Tín hiệu tích cực 'gỡ nghẽn' dòng tiền cho doanh nghiệp

Nếu như các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế được tháo gỡ, đặc biệt là những tồn tại của trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ, niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp được khôi phục trở lại, dẫn tới lượng cung tiền sẽ nhiều hơn trong năm nay.

Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022, song sẽ chịu những tác động trái chiều.

Nhiều động thái 'gỡ nghẽn' dòng vốn

Tác động tiêu cực đến cung tiền trong năm nay có thể kể đến như: Nhu cầu vay vốn mới của các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo suy giảm, do mặt bằng lãi suất ở mức cao, trong khi điều kiện kinh doanh dự báo kém thuận lợi hơn trong năm 2023. Thanh khoản hệ thống dù được dự báo bớt căng thẳng, nhưng khó có thể sớm quay trở về mức ổn định.

Rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đáng chú ý, khi áp lực đáo hạn vào năm 2023 là rất lớn, nên một lượng tín dụng đáng kể sẽ được sử dụng để phục vụ mục đích tất toán trái phiếu doanh nghiệp, khiến nguồn cung tín dụng thực tế bị thu hẹp...

Việc tín dụng “song kiếm hợp bích” để gỡ nghẽn thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ “khơi thông” dòng vốn chảy vào nền kinh tế.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, có 3 biện pháp cấp bách để gỡ nghẽn dòng vốn. Thứ nhất, giải pháp ngắn hạn và quan trọng nhất thời điểm trước mắt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng cung tiền. Thứ hai, là triển khai có hiệu quả Nghị định 08 để gỡ khó cho thị trường trái phiếu. Thứ ba, là tập trung tăng cung phân khúc nhà ở giá rẻ, kéo giá bất động sản đi xuống để kích thích sức cầu.

Thực tế, ngay sau khi giảm lãi suất điều hành, NHNN định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống. Cụ thể, phiên giao dịch 15/3, NHNN đã quay trở lại chào thầu trên thị trường mở (OMO) với kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, NHNN sử dụng kỳ hạn 28 ngày cho các hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Trước đó, nhà điều hành chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm, sau khi tạm dừng các hợp đồng kỳ hạn 91 ngày vào trung tuần tháng 12/2022.

Cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Sau khi trừ lượng OMO đáo hạn, trong phiên giao dịch 15/3, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng 18.940 tỷ đồng, đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.

Tuần qua, NHNN bơm ròng 52.466,56 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 3.105,15 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 110.699,8 tỷ VND.

Trong thông cáo về việc điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngày 15/3, NHNN cũng cho biết thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.

Bên cạnh việc tăng cung tiền cho nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng đã kích hoạt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với lãi vay thấp hơn 1,5-2% lãi vay bình quân của các ngân hàng.

Vốn sẽ "khơi thông" từ quý II?

Bên cạnh đó, sau khi Nghị định 08 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công với gần 12.000 tỷ đồng đã được huy động qua thị trường này chỉ trong vòng 1 tuần.

Trước đó, đầu tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều về hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế.

Nghị định này đã đưa ra nhiều điểm mới “cởi trói” cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, như hoãn thi hành các quy định về tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm...

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng Nghị định 08 chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Về lâu dài cần những giải pháp căn cơ hơn để minh bạch hóa thị trường này, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường...

Theo giới phân tích, việc tín dụng “song kiếm hợp bích” với gỡ nghẽn thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ “khơi thông” dòng vốn chảy vào nền kinh tế. Theo đó, tín dụng sẽ “bứt tốc” từ quý II/2023.

Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, dự kiến tỷ lệ cho vay/vốn huy động (LDR) sẽ được nâng từ 85% lên 90%, từ đó giải phóng một lượng vốn lớn cho nền kinh tế. Tuy vậy, với dư nợ tín dụng/GDP hiện đang ở mức cao trên 124% và dư nợ tín dụng đã vượt mức huy động tiền gửi, rủi ro đối với nền kinh tế đang gia tăng.

Trong bối cảnh này, BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 sẽ thấp hơn so với con số năm 2022 đồng nghĩa cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tin-hieu-tich-cuc-go-nghen-dong-tien-cho-doanh-nghiep-1091511.html