Tín hiệu vui từ văn nghệ quần chúng

Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển. Những chương trình tham gia các Hội thi văn nghệ quần chúng được nâng cao về chất lượng với sự góp mặt của đông đảo lực lượng trẻ.

Tiết mục song ca của em Trịnh Lê Thanh Tuyền đoạt giải ba tiết mục song ca, tam ca, tốp ca trong Hội thi Hát Sử ca và Truyền thống cách mạng

1. Lần đầu tiên tham gia Hội thi văn nghệ quần chúng, em Trịnh Lê Thanh Tuyền (Trường THCS Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) cùng bạn diễn đoạt giải ba tiết mục song ca, tam ca, tốp ca. Thanh Tuyền vốn có năng khiếu về ca hát, thường xuyên tham gia các hội thi do trường, huyện tổ chức và được đánh giá cao. Trong Hội thi Hát Sử ca và Truyền thống cách mạng, Thanh Tuyền là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia.

Thanh Tuyền chia sẻ: "Vì yêu ca hát nên khi có cơ hội tham gia hội thi, em rất hào hứng, dành nhiều thời gian tập luyện. Đối với em, tham gia hội thi là hoạt động ý nghĩa trong mùa hè năm nay".

Cũng tranh thủ những ngày hè, nhóm học sinh Trường THPT Tân Trụ (huyện Tân Trụ) dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện. Các em cùng nhau thành lập nhóm Văn nghệ Thanh Xuân, tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình văn nghệ cấp trường, cấp huyện.

Em Hồ Ngọc Gia Hân - thành viên của nhóm, cho biết: “Chúng em được các cô, chú tại Trung tâm hướng dẫn và tạo cơ hội tham gia nhiều chương trình, nhờ vậy, nhóm học được nhiều về cả kỹ năng biểu diễn lẫn những bài học ý nghĩa khác. Vừa hoàn thành chương trình biểu diễn phục vụ ngày 27/7, chúng em bắt tay vào tập luyện cho Hội thi Hát sử ca và Truyền thống cách mạng. Suốt thời gian vừa xây dựng kịch bản, biên đạo múa, vừa tập luyện,... khá vất vả nhưng cả nhóm ai nấy đều rất vui. Sau mỗi lần tham gia các hoạt động, chúng em có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và thêm tự hào về quê hương”.

Theo em Gia Hân, hầu hết các tiết mục nhóm biểu diễn trong các hội thi, chương trình văn nghệ tại địa phương đều ca ngợi quê hương và gắn liền với quê hương Tân Trụ, điều đó giúp các em hiểu và yêu hơn quê mình.

Phong trào văn nghệ quần chúng tại tỉnh gần đây có bước phát triển, nhân lực có phần trẻ hóa hơn trước. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương cho biết: “Thời gian gần đây, chất lượng các Hội thi văn nghệ quần chúng được nâng lên, đặc biệt là Hội thi Hát Sử ca và Truyền thống cách mạng. Các tiết mục tham gia hội thi được Ban Giám khảo đánh giá cao từ biên đạo, hòa âm, phối khí, hình ảnh minh họa. Qua đây cho thấy, đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương đang có sự “trưởng thành” hơn. Mới đây, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh tổ chức lớp tập huấn về biên đạo múa, giúp các địa phương phát triển thêm nguồn lực cho hoạt động văn nghệ quần chúng”.

2. Toàn tỉnh có 15 đội văn nghệ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố cùng 5 đội, nhóm, ban nhạc cùng thuộc Trung tâm. Bên cạnh đó, tại xã, thị trấn có khoảng 100 câu lạc bộ đờn ca tài tử và hát với nhau được duy trì sinh hoạt thường xuyên. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp phong trào văn nghệ quần chúng phát triển.

Lực lượng cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh cấp huyện đóng vai trò cốt cán trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh. Các cộng tác viên hầu hết đều có công việc riêng, ổn định và tham gia hoạt động nghệ thuật bằng niềm đam mê. Trong đó, đa số thành viên nhóm múa Phù Sa là cộng tác viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Nhóm luôn đồng hành cùng Trung tâm trong nhiều chương trình, sự kiện quan trọng, tham gia nhiều cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc, mang về nhiều giải thưởng.

Nhóm múa Phù Sa biểu diễn phục vụ trong sự kiện khánh thành Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu

Theo anh Trần Kiên Trì (thành viên nhóm múa Phù Sa), do mỗi thành viên đều có công việc riêng nên nhóm chỉ có thể tập luyện vào buổi tối hoặc giờ nghỉ trưa. Những đêm tập đến gần sáng hoặc xuyên đêm để chuẩn bị chương trình đã trở nên quen thuộc. 5 năm gắn bó với nhóm múa Phù Sa, dù đang làm việc tại TP.HCM, anh Kiên Trì vẫn “chạy đi, chạy về” để tập luyện và biểu diễn cùng nhóm khi có chương trình. Những sự gắn bó như vậy giúp nhóm múa Phù Sa nói riêng và phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh nói chung được duy trì và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Sự phát triển và nâng chất của phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tin-hieu-vui-tu-van-nghe-quan-chung-a160752.html