Tín hiệu tích cực

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đang có triển vọng đạt được một thỏa thuận trong nửa cuối tháng 5 này, trong bối cảnh cả hai phía đều phát đi những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia phân tích nhận định rằng, dù hai bên có thể đạt được một thỏa thuận sau vòng đàm phán tới, thì cọ xát thương mại sẽ vẫn còn là vấn đề lớn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong tương lai.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã nổ ra hồi giữa năm ngoái với việc hai bên liên tục áp đặt các biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng", gây ra những tổn thất hàng tỷ USD cho cả hai phía và đe dọa cản bước tăng trưởng kinh tế thế giới. Tính đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của cả Mỹ và Trung Quốc đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Chính quyền Tổng thốngD,Trump muốn duy trì các mức thuế bổ sung đang áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thực thi các cam kết một cách đều đặn. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lập tức các mức thuế bổ sung sau khi một thỏa thuận thương mại song phương được ký.

Nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại nêu trên, cuối năm 2018, lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung Quốc đã nhất trí "đình chiến thương mại" để thương lượng một thỏa thuận. Từ đầu năm 2019 đến nay, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán và từng bước đạt được đồng thuận. Giới chức hai bên đều lạc quan về việc có thể sớm chấm dứt cuộc chiến "đôi bên cùng bất lợi" nêu trên. Tại vòng đàm phán mới nhất diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, hôm 1-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin thông báo rằng, ông và Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thi-dơ đã có "các cuộc đàm phán hiệu quả" với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Trước đó, khi trao đổi với báo giới tại Nhà trắng, Tổng thống MỹD,Trump từng lạc quan bày tỏ rằng các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra khá tốt đẹp và sẽ thành công. Ông đồng thời để ngỏ khả năng một tuyên bố về kết quả của tiến trình đàm phán sẽ sớm được đưa ra.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất và mệt mỏi vì các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm trong những quý gần đây, một phần do tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Về phía Mỹ, ông chủ Nhà trắng D.Trump đang ráo riết chuẩn bị chiến dịch tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Do vậy, một kết quả tốt cho Mỹ trong vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho Tổng thống D,Trump. Bên cạnh đó, giới doanh nghiệp Mỹ cũng gây sức ép đòi chính phủ chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Liên minh Người Mỹ vì thương mại tự do đã gửi thư cho Tổng thống D,Trump đề nghị dỡ bỏ toàn bộ và ngay lập tức các loại thuế quan nếu giới chức nước này và Trung Quốc đạt được thỏa thuận. Lý do là các biện pháp thuế quan hiện nay với hàng hóa Trung Quốc đang gây tổn hại tới người lao động, nông dân và người tiêu dùng tại Mỹ. Theo liên minh này, ước tính người dân Mỹ đã phải trả hơn 21 tỷ USD tiền thuế do các biện pháp thuế quan mới.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh nêu trên, cả Washington và Bắc Kinh đã chấp nhận nhượng bộ trong những vòng đàm phán gần đây và điều này phần nào giúp cởi nút thắt cho những bất đồng tưởng chừng không thể thu hẹp giữa hai bên. Vừa qua, Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới với cam kết tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư, bãi bỏ một số đòi hỏi về chuyển giao công nghệ. Theo đó, giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung liên quan quyền sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh cũng đã cam kết giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống còn 0 trong vòng sáu năm và sẽ duy trì tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ ở mức chấp nhận được. Về phía Mỹ, Washington cũng giảm nhẹ các yêu cầu với Bắc Kinh trong đàm phán, không còn áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt liên quan việc Trung Quốc trợ cấp cho doanh nghiệp…

Hiện tại, dư luận đang kỳ vọng các cuộc đàm phán và gặp gỡ cấp cao Mỹ - Trung Quốc trong tháng 5 này sẽ giúp hai bên chấm dứt được cuộc chiến thương mại. Truyền thông cả hai nước dẫn lời Tổng thống MỹD,Trump cho biết ông sẽ sớm tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà trắng nhằm thiết lập nền tảng cho một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch đã công bố, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington để tiến hành một vòng đàm phán nữa với giới chức thương mại Mỹ, bắt đầu vào ngày 8-5 tới, trước khi diễn ra cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, dù đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, nhưng giới quan sát hiện vẫn chưa thể lạc quan vào việc hai bên có thể chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thương mại thông qua một thỏa thuận ngay trong tháng 5 này, bởi hiện tại, hai nước vẫn bất đồng về một số điểm quan trọng trong đàm phán. Phía Mỹ khẳng định rằng các vấn đề chính mà hai bên cần thống nhất là "một cơ chế thực thi thỏa thuận" và "lộ trình dỡ bỏ các biện pháp thuế quan" mà hai bên đã áp đặt với nhau. Trong khi đó, quan điểm của phía Trung Quốc cho rằng, cơ chế thực thi thỏa thuận là quan trọng, nhưng phải "bảo đảm cơ chế này có tác động hai chiều", không thể chỉ nhằm hạn chế Trung Quốc.

VIỆT HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40054302-tin-hieu-tich-cuc.html