Tín hiệu vui cho văn đàn Việt: Bút lực người trẻ ngày càng đáng nể

Sáng 8.9, Nhà xuất bản Trẻ (TP.HCM) đã tổ chức họp báo công bố danh sách 20 tác phẩm chính thức vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6.

Các tác giả trẻ nhất lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 đang giao lưu với độc giả. Ảnh: D.T

Cuộc thi với chủ đề “Viết về cuộc sống, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay”, từ ngày 24.12.2015 đến hết ngày 31.5.2018, hội đồng sơ khảo đã nhận được 458 tác phẩm dự thi, theo “tỷ lệ vàng” 3/1, tức 347 truyện dài và 111 truyện ngắn.

Ông Dương Thành Truyền - Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Trẻ, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 cho biết, mặc dù cuộc thi không giới hạn về độ tuổi, và trên thực tế có không ít những tác giả đã thành danh, một số cây bút chuyên nghiệp dự thi. Tuy nhiên, điều vui mừng là cuộc thi lần này người dự thi chủ yếu ở lứa tuổi 9x (chiếm hơn 50%), đa số là sinh viên. Trong đó, thí sinh dự thi nhỏ tuổi nhất là một học sinh lớp 4 ở Nghệ An. Và trong số các tác giả, có 14 bạn trẻ Việt Nam đang làm việc và học tập ở nước ngoài như Úc, Nhật, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Điển,… gửi tác phẩm về dự thi. Trong số 20 tác giả có tác phẩm vào chung khảo, có tới 13 người (65%) thuộc lứa 9x, người nhỏ nhất 21 tuổi và chỉ có 1 người đã qua tuổi 40.

Cây bút trẻ Mai Thảo Yên đang ký tặng sách cho độc giả.

“Điều đặc biệt, 50% tác giả (10 người) góp mặt ở vòng chung khảo với tác phẩm đầu tay nhưng cũng có tác giả trẻ đã có tác phẩm thứ 5, thứ 7, thậm chí 15 được in, trong đó có người có đến 3 tác phẩm chưa in… Chứng tỏ một sức viết, sức sáng tạo đáng nể của những cây bút trẻ này”, ông Truyền thông tin.

Tại buổi giao lưu giữa các tác giả với độc giả và truyền thông, thí sinh Mai Thảo Yên – nghiên cứu ngành tâm lý tại Thụy Điển, bày tỏ: “Tôi chọn viết như một cách để soi chiếu những trải nghiệm đã qua, cũng là cách để đối thoại với những câu hỏi và sự hỗn mang quanh mình. Câu chuyện Người lạ (tác phẩm dự thi) khởi sinh từ chính sự tự vấn đó”.

Còn Phạm Thu Hà – thí sinh nhỏ tuổi nhất vào chung khảo là 1 sinh viên năm thứ 3 của Trường viết văn Nguyễn Du, người gốc Hà Nội, chia sẻ: “Đối với tôi, viết là cách sống lại những ký ức từng có, hiểu những chuyện chưa từng hiểu. Đó là một hành trình hết sức mỏi mệt vì nhớ lại chuyện vui thì tiếc nuối, về với chuyện buồn thì nỗi đau vẫn còn tươi mới trong lồng ngực…”

Truyện dài Sau những ngày mưa của Hà được kể dưới giọng dịu dàng, tha thiết của 1 cô gái tuổi 20 đi theo đoàn tổ chức hội chợ lưu động sau những đổ vỡ trong gia đình. Theo nhịp quay của bánh xe, cô lý giải những khúc mắc trong long, đau đớn vượt qua những câu hỏi được – mất. Cuối cùng, cô gái trẻ cũng đã tìm ra cách tha thứ cho mình và người lớn để có thể bắt đầu lại từ đầu.

Phạm Thu Hà - cây bút nhỏ tuổi nhất, đến từ Hà Nội bên tấm pa-nô bìa sách của mình.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều tác giả có tác phẩm vào vòng chung khảo lần này bộc lộ những tâm hồn rất đẹp, tươi tắn và luôn trăn trở để đi tìm một ý nghĩa sống, một con đường thực hiện những hoài bão, khao khát gánh vác trách nhiệm cùng xã hội, yêu quý và tự hào về cội nguồn dân tộc. Một số tác giả không ngại đối diện và đau đáu trăn trở với những vấn đề lớn trong xã hội. Các tác giả được chọn vào chung khảo đều tìm được cho mình một giọng điệu riêng rất hiện đại, mới mẻ để kể về câu chuyện mà mình ôm ấp và tin tưởng.

Theo ông Truyền, bút pháp của các tác giả dự thi lần 6 này đã gây ngạc nhiên cho độc giả. Bằng những lối kể chuyện đa dạng, sinh động với chuyện thực, với dụ ngôn, với truyện nối truyện, truyện trong truyện… Bằng sức tưởng tượng và tái tạo không giới hạn, trộn lẫn thực và phi thực, kỳ ảo với giả tưởng, đảo chiều không gian và thời gian… và có cả những kiến thức đời sống phong phú tinh tế chở trên từng trang sách một cách tự nhiên, chuẩn xác.

“Có thể nói, đây là tin vui, tín hiệu báo hiệu của một lớp cây bút thời mới – của hôm nay và ngày mai”, ông Truyền nhấn mạnh.

2 cây bút Cao Nguyệt Nguyên (trái) và Nguyễn Thị Kim Hòa cùng chia sẻ kinh nghiệm viết lách.

Ban tổ chức cuộc thi cũng rất tiếc vì phải loại bỏ 2 tác phẩm đã được in và công bố trong Tủ sách Văn học tuổi 20 vào tháng 9.2017 là Người kể chuyện tình trên phố yêu đương và Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải do tác giả vô tình phạm quy (vì đã có truyện ngắn được công bố trên báo trước đó).

Về giải thưởng, Ban tổ chức cho biết có 1 Giải nhất 70 triệu đồng; 1 Giải nhì 50 triệu đồng; 1 Giải ba 30 triệu đồng và 4 Giải khuyến khich 20 triệu đồng/tác phẩm. Ngoài ra, còn có 1 Giải tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất (trên Fanpage) 20 triệu đồng và một số giải bình luận hay nhất dành cho người đọc. Lễ công bố và trao giải sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1.2019.

20 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo:

Bữa đời lạc phận – truyện dài của Ka Bình Phong

Cô ấy khiêu vũ một mình – truyện dài của Tịnh Bảo

Chuyện bên rìa thế giới – truyện dài của Bùi Cẩm Linh

Chuyến tàu nhật thực – Đinh Phương

Nguyện của đêm – Cao Nguyệt Nguyên

Cánh đồng ngựa – Nguyên Nguyên

Cỏ dại thênh thang – Tiểu Quyên

Cửa sổ phía đông – Nguyễn Thị Kim Hòa

Độc hành – Nguyễn Đinh Khoa

Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa – Hiền Trang

Người lạ – Mai Thảo Yên

Nhân gian nằm nghiêng – Đặng Hằng

Những câu chuyện trong thành phố – Vũ Tùng Lâm

Những đứa con cổ tích– Bạch Đằng

Sau những ngày mưa – Phạm Thu Hà

Thỏ rơi từ mặt trăng – Nguyễn Dương Quỳnh

Trăng trong cõi – Phạm Thúy Quỳnh

Tự nhiên say – Phát Dương

Wittenstein của thiên đường đen – Maik Cây

Yagon, những kẻ vô cảm – truyện dài của Phạm Bá Diệp

Diệu Thùy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/tin-hieu-vui-cho-van-dan-viet-but-luc-nguoi-tre-ngay-cang-dang-ne-911099.html