Tin mới về y tế ngày 30/6: Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương.

Tổ chức đấu thầu thuốc tập trung ở Trung ương

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 29/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế;

Đồng thời chủ động ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét ban hành đối với những giải pháp vượt thẩm quyền;

Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương, chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí;

Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu về thuốc, thiết bị và vật tư y tế để chủ động lên kế hoạch đầu tư, mua sắm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dược; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc.

Rà soát, hoàn thiện, ban hành mới quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí đối với thiết bị y tế; trên cơ sở đó, đẩy mạnh phân cấp hoạt động cấp phép đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm của tuyến dưới theo quy định.

Hoàn thiện Danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 11/7/2022;

Rà soát, cập nhật số cán bộ ngành Y tế khu vực công nghỉ việc trong thời gian gần đây trên cơ sở đó, đánh giá đúng tình hình, làm rõ nguyên nhân để kịp thời có giải pháp phù hợp; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc này.

Khẩn trương sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập

Bộ Y tế khẩn trương hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp;

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo đúng Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền để quy định, hướng dẫn hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đấu thầu thuốc tập trung theo quy định; các cơ sở y tế của địa phương thực hiện việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế.

Vắc-xin vẫn là chìa khóa chống dịch

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thông qua các đợt dịch trước đây, chúng ta có thể thấy sự tiến hóa của SARS-CoV-2 là khôn lường.

Về biến chủng phụ BA.5, GS Lân thông tin qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, nó có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, dù các biến chủng mới xuất hiện, các biện pháp phòng bệnh Covid-19 vẫn không thay đổi.

“SARS-CoV-2 vẫn là virus lây lan qua hình thức giọt bắn. Do đó, việc dự phòng cá nhân và vắc-xin là vấn đề quan trọng”, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh các biện pháp dự phòng cá nhân trong bối cảnh hiện nay cần linh hoạt hơn.

Cụ thể, ông lấy ví dụ việc đeo khẩu trang trong môi trường kín, với người đang mắc bệnh, có triệu chứng hô hấp, tiếp xúc với nhóm nguy cơ cao vẫn rất cần thiết.

Ngược lại, việc bắt buộc người dân ra đường tập thể dục vẫn đeo khẩu trang cần linh hoạt hơn. Người dân cũng có thể chuyển đổi từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải dùng nhiều lần, từ đó, hạn chế tác hại đối với môi trường.

PGS. Phu cũng thừa nhận việc dự báo diễn biến dịch Covid-19 ở thời điểm này vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự giám sát và đánh giá nguy cơ đúng.

“Khi đánh giá đúng tình hình, chúng ta mới có thể đưa ra được giải pháp phù hợp. Chúng ta cần tránh đánh giá sai tình hình, dẫn đến không phòng được dịch, mặt khác, cũng không nên đánh giá thái quá, cấm đoán, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, an sinh xã hội”, vị chuyên gia nói.

Theo ông Phu, Việt Nam nới lỏng nhưng không nên buông lỏng công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, việc nới lỏng và dự phòng đều cần thực hiện đồng bộ, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, từ đó đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Hai mũi vắc-xin Covid-19 có hiệu quả thấp trước các chủng mới của Omicron. Các chuyên gia cho rằng, việc tiêm nhắc lại là tất yếu nhưng cần điều chỉnh công thức vắc-xin hiện tại.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-moi-ve-y-te-ngay-306-khac-phuc-ngay-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-d168767.html