Tín hiệu tốt về tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may

Nhiều máy móc công nghệ tiên tiến, tự động hóa trong ngành may mặc như: hệ thống tự động xả vải và phân tích mẫu vải (Anh Quốc), hệ thống CAD, máy trải vải, băng truyền, máy đính nhãn, máy cắt vải tự động (Ý), Máy lập trình may rập tự động (Trung Quốc), Thiết bị chuyên dùng đồng bộ kỹ thuật cao – Máy may công nghiệp chất lượng cao của Đức hay Nhật Bản,… được giới thiệu tại Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May và Thiết bị & Nguyên phụ liệu - Saigontex 2018 được khai mạc tại TP.HCM ngày 11/4.

Doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ may lập trình điện tử do Brother giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: N.Hiền

Cùng với đó, nhiều loại nguyên phụ liệu mới cũng được giới thiệu tại triển lãm như sợi tẩy trắng, vật liệu tơ sợi nguồn gốc thực vật, tơ nhân tạo, sợi đay gai, sợi acrylic, sợi viscose, sợi spandex, sợi cao su, sơi BCI, len, polyester, organic, lycra blend, CVC, keo dựng, keo vải, keo giấy, logo in chuyển nhiệt, vải in hoa…

Có gần 1.000 doanh nghiệp đến từ 26 quốc gia và Việt Nam tham gia hội chợ này.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho hay, năm 2017, ngành dệt may Việt Nam gặp thách thức lớn nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua khi hiệp định TPP - hiệp định được kỳ vọng mang lại nhiều lợi thế cho ngành đã không được ký kết sau quá trình chuẩn bị và đàm phán lâu dài. Tuy nhiên, trái với những dự đoán về khả năng đi xuống, năm 2017 chứng kiến sự bứt phá của ngành dệt may khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016.

“Đó là con số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng của ngành dệt may trong thách thức mới không có TPP, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia xuất khẩu dệt may đang coi Việt Nam là đối thủ cần phải kìm hãm nhiều nhất” – ông Hoài nhận định.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cũng cho hay với hiệp định CPTPP vừa được hoàn tất, dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới của các nước tham gia CPTPP, nhất là Úc và Canada, tiếp nối thành công của các FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Trường đánh giá, điểm nổi bật của Saigontex 2018 là sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp nội địa cung ứng nguyên phụ liệu dệt may. Đây là dấu hiệu đáng mừng về sự phát triển của ngành dệt may trong tương lai với tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới đang dịch chuyển và thay đổi phương thức sản xuất do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hoài cho rằng ngành dệt may Việt Nam cần đầu tư đổi mới để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, Saigontex 2018 mang đến cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội tìm hiểu thông tin về các công nghệ mới nhất để có quyết định đầu tư phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn, giúp cạnh tranh tốt với các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới. Hội chợ cũng là cầu nối giao thương cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, về trước mắt là hợp tác thương mại, sau đó là cơ hội liên doanh, liên kết trong sản xuất, chuyển giao công nghệ, cùng tham gia chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Ngoài ra, theo ông Hoài hội chợ còn là nơi để các nhà quản lý, chuyên viên kỹ thuật của các công ty gặp gỡ các chuyên gia về công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, qua đó chia sẻ, thảo luận về các giải pháp mới nhất trong quy trình sản xuất kinh doanh dệt may, nguyên phụ liệu.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tin-hieu-tot-ve-ty-le-noi-dia-hoa-trong-nganh-det-may.aspx