Tin giả trên mạng: Biết tự sàng lọc thông tin bịa đặt, phá hoại

Diễn đàn 'Tin giả trên mạng' đã tiếp nhận thêm nhiều ý kiến của bạn đọc phân tích, góp ý về giải pháp ngăn chặn tin giả.

Đừng để mắc lừa tin giả

Tin giả ngày càng xuất hiện nhiều, lan truyền với tốc độ nhanh trên các trang mạng xã hội. Người đọc có hiểu biết, tiếp nhận từ các nguồn thông tin chính thống và biết phán xét thì đánh giá thông tin thận trọng, nhưng cũng có nhiều người vì thiếu hiểu biết mà tiếp nhận thông tin một cách vội vàng, hấp tấp, rồi bàn luận, chia sẻ, làm cho tin giả lan truyền rộng rãi trong cộng đồng.

Khi đến với mạng xã hội, điều quan trọng là phải biết khai thác thông tin một cách khoa học, thông tin phải có giá trị giáo dục, định hướng rõ ràng; không nên tiếp nhận một cách tùy tiện, cảm tính, để rồi lại bình luận, phán xét một cách vô căn cứ theo kiểu tát nước theo mưa, vô tình trở thành công cụ trung gian để truyền tải những tin không có thật đến cộng đồng, làm cho đời sống tâm lý nhân dân bị bất an.

Trước các thông tin “giật gân”, người đọc cần phải thận trọng, sáng suốt, tìm hiểu xem thông tin này có nguồn gốc từ đâu. Ngay với những thông tin trên các trang tin điện tử cũng nên cẩn thận, bởi vì không phải thông tin nào cũng chính xác, thậm chí có những thông tin thiếu kiểm chứng vẫn được đưa lên mạng.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thống khác để thống nhất về nhận thức. Tránh chủ quan, vội vàng mà phán xét, đánh giá một cách bừa bãi. Hãy lựa chọn và tiếp nhận thông tin một cách tích cực và hiệu quả.

PHƯƠNG LAN, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Quan tâm chăm sóc, định hướng con dùng mạng xã hội

Trên mạng xã hội có đầy rẫy thông tin giật gân, thách đố, ngông cuồng, kích động bạo lực. Nhiều thanh thiếu niên tham gia mạng xã hội chưa đủ trải nghiệm cuộc sống, không phân biệt được tốt xấu, không làm chủ được bản thân nên dễ bị phụ thuộc nhận xét của người khác, làm theo những trò lố để được mọi người chú ý.

Phần lớn các trường hợp này bị thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình. Nay mạng xã hội không chỉ là phương tiện chia sẻ, kết nối, mà còn là công cụ để tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh, được chia tiền chèn quảng cáo, do vậy, nhiều người đăng tải các tin giả để thu hút sự chú ý, câu view, tăng like. Các nút like vô cảm tiếp thêm động lực cho những hành vi sai trái.

Gần 1 giờ sáng nhưng nhiều thanh thiếu niên vẫn lên mạng tại một tiệm internet ở quận Gò Vấp (TPHCM), cho thấy thực trạng thiếu sự quan tâm từ gia đình. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Gần 1 giờ sáng nhưng nhiều thanh thiếu niên vẫn lên mạng tại một tiệm internet ở quận Gò Vấp (TPHCM), cho thấy thực trạng thiếu sự quan tâm từ gia đình. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Nhìn chung các cơ quan chức năng liên quan còn bị động, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu đối với những tin giả, trò lố trên mạng, phần nào đó là buông lỏng. Một thực tế cần nhìn nhận là hệ thống truyền thông chính thống để định hướng đã mất thế chủ động.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ từ chính quyền, gia đình, nhà trường, báo chí chính thống. Trước tiên là các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiên quyết yêu cầu loại bỏ ngay những thông tin xấu phát tán lan rộng trên mạng. Về phía phụ huynh, nên dành thời gian quan tâm chăm sóc, hướng dẫn con mình.

Cha mẹ có thể kết bạn với con trên mạng xã hội để có điều kiện chia sẻ, khuyên bảo những điều chưa phù hợp. Nhà trường cũng cần có các tiết học rèn luyện kỹ năng, ứng xử, nhận thức cho học sinh khi tham gia mạng xã hội.

ĐỖ NGÔ TRẦN, quận 9, TPHCM

Thực thi nghiêm chỉnh Luật An ninh mạng

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, từ nhiều năm qua, trên mạng xuất hiện nhiều ứng dụng liên lạc, trang chia sẻ giải trí, giao thức trò chuyện, mạng xã hội tương tác, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, trao đổi thông tin liên lạc nhanh hơn.

Đặc biệt, trang Facebook rất hữu ích, là một kênh thông tin giúp người dùng nắm bắt tin tức nhanh nhạy (fanpage của báo chính thống), tương tác giữa người dân với Nhà nước và những đoạn clip chân thật được nhiều cá nhân đưa lên để tố cáo, diệt trừ cái xấu.

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Mạng xã hội, trang chia sẻ, giao thức chat cũng thế. Bên cạnh nhiều mặt tích cực thì cũng có không ít những mặt xấu.

Vì lợi ích cá nhân, một số người bất chấp pháp luật đã lên Facebook hoạt động phạm pháp. Nguy hiểm hơn, nhiều kẻ lợi dụng không gian mạng để tung tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta nhằm chống phá, lôi kéo những người thiếu hiểu biết. Đa phần những cá nhân, tổ chức chống phá đều ở nước ngoài, nên chúng dễ dàng tung hoành.

Luật An ninh mạng đã có hiệu lực. Đây là quy định pháp luật về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thực thi nghiêm chỉnh luật này sẽ chế tài, ngăn chặn hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thực thi Luật An ninh mạng, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp nghiệp vụ nhanh nhạy ngăn chặn ngay những tin giả, hình ảnh, video xuyên tạc, để không lan truyền rộng. Các công dân mạng cũng là công dân ngoài đời thực, nên tuân thủ pháp luật, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin để tránh tin giả.

NGUYỄN TẤN QUỐC, quận 5, TPHCM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tin-gia-tren-mang-biet-tu-sang-loc-thong-tin-bia-dat-pha-hoai-614766.html