Tin kinh tế

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2018, sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng 20,7% về lượng và tăng 50,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, đạt 3,48 triệu tấn (1,22 tỷ USD).

Nhật Bản là thị trường hàng đầu cung cấp sắt thép phế liệu cho Việt Nam với hơn 990.000 tấn, trị giá 368,64 triệu USD, chiếm 28,5% trong tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 30,3% trong tổng kim ngạch, đứng sau đó là các thị trường Hoa Kỳ, Hà Lan, Mexico.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dự đoán trong các tháng 10, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là mặt hàng tôm bởi mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 là 4,58%. Đây là mức thuế thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8/3/2018.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bắt đầu chiến dịch xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. 77% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là sang châu Á nhưng thị trường này chủ yếu tiêu thụ gạo cấp thấp, giá rẻ. Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, tiến vào thị trường cấp cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bắt đầu chiến dịch xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, chiếm gần 2% số doanh nghiệp cả nước. Doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ với gần 216.000 doanh nghiệp, chiếm 41,7%, trong đó dẫn đầu là TP HCM.

T.Uyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tin-kinh-te_t114c5n139078