Tín hiệu tích cực trong cuộc chiến bảo vệ Trái Đất

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức vào ngày 22-23/4.

Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động và đang được xây dựng đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của Trái Đất. Ảnh: TTXVN phát

Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động và đang được xây dựng đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của Trái Đất. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều nước, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Nhật Bản, đều quyết định nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới này từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris. Động thái này của Tổng thống Biden được cho là nhằm thực thi cam kết mà ông đưa ra là phủ xanh toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Dự kiến Tổng thống Biden sẽ chính thức công bố mục tiêu này tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến, quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới. Theo giới chức Mỹ, mục tiêu mà Washington đưa ra là nhằm "thách thức thế giới về việc mở rộng kỳ vọng cũng như thúc đâỷcuộc chiến chống cuộc khủng hoảng khí hậu".

Sau khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2016, chính quyền của cựu Tổng thống Obama cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải của năm 2005.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng công bố quyết định nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2030 lên 46% so với mức của tài khóa 2013. Mục tiêu mới này đánh dấu mức tăng đáng kể so với cam kết cắt giảm 26% trước đó.

Phát biểu với các quan chức của chính phủ, Thủ tướng Suga khẳng định thông qua việc đưa ra mục tiêu "đầy tham vọng" này, Tokyo hy vọng có thể dẫn dắt các cuộc thảo luận quốc tế về hạn chế khí thải, đồng thời cho biết về lâu dài, nước này sẽ nỗ lực cắt giảm 50% lượng khí thải.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong chiến lược trung hạn công bố năm 2015 và chiến lược dài hạn công bố năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030, có thể cắt giảm 26% lượng khí thải so với năm 2013 và giảm 80% vào năm 2050. Tuy nhiên, tháng 10/2020, Thủ tướng Suga đã đề ra mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 và Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thảo luận việc điều chỉnh các mục tiêu theo lộ trình để phù hợp với những cam kết đưa ra.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức. Tại hội nghị, Thủ tướng Suga sẽ trình bày những nỗ lực của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa xã hội không carbon và mục tiêu trung hòa carbon hoàn toàn trước năm 2050, đồng thời công bố mục tiêu mới của nước này là đến năm 2030 sẽ cắt giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2013.

Giới chuyên gia đánh giá việc thực hiện mục tiêu cắt giảm tới 46% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là không dễ dàng và đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng điện từ gió biển và Mặt Trời, các ngành công nghiệp chủ lực vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ than đá như ô tô, sắt thép cũng cần phải tiến hành cải cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng có kế hoạch công bố cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như loại bỏ dần việc sử dụng nhiệt điện.

Bụi mịn bao phủ tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/2/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trước đó, vào tháng 12/2020, trong báo cáo gửi Liên hợp quốc, Hàn Quốc đã đưa ra mục tiêu tới năm 2030 sẽ giảm khí thải 24,4% so với mức của năm 2017. Đây là một phần trong cam kết của Hàn Quốc theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức, với trọng tâm thảo luận về mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích để thúc đẩy thế giới triển khai thực thi Hiệp định Paris một cách nghiêm túc và rốt ráo. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phần nào làm đình trệ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, sự kiện này có thể là cơ hội để đảm bảo Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) dự kiến diễn ra tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới sẽ có được những kết quả rõ ràng, với những kế hoạch hành động cụ thể cho tới năm 2030.

Với việc đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu quy tụ khoảng 40 nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cam kết mà ông đề cập trong quá trình vận động tranh cử, đưa Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt các nỗ lực chống tình trạng ấm lên toàn cầu. Ngay trong ngày đầu tiên lên cầm quyền, ông Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tiếp đó là công bố kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Đức Thịnh - Mạnh Hùng - Ngọc Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tin-hieu-tich-cuc-trong-cuoc-chien-bao-ve-trai-dat-20210422182523093.htm