Tín dụng ưu đãi giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Những năm qua, bằng nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa), đã giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình chị Lê Thị Lệ, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đầu tư trồng rừng, chăn nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2010 trở về trước, gia đình chị Lê Thị Lệ, ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) luôn nằm trong hộ nghèo. Qua các buổi sinh hoạt với hội phụ nữ, chị được những người đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Như Xuân tư vấn để vay vốn phát triển kinh tế. Được sự giúp đỡ của hội phụ nữ xã, năm 2011 chị được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo vùng DTTS vay phát triển kinh tế. Bằng nguồn vốn này, gia đình chị đầu tư mua 1 con bò cái sinh sản, 1 con lợn nái, kết hợp phát triển kinh tế đồi rừng. Kinh tế gia đình dần ổn định, đến nay chị đã có 1,3 ha cây cao su, 10 con bò, kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Trừ chi phí, mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng.

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của NHCSXH Thanh Hóa luôn xác định mục tiêu là giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, những năm qua NHCSXH Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS. Đây là chính sách tín dụng rất thiết thực với người dân và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội” thì sự phối hợp giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Các hội đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi, hướng dẫn cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2019, trên địa bàn 11 huyện miền núi có gần 36,7 ngàn lượt hộ được vay vốn để phát triển kinh tế, với số tiền trên 1.301 tỷ đồng; dư nợ hết năm 2019 đạt 3.706,4 tỷ đồng (chiếm 39,5% tổng dư nợ toàn tỉnh), với gần 97.500 hộ còn dư nợ. Trong đó, có trên 24.500 lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn, với số tiền trên 932 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.606,1 tỷ đồng, với trên 87.400 hộ còn dư nợ. Ngoài ra, đồng bào vùng DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS, như chương trình cho vay vốn sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn; cho vay vốn để hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cho vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi; cho vay vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tin-dung-uu-dai-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te/112951.htm