Tín hiệu tích cực trong phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

Cùng với những nỗ lực trong quá trình vận động, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 261 dự án đầu tư sản xuất trong các cụm công nghiệp (CCN), giải quyết việc làm cho gần 36.000 lao động.

Chế biến lâm sản tại Nhà máy chế biến gỗ Dokata, CCN thị trấn Thường Xuân.

Việc phát triển các CCN đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng được một phần nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ được mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Tại nhiều địa phương, việc phát triển CCN có vai trò tích cực trong việc tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản do công nghiệp chế biến phát triển, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng giá trị hàng hóa.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thuê đất sản xuất trong các CCN, sự thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng khiến các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng với người dân, tự đấu nối, xây dựng hệ thống điện, nước, giao thông... làm tăng thời gian, chi phí đầu tư dự án. Do đó, tỷ lệ lấp đầy các CCN trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Ngày 25-5-2017, Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN ra đời. Với những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ rộng mở hơn; xác định chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN ở những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; tiêu chí quy hoạch thành lập CCN chặt chẽ hơn; có sự phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương, UBND cấp huyện về nguyên tắc đầu mối trong quản lý CCN đang hứa hẹn tạo nên một “làn gió” mới trong thu hút đầu tư CCN trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại nghị định này là ưu đãi lớn cho các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư hạ tầng được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN cũng được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Đồng thời, nghị định cũng quy định về cơ chế báo cáo thống kê xây dựng dữ liệu, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thực hiện quy tắc một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính..., tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau khi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN ra đời, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 11 chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật với 12 CCN được thành lập trên tổng diện tích 350,86 ha, đó là: CCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa 50 ha; CCN Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa 19,37 ha; CCN Thái Thắng, huyện Hoằng Hóa 30,71 ha; CCN Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc 19 ha; CCN Tam Linh, huyện Hà Trung 39,68 ha; CCN Hà Phong II, huyện Hà Trung 50 ha; CCN Hà Dương, huyện Hà Trung 27,1 ha; CCN Thọ Minh, huyện Thọ Xuân 18 ha; CCN Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy 25 ha; CCN Hải Long, huyện Như Thanh 24,5 ha; CCN Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa 17,5 ha; CCN Khe Hạ, huyện Thường Xuân 30 ha. Tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 12 CCN là 1.846,5 tỷ đồng.

Được quy hoạch từ năm 2011, ngày 17-9 vừa qua, CCN Khe Hạ, xã Luận Thành (Thường Xuân) đã chính thức được thành lập. Dự án do Công ty Đầu tư thương mại xây dựng Trường Xuân – công ty CP làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư 259,3 tỷ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021. CCN Khe Hạ sẽ được đầu tư trên diện tích khoảng 30 ha, với các ngành nghề hoạt động, như: May mặc, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm... Đây sẽ là CCN đầu tiên tại huyện Thường Xuân được đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật và kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế của địa phương.

Đại diện Phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 về quản lý, phát triển CCN đã tạo ra được hành lang pháp lý thống nhất quản lý CCN từ tỉnh đến huyện, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của Nhà nước về phát triển CCN. Công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của CCN ngày càng được nhận thức một cách đúng, đủ, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật, hạn chế việc phát triển CCN tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây. Với những ưu đãi rộng mở, nghị định sẽ tạo nên những lực hút mới đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng CCN trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư hạ tầng triển khai dự án, các địa phương cần tích cực hơn trong vấn đề phối hợp giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thu hút dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cần lựa chọn, bố trí dự án đầu tư vào CCN phù hợp với mục tiêu quy hoạch. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét, bổ sung các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng ưu đãi phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong CCN.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/wjp0qz/new-article.aspx