Tin kinh tế 6AM: Giải ngân vốn chậm, cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu; Cơn bão tăng giá vàng chưa chấm dứt

Những tin chính: Ra mắt Trung tâm Kỹ thuật Makino Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP HCM; Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Cơn bão tăng giá vàng chưa chấm dứt

Giá vàng trong nước duy trì đà tăng ấn tượng trong phiên cuối tuần. Tại thị trường thế giới, giá vàng cũng đang neo ở ngưỡng cao nhất trong 6 năm qua.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 39,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,97 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này tăng 50.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.

Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch ở mức 1.440,0 USD/ounce (Theo Kitco News).

Giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 40,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng hơn 500.000 đồng/lượng.

Ra mắt Trung tâm Kỹ thuật Makino Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP HCM

Ngày 26/7, một trong những nhà sản xuất máy công cụ lớn nhất thế giới – Makino đã chính thức ra mắt Trung tâm Kỹ thuật Makino Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP HCM.

Trung tâm Kỹ thuật Makino Việt Nam với diện tích 4.700m2, có vốn đầu tư 2,6 triệu USD. Trung tâm sở hữu phòng trưng bày kỹ thuật, cơ sở đào tạo, trung tâm phụ tùng và văn phòng. Trung tâm sẽ bán máy công cụ và linh kiện, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ đào tạo về công nghệ và kỹ sư ứng dụng.

Phòng trưng bày kỹ thuật có máy móc cho các ứng dụng phay và phóng điện tốc độ cao nhằm đưa công nghệ đến gần hơn với khách hàng. Trong khi đó, tại các cơ sở đào tạo, các chuyên gia kỹ thuật và bán hàng Makino sẽ cung cấp đào tạo tương tác để trang bị cho khách hàng kiến thức công nghệ chuyên sâu mới nhất và cách tiếp cận toàn diện đối với các giải pháp khác nhau.

Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): Những câu hỏi lớn từ cộng đồng doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định: “Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng”. Hạn mức này đã được cơ quan soạn thảo giải thích, theo đó, các quy định của Luật này chỉ nên áp dụng cho các dự án PPP quy mô lớn.

Tuy nhiên, quy định này đặt ra câu hỏi về việc các dự án dưới 200 tỷ đồng nếu muốn thực hiện theo hình thức PPP thì làm thế nào? Đặc biệt, nhiều dự án quy mô nhỏ trong các lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, trụ sở cơ quan nhà nước, giáo dục… có mức đầu tư tương đối thấp. Tỷ lệ dự án có quy mô tổng đầu tư dưới 200 tỷ tương đối lớn, các dự án này có được thực hiện theo hình thức PPP hay không, nhất là khi đây cũng là định hướng mà Đảng, Chính phủ hiện nay đang khuyến khích.

Giải ngân vốn chậm, cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Qua kiểm tra cho thấy, tiến độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, vẫn còn 35 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó 18 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Có 5 bộ, ngành và 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60%. Khối các bộ, ngành Trung ương có: Hội Nhà văn giải ngân đạt hơn 83%; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt hơn 79%; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt hơn 74% và Bộ Quốc phòng đạt hơn 62%. Các địa phương giải ngân đạt cao gồm: Hải Dương đạt hơn 79%; Phú Yên và Ninh Bình đạt hơn 74%.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, ước thanh toán vốn đầu tư công đạt trên 134.494 tỷ đồng, đạt hơn 32% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt hơn 35% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đánh giá Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt hơn 37% kế hoạch Quốc hội và hơn 38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/tai-chinh/tin-kinh-te-6am-giai-ngan-von-cham-can-quy-ro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-con-bao-tang-gia-vang-chua-cham-dut-d103799.html