Tín hiệu tích cực từ kinh tế biên mậu

Việt Nam có tổng chiều dài gần 5.000km biên giới đất liền với Lào, Trung Quốc và Camphuchia. Với lợi thế giao thông thuận lợi, cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại và cơ chế chính sách phù hợp, hoạt động kinh tế biên mậu giữa Việt Nam với các nước láng giềng ngày càng khởi sắc.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, BĐBP Điện Biên làm thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách qua lại cửa khẩu. Ảnh: Gia Minh

Tốc độ tăng trưởng liên tục

Trong thời gian qua, kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng đều tăng trưởng liên tục. Trong đó, kinh tế biên mậu giữa Việt Nam và Lào đã đạt những dấu mốc quan trọng. Hiện, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong số các thị trường xuất khẩu (XK) của Lào và cũng đứng ở vị trí thứ 3 trong số các quốc gia mà Lào nhập khẩu (NK) nhiều nhất. Lào là thị trường xếp thứ 33 trong khoảng 200 thị trường XK của Việt Nam.

Trong năm 2024 và tới đây, hoạt động kinh tế biên mậu sẽ tiếp tục khởi sắc ở tất cả các vùng biên giới, dựa trên các kết quả đã đạt được từ trước đến nay, mà đỉnh cao là năm 2023; đồng thời, đà tăng trưởng này còn được tăng tốc do nhận thêm các động lực mới từ tiến bộ tăng trưởng kinh tế và các cam kết cấp cao của Việt Nam và các bên liên quan...

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào đạt 1,33 tỷ USD (tăng 39% so với năm 2020), chiếm 97,1% so với tổng trị giá XNK giữa Việt Nam và Lào. Năm 2022, các con số tương ứng là 1,58 tỷ USD (tăng 23,3% so với 2021) và chiếm 93%. Việt Nam có vốn đầu tư vào Lào lớn nhất so với 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài với các lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm: Nông nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng...

Điểm sáng nổi bật trong kinh tế biên mậu của Việt Nam là hoạt động giao thương Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam có 7 tỉnh biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Trên tuyến biên giới này có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới và lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, với thương mại song phương chiếm 25% tổng thương mại của Trung Quốc với khối này trong 11 tháng của năm 2023. Trong 11 tháng năm 2023, thương mại Trung Quốc và Việt Nam đạt khoảng 203,73 tỷ USD, tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc NK khoảng 6,3 tỷ USD nông sản Việt Nam, tăng 20,3%. Thương mại Quảng Tây - Việt Nam đạt khoảng 223 tỷ nhân dân tệ, tăng 31%; Quảng Tây NK nông sản từ Việt Nam tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, chỉ trong 10 tháng năm 2023, thương mại Đông Hưng (Trung Quốc) - Việt Nam đạt 2,68 tỷ USD, tăng 161% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, thương mại Việt Nam - Campuchia được đánh giá là đầy tiềm năng với hệ thống 11 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, có 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn. Việt Nam hiện giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là thị trường XK lớn thứ 2 của Campuchia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, tổng kim ngạch XNK biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đạt 7,4 tỷ USD, tăng 118,7% so với năm 2020 (chiếm 78,3% trong 9,5 tỷ USD giá trị ngoại thương với Campuchia). Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 dự kiến đạt 9 tỷ USD. Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với hơn 200 dự án đầu tư còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Những động lực và triển vọng mới cho kinh tế biên mậu

Kinh tế biên mậu, bao gồm hoạt động thương mại qua biên giới dưới các hình thức XNK hàng hóa qua biên giới, buôn bán tại các chợ (chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu) và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới đã, đang và sẽ ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu, quy mô và hình thức. Từ đó, dần hình thành những khu kinh tế vùng biên năng động, trực tiếp và gián tiếp tạo điều kiện để các tỉnh giáp biên giới khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, liên doanh, liên kết nội và liên vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, an ninh, quốc phòng giữa Việt Nam và các nước cùng chung biên giới.

Mỗi ngày có khoảng hơn 1.200 lượt phương tiện hàng hóa thông quan XNK qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bích Nguyên

Tháng 8/2023, Thủ tướng Hun Manet đã ban hành Chiến lược Ngũ giác phát triển giai đoạn I, với quyết tâm phát triển kinh tế toàn diện, ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước, trong đó, hợp tác với Việt Nam là một trọng tâm. Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định Thương mại biên giới và bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023-2024. Chính phủ Campuchia ban hành Nghị định triển khai thực hiện Luật Đầu tư mới. Các hiệp định khác được hai bên ký kết như: bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần... Tất cả là những minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm và cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện, đưa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 13 văn kiện hợp tác. Còn trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12 và 13/12/2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, hai nước đã ký tới 36 thỏa thuận và văn kiện hợp tác song phương, trong đó có nhiều thỏa thuận liên quan đến thương mại và vận tải biên giới; thúc đẩy mở mới, nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh (Lạng Sơn với tỉnh Quảng Tây); tăng cường quản lý an ninh trật tự, phân luồng hợp lý hàng hóa XNK tại các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới, bảo đảm các cửa khẩu biên giới trọng điểm vận hành thông suốt...

Việc thực hiện các thỏa thuận và văn kiện cấp cao này, cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực thi hành từ năm 2022 đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tạo động lực mới cho thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc nói chung và phát triển kinh tế biên mậu nói riêng giữa hai nước, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực, cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-kinh-te-bien-mau-post472345.html