Tín hiệu hai tướng Sudan sẽ đấu tới 'một mất một còn'

Giới phân tích nhận định tướng al-Burhan và tướng Hemetti - lãnh đạo hai phe phái đang xung đột tại Sudan - có thể sẽ còn đối đầu tới khi một bên chịu thất bại hoàn toàn.

 Tướng al-Burhan (phải) và tướng Hemetti (trái) - lãnh đạo hai phe phái đang đối đầu tại Sudan. Ảnh: BBC.

Tướng al-Burhan (phải) và tướng Hemetti (trái) - lãnh đạo hai phe phái đang đối đầu tại Sudan. Ảnh: BBC.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được gọi là Hemetti), phó lãnh đạo chính quyền quân sự Sudan kiêm chỉ huy trưởng tổ chức bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), cáo buộc đối thủ là thủ lĩnh “băng nhóm Hồi giáo cực đoan” đang tìm cách mở rộng nền độc tài quân sự.

“Chúng tôi sẵn sàng để ông ấy tấn công, thay vì để ông ấy nhằm vào dân thường", tướng Hemetti nói, cáo buộc quân đội Sudan tấn công bệnh viện và các mục tiêu phi quân sự. “Hy vọng chúng tôi có thể giành quyền kiểm soát, bắt giữ và đưa ông ấy ra trước công lý”.

Khi được hỏi liệu RSF có thể thắng hay không, tướng Hemetti trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng và giờ đây đang ở trên chiến trường. Chiến trường sẽ quyết định mọi thứ”.

Đấu khẩu qua lại

Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền quân sự và quân đội Sudan, ông Abdel Fattah al-Burhan, đối thủ của tướng Hemetti, cáo buộc RSF sử dụng vũ lực tùy tiện, cướp bóc ở thủ đô Khartoum và vùng Darfur.

“Phần lớn lực lượng của Hemetti nằm ngoài tầm kiểm soát”, tướng al-Burhan tuyên bố.

Tướng al-Burhan cũng cáo buộc đối thủ gây ra “sự cố ngoại giao” khi “bắt cóc” một nhóm binh sĩ Ai Cập - những người tới đây để tham gia một chương trình huấn luyện chung với quân đội Sudan.

Ông cho rằng lực lượng của tướng Hemetti đã sát hại ba nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và tấn công một đoàn xe của Đại sứ quán Mỹ. Những cáo buộc này chưa thể được xác minh một cách độc lập.

Trong khi đó, tướng Hemetti tuyên bố tướng al-Burhan mới là người “khiến người dân, các vị khách và các nhà ngoại giao sợ hãi”.

Giới chuyên gia nhận định cuộc đối đầu giữa hai vị tướng sẽ mang tính “một mất một còn”.

Khói bốc lên từ thủ đô Khartoum giữa chiến sự. Ảnh: Reuters.

“Đây là cuộc xung đột mang tính sống còn với cả hai vị tướng”, ông Kholood Khair, một nhà phân tích tại Khartoum, nhận định cộng đồng quốc tế ít có khả năng ngăn hai bên đối đầu.

Chuyên gia Chidi Odinkalu tại Đại học Tufts (Mỹ) cũng cho rằng chiến thắng là điều duy nhất khiến hai người dừng lại. “Một trong hai người sẽ không thể tiếp tục nắm quyền”, ông nói.

Kể từ khi bạo lực nổ ra hôm 15/4, hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người đã bị thương, theo số liệu của Bộ Y tế Sudan. Giao tranh đôi khi xảy ra ngay trong các khu dân cư.

Tướng Hemetti thừa nhận đối thủ có lợi thế về không quân (RSF không sở hữu máy bay chiến đấu nào) cũng như pháo binh hạng nặng, nhưng tuyên bố hai bên cân sức trên chiến trường.

Đồng minh hóa thù địch

Mới chỉ một thời gian ngắn trước đây, tướng al-Burhan và Hemetti còn là đồng minh. Năm 2019, họ từng chung tay lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir - người đứng đầu chính phủ Sudan trong 30 năm. Năm 2021, họ lại cùng nhau lật đổ Thủ tướng dân sự Abdalla Hamdok. Tuy nhiên, liên minh giữa hai phe đầy rẫy những nghi kỵ.

“Quân đội và RSF là đồng phạm trong cuộc chính biến năm 2021”, ông Amjed Farid, cựu cố vấn của ông Hamdok, nói. “Cuộc xung đột hiện nay là cuộc chiến chia chác chiến lợi phẩm”.

Mẫu thuẫn giữa hai phe nổi lên trong những tháng qua khi ông al-Burhan bày tỏ ý định sáp nhập RSF vào quân đội - động thái đe dọa quyền lực của tướng Hemetti.

Về phần mình, tướng Hemetti tuyên bố bản thân không phản đối kế hoạch trên về nguyên tắc. Ông cáo buộc đối thủ không có thiện ý thi hành thỏa thuận giữa hai bên.

Một nhà dân bị mảnh đạn pháo găm trúng giữa chiến sự tại Sudan. Ảnh: Twitter/Hamid Khalafallah.

Ông Hemetti khẳng định sẵn sàng chấm dứt xung đột. “Chúng tôi không phản đối dừng cuộc chiến, nhưng ông al-Burhan sẽ không dừng lại”, vị tướng này nói.

Bất chấp nguồn gốc quân sự, cả tướng Hemetti lẫn tướng al-Burhan đều tuyên bố tiến trình dân chủ hóa tại Sudan sẽ có thể tiếp diễn nếu phe của mình giành chiến thắng.

“Quân đội cam kết hoàn thành tiến trình chính trị dựa trên thỏa thuận khung và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ do phe dân sự lãnh đạo”, ông al-Burhan nói.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này bị đối thủ cáo buộc có quan hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan và mong muốn thiết lập chế độ “độc tài”.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn nhân lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo - sự kiện kết thúc tháng lễ Ramadan, giao tranh vẫn nổ ra rải rác ở thủ đô Khartoum, Reuters cho biết.

Sau hơn một tuần chiến sự, giới phân tích nhận định vẫn còn quá sớm để đánh giá bên nào sẽ giành chiến thắng. Nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho biết đã chuẩn bị cho kịch bản phải sơ tán công dân nếu chiến sự tiếp tục leo thang.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-hieu-hai-tuong-sudan-se-dau-toi-mot-mat-mot-con-post1424371.html