Tín dụng xanh trong ngành dệt may

Dệt may là một trong các ngành được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng.

Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội – một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội – một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Đây là phát biểu của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại hội thảo Đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với ngành dệt may Việt Nam, diễn ra ngày 12/1.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, ngành dệt may trong nhiều năm qua là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên, đây cũng được đánh giá là một trong các ngành kinh tế có mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác do quá trình sản xuất cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng, tạo ra hơi nước, dẫn đến tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí thải nhà kính.

Do đó, ngành dệt may nằm trong số 20 ngành kinh tế đã được các tổ chức tín dụng đánh giá kỹ rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh. Về phía các tổ chức tín dụng cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hành có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến tháng 11/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai “tín dụng xanh”, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm khoảng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Tuy nhiên, dư nợ đối với ngành dệt may chỉ khoảng 145.000 tỷ đồng (tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020), chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Với mục tiêu hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố hiệu quả kinh tế của phương án kinh doanh, các tổ chức tín dụng sẽ hướng đến tài trợ tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.

TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, mục tiêu xanh hóa sản xuất, nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất là yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược của ngành dệt may nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng và thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng nhóm ngành dệt may của WWF, có bốn lý do chính lý giải cho sự cần thiết của chương trình “xanh hóa dệt may” đối với Việt Nam. Đầu tiên, để tận dụng các cơ hội miễn/giảm thuế quan của các FTA với châu Âu và các nước (EVFTA, CPTTP), Việt Nam cần đảm bảo các yêu cầu của FTA về nguồn nguyên liệu (từ vải hoặc sợi trở đi, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường – xã hội).

Cùng với đó, để đảm bảo an ninh nước, năng lượng, và các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, Chính phủ đang thắt chặt các quy định, thuế quan liên quan đến nước, năng lượng và sử dụng hóa chất, đồng thời chính quyền địa phương cũng rất cẩn trọng về tác động môi trường của dự án dệt vải khi cấp phép đầu tư.

Ngoài ra, ngày càng nhiều nhãn hàng cam kết với các mục tiêu bền vững và đặt ra tiêu chí rõ ràng cho chuỗi cung ứng của họ. Đặc biệt, Việt Nam đang mất dần các lợi thế cạnh tranh truyền thống (giá rẻ, yêu cầu thấp với FDI) và cần phải tạo ra lợi thế cạnh tranh mới bằng cách chuyển đổi sang sản xuất tại Việt Nam một cách bền vững./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tin-dung-xanh-trong-nganh-det-may/228576.html