hà (Công ty luật TNHH Thu Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật, trong giao dịch dân sự, bên vay và bên cho vay được tự thỏa thuận về lãi suất nhưng khi xảy ra tranh chấp liên quan lãi suất thì phần lãi vượt quá 20%/năm (1,666%/tháng tương đương 0,055%/ngày) sẽ không được công nhận. Cho vay với lãi suất gấp từ năm lần so với mức lãi suất cao nhất nêu trên hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201, Bộ luật Hình sự.

Liên kết đòi nợ thuê

Trong phiên trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-8-2018, Bộ trưởng Công an đánh giá TDĐ có xu hướng tăng cao và ví loại tội phạm này như “cướp ngày”. Hiện chiêu trò quen thuộc của các tổ chức TDĐ là dán tờ rơi, quảng cáo với nội dung “Vay tiền nhanh, không cần thế chấp”, “Alo là có tiền!”... ở các trụ điện, bờ tường ở các hẻm, đường phố nơi có đông người qua lại. Thậm chí, những tờ quảng cáo này còn len lỏi đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số. Để tạo lòng tin với người vay tiền, những người cho vay luôn tận tình hướng dẫn làm thủ tục và đưa ra các gói lãi suất linh hoạt mà không cần tài sản thế chấp. Tinh vi hơn, những người này còn sử dụng mạng in-tơ-nét để quảng cáo, cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Lập các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan chức năng; ghi lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất theo thỏa thuận trong giấy vay tiền được viết tay. Để hợp pháp hóa hoạt động TDĐ, nhóm người này thường yêu cầu người vay tiền viết giấy bán tài sản như nhà cửa, đất đai, ô-tô... (hợp đồng giả cách). Sau đó tiếp tục cho người vay tiền thuê lại chính tài sản của họ để sử dụng. Người vay không trả được nợ sẽ bị kiện ra tòa hoặc bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để đối phó cơ quan chức năng, các đối tượng này thường làm việc một nơi và cất giấu giấy tờ, sổ sách liên quan hoạt động vay nợ ở các chung cư có bảo vệ, sử dụng thẻ từ khi ra vào… Bên cạnh đó, để thu hồi những khoản nợ khó đòi, nhiều chủ nợ sẵn sàng chi 50% số tiền cho vay để thuê người đòi nợ bằng các hình thức đánh đập, bắt giữ người trái phép, “khủng bố” tinh thần. Nhiều vụ việc đã dẫn đến án mạng như vừa qua tại khu vực cảng An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang), một nhóm người đến từ TP Hải Phòng đã vào đây để đòi nợ thuê. Trong lúc đòi nợ đã xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau với ba thanh niên địa phương. Hậu quả, một người bị đâm chết tại chỗ, hai người bị thương.

Nhận định về tình hình tội phạm liên quan TDĐ, một số cán bộ các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều cho rằng: Trong nhiều năm qua, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ có những diễn biến phức tạp; diễn ra khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những địa phương vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đác Lắc, Nghệ An… Thủ đoạn của các tổ chức TDĐ là núp bóng dưới hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, xây dựng “sân sau” để thành lập các công ty cho thuê tài sản, hoạt động kinh doanh tài chính, kinh doanh vật liệu xây dựng và được cấp phép hoạt động... Nguyên nhân khiến các tổ chức “tín dụng đen” phát triển nhanh là do một bộ phận người dân, nhất là thanh niên, thiếu niên không có việc làm ổn định, lún sâu vào tệ nạn cờ bạc, cá độ bóng đá, lô đề, nghiện ma túy… cho nên phải “vay nóng” để trả nợ. Các đối tượng hoạt động TDĐ cũng lợi dụng một số người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, cần tiền chữa bệnh; mua sắm tài sản để đầu tư sản xuất nông nghiệp nhưng không có tài sản thế chấp, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; cầm đồ, cho một số đối tượng vay nóng để tham gia cá độ bóng đá...

Theo Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), mặc dù lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiên quyết đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm liên quan TDĐ và đòi nợ thuê, nhưng trong quá trình đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi…, lực lượng công an các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập như nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa cho nên không dám tố cáo. Hơn nữa, lực lượng công an cũng không có thẩm quyền xử phạt hành chính trong việc kinh doanh đòi nợ và cho vay với lãi suất chưa đến mức xử lý hình sự. Việc phát hiện các vụ việc liên quan TDĐ gặp nhiều khó khăn do các bên thỏa thuận dân sự bằng miệng hoặc các hợp đồng giả cách không thể hiện lãi suất thực tế. Quy định về hành vi cho vay nặng lãi trong luật hình sự chưa chặt chẽ, chế tài xử lý quá nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng thu được. Ngoài ra, tội cho vay nặng lãi được coi là tội ít nghiêm trọng cho nên thời gian tạm giam các đối tượng hoạt động TDĐ để đấu tranh, mở rộng điều tra bị hạn chế… Cũng theo Đại tá Phạm Văn Tám, để khắc phục những khó khăn, bất cập, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đã tích cực tham mưu lãnh đạo Bộ Công an tham gia ý kiến vào sửa đổi Nghị định 104/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập không thống nhất với các văn bản hiện hành, tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền, xử lý vi phạm của lực lượng công an. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ khắc phục những thiếu sót về pháp luật liên quan đến TDĐ. Phối hợp các bộ, ban, ngành triển khai kế hoạch tổng điều tra trong cả nước về các tổ chức, cá nhân kinh doanh tài chính, kinh doanh cầm đồ, TDĐ để nắm bắt tình hình. Phối hợp Viện KSND tối cao, TAND tối cao chỉ đạo các cơ quan tố tụng thống nhất quan điểm xử lý, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án cho vay nặng lãi...

Khoảng bốn năm gần đây, cả nước xảy ra khoảng 7.624 vụ tội phạm liên quan TDĐ (56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản). Trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền)...

(Nguồn: Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an)

MINH DUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/38250002-tin-dung-den-nhung-he-luy-khon-luong.html