Tín dụng ưu đãi tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Sau gần 11 năm triển khai chương trình cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để có điều kiện theo học, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nghìn HSSV được tiếp sức đến trường.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Lộc hướng dẫn khách hàng vay vốn ưu đãi chương trình tín dụng học sinh, sinh viên.

Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg Ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tín dụng HSSV. Đến nay, qua gần 11 năm thực hiện, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã có hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn NHCSXH để nuôi con học tập. Theo Quyết định 157/QĐ-TTg, đối tượng thụ hưởng bao gồm HSSV có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; học sinh mồ côi. Nguồn vốn của chương trình không phân biệt loại hình đào tạo và thời gian đào tạo. Mức cho vay tăng từ 300.000 đồng/học sinh/tháng lên 900.000 đồng/học sinh/tháng và hiện nay mức cho vay tối đa là 1,5 triệu đồng/tháng. Trong thời gian đang theo học tại các trường, cộng với 1 năm khi ra trường, HSSV chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay.

Theo chân cán bộ NHCSXH tỉnh, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đậu Thị Ánh ở thôn Cẩm bào, xã Vạn Hòa (Nông Cống), bà cho biết: Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, con gái đầu đỗ Đại học Ngoại thương, tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì con có cơ hội được học nâng cao, lo vì không có tiền chu cấp cho con theo học. Thật may, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, tôi biết NHCSXH có chương trình cho HSSV vay đi học, tôi mạnh dạn vay 32 triệu đồng. Nhờ có vốn, gia đình giảm được áp lực chi phí cho con đi học xa nhà. Học hết năm thứ nhất con gái tôi đạt sinh viên giỏi của trường và giành được học bổng nên gia đình không phải lo lắng mà tập trung phát triển kinh tế. Đến năm 2012, con trai thứ hai của tôi đỗ Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và tôi tiếp tục được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng cho cả khóa học của con. Đến nay, con gái tôi đã ra trường và có việc làm ổn định, con trai thứ hai tiếp tục học lên cao học. Gia đình tôi thật sự cảm ơn chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HSSV.

Với mục tiêu không để HSSV bỏ học nửa chừng do khó khăn về tài chính, NHCSXH Thanh Hóa đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố, thị xã, cán bộ tín dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận chương trình tín dụng HSSV. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, tổ vay vốn các cấp tích cực triển khai chương trình này. Qua đó, nhiều HSSV đã được thụ hưởng nguồn vốn, mở ra cơ hội trong quá trình lập thân, lập nghiệp, gây dựng tương lai.

Tính đến ngày 20-9-2018, dư nợ cho vay chương trình HSSV đạt gần 337 tỷ đồng với 12.858 khách hàng còn dư nợ. Từ khi triển khai chương trình đến nay, toàn tỉnh có hơn 40.000 HSSV được thụ hưởng theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Việc giải ngân vốn nhanh, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Có kinh phí, nhiều sinh viên sau khi học tập tại các trường đại học, cao đẳng,... ra trường đã tìm được việc làm ổn định, có thu nhập để trả nợ ngân hàng. Đến nay, đã có hơn 30.000 hộ vay vốn trả xong nợ chương trình này. Kết quả đạt được trong gần 11 năm qua cho thấy, chương trình tín dụng HSSV thực sự là “điểm tựa” để gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con em mình theo đuổi con đường học tập, mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, NHCSXH Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp, các cơ sở giáo dục - đào tạo... về chính sách cho vay đối với HSSV. Đồng thời, ngân hàng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ giao dịch lưu động, duy trì lịch giao dịch cố định tại xã, phường, thị trấn, cải tiến thủ tục vay vốn để chính sách phát huy hiệu quả cao nhất.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/j8ffjf/new-article.aspx