Tín dụng tiêu dùng tại TP.HCM sụt giảm mạnh

Dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đạt 955 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay, đây là số liệu tính đến hết tháng 10/2023. Mức tăng trưởng này tuy thấp, song ông Lệnh cho rằng, đặt trong mối liên hệ so sánh và vai trò của hoạt động tín dụng tiêu dùng trong 5 năm trở lại đây, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng thì những kết quả đạt được vẫn khả quan.

Tín dụng tiêu dùng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tác động lên thu nhập của người dân.

Trước đó, tín dụng tiêu dùng đạt mức tăng trưởng khá, với mức tăng trưởng bình quân 5 năm trở lại đây tính theo năm tăng 16,3%/năm, trong khi tăng trưởng tín dụng chung bình quân tăng 12,4%. Nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng gắn liền với nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng ngày càng tăng. Chính vì vậy, dư địa cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và tiềm năng thị trường này còn rất lớn.

Tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM. Đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng theo các mục đích trên đạt 612 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

"Kết quả này phù hợp với xu hướng vay tiêu dùng trung dài hạn, bởi theo thống kê và phân tích theo kỳ hạn nợ, tín dụng trung, dài hạn chiếm 85% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn Thành phố", ông Lệnh nói.

Còn tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình: vay để mua, thuê mua phương tiện đi lại; mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao và chi phí khác cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của cá nhân, hộ gia đình đạt 343 nghìn tỷ đồng, chiếm 36% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn. Trong đó, tín dụng cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 99 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2022.

Các phương thức cho vay và sản phẩm tín dụng ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị hoạt động tín dụng này. Trong đó, cho vay theo phương thức điện tử đã và đang được triển khai thưc hiện mở rộng; cho vay thấu chi trên tài khoản thanh toán của cá nhân và cho vay qua thẻ tín dụng đang được sử dụng ngày càng phổ biến hơn. Tăng trưởng tín dụng qua thẻ tín dụng đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng 10 tháng đầu năm tăng 25%.

Theo ông Lệnh, vai trò tín dụng tiêu dùng được phát huy, kích thích tăng trưởng kinh tế với 2 tác động tích cực. Cụ thể, thông qua cho vay tiêu dùng, kích thích người dân mua sắm, tiêu dùng, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thuận lợi. Đặt trong mối liên hệ đó, thị trường hàng hóa phát triển, có tác động ngược trở lại kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, tín dụng cho vay mua nhà không chỉ hỗ trợ người dân có nhà để ở, nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thực tế cho thấy, tín dụng tiêu dùng và sinh hoạt cá nhân, mua sắm đồ dùng, trang thiêt bị gia đình liên tục tăng trưởng tốt trong 5 năm qua (tăng ở mức từ 7,2% đến 20%), đây là yếu tố góp phần kích thích tiêu thụ hàng hóa và sản xuất hàng hóa. Những hiệu ứng này là rất tích cực nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đó là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.

Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá, tín dụng tiêu dùng đã góp phần thực hiện tốt cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tín dụng đen…, hướng tới tăng trưởng bền vững.

Thông qua việc đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân để sử dụng cho mục đích tiêu dùng; học tập; khám chữa bệnh, mua sắm phương tiện đi lại; du lịch, văn hóa thể thao… đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt hàng ngày của cá nhân, hộ gia đình, cùng với việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách… sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội và phòng chống tín dụng đen hiệu quả.

Thực tiễn tại địa bàn TP. HCM cho thấy, chỉ tính riêng dư nợ cho vay đối với đối tượng chính sách, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đạt gần 9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2022, cho 201.796 khách hàng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% trong tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố.

"Hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đã và đang đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng, cần tiếp tục phát huy, gắn với sự sáng tạo trong phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng và việc chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Tín dụng tiêu dùng chắc chắn tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong môi trường kinh tế thuận lợi với dư địa và tiềm năng rất lớn của thành phố là trung tâm kinh tế xã hội, với trên 13 triệu dân, có thị trường tài chính phát triển", ông Lệnh nói.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-dung-tieu-dung-tai-tphcm-sut-giam-manh-d204143.html