Tín ngưỡng thờ động vật của người Ai Cập cổ đại

Người Ai Cập khi đó cho rằng các vị thần có xuất hiện trên trái đất dưới hình dạng của một loài động vật nào đó. Nếu như họ tôn vinh và thờ phụng những loài động vật này chắc chắn sẽ làm hài lòng các vị thần. Chính vì vậy, những động vật được xem là các hóa thân của thần thánh đều được chăm sóc rất chu đáo và được nuôi gần đền thờ.

Nguồn gốc tín ngưỡng thờ động vật

Tín ngưỡng thờ động vật hay tục thờ cúng động hay còn gọi đơn giản là thờ thú là thuật ngữ đề cập đến các nghi thức tín ngưỡng liên quan đến việc cúng bái, tế lễ cho các loài động vật như sự tôn vinh, sùng bái các thần thú hay hiến tế động vật, thông thường các động vật trong tín ngưỡng này là động vật có thực được nâng lên thần thánh. Đây là một trong hình thức tín ngưỡng nguyên thủy, người ta thờ cúng các động vật với niềm tin về một mối liên hệ của những người cùng chung sống trong một cộng đồng.

Khi một vị thần được tôn trọng bằng một động vật đại diện thì một tín ngưỡng thờ động vật được hình thành. Loài động vật có thể được phân loại theo hình thức bên ngoài của chúng hoặc theo ý nghĩa bên trong của chúng, tất nhiên sẽ trải qua sự biến đổi. Mỗi dân tộc, cộng đồng người tục thờ cúng những động vật khác nhau, các loài vật này khá đang dạng và phong phú, tuy nhiên có nhiều loài động vật được nhiều người trên thế giới cùng thờ phụng chẳng hạn như rắn, bò, hổ, chó, voi, khỉ, cá sấu, ngựa, một số khác thì được thờ hiếm hoi hơn.

 Người Ai Cập cổ đại tôn vinh và thờ cúng hàng trăm vị thần cai quản mọi mặt đời sống của người dân

Người Ai Cập cổ đại tôn vinh và thờ cúng hàng trăm vị thần cai quản mọi mặt đời sống của người dân

Tín ngưỡng thờ động vật có ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó, người Ai Cập cổ đại đặc biệt thích thờ các con vật, hệ thống các vị thần của Ai Cập cổ đại liên quan đến rất nhiều con vật với đa dạng chủng loài. Như tôn giáo của người Ai Cập coi các loài này vượt trên con người. Tác giả Diodorus giải thích nguồn gốc của sự thờ phượng động vật bằng cách nhắc lại những câu chuyện thần thoại từ xa xưa, trong đó các vị thần, được cho là bị đe dọa bởi những người khổng lồ, đã giấu dưới vóc dáng của những loài động vật.

Sau đó, người dân tự nhiên bắt đầu thờ cúng những con vật mà các vị thần của họ đã biến hình và tiếp tục hành động này ngay cả khi các vị thần trở lại trạng thái bình thường của họ. Đây chính là ý niệm rằng thần tính hiện thân trong lốt của động vật, chẳng hạn như một vị thần nhập thể.

Có các ý kiến cho rằng thờ động vật là do sự tò mò tự nhiên của con người. Người nguyên thủy sẽ quan sát một con vật có đặc điểm độc đáo và tính không thể giải thích được của tính trạng này sẽ hấp dẫn sự tò mò của con người, sự tò mò là kết quả của những quan sát của người ban đầu về đặc điểm đặc biệt này và điều kỳ diệu này cuối cùng đã dẫn đến sự ngưỡng mộ.

Các linh vật của người Ai Cập

Những vị thần của người Ai Cập thông thường hiển thị dưới dạng sinh vật lai giữa động vật và con người. Một số loài vật đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Ai Cập cổ đại có thể kể đến như:

Khỉ đầu chó: được xem là đại diện của cả hai vị thần, thần Thoth - thần cai quản văn bản và chữ viết và thần Khonsu - thần trăng non. Thần Thoth sau này còn giữ địa vị là thần mặt trăng trên trời. Ông cũng là người giữ vai trò ghi lại những phán quyết của tòa án xét xử con người khi xuống địa ngục. Như vậy, cả hai vị thần trên đều có liên quan tới mặt trăng và đều có hóa thân là khỉ đầu chó. Cũng có những vị thần khác không liên quan tới mặt trăng mà vẫn được xem là có khỉ đầu chó làm đại diện như thần Hapy - một trong bốn người con trai của thần bầu trời Horus.

Mèo: Người Ai Cập đặc biệt coi trọng mèo. Nữ thần mặt trăng cũng được miêu tả là có đầu mèo. Đối với người Ai Cập, đôi mắt sáng của mèo trong đêm cũng giống như ánh trăng trong đêm mù âm u. Thần hoàng hôn Bastet cũng có biểu thượng là một con mèo. Và nếu như có hỏa hoạn xảy ra trong nhà thì mèo sẽ là ưu tiên hàng đầu được cứu ra. Nếu như ai đó vô tình hay cố tình làm mèo bị chết đều phải chịu cực hình.

Chính sự tôn thờ này của người Ai Cập đã khiến những con mèo quen với cuộc sống vương giả mà quên đi vai trò bắt chuột của mình. Điều này đã từng dẫn đến hậu quả tai hại là nạn hoành hành phá hoại dữ dội của loài chuột ở khu vực bờ sông Nile.

Mèo là một trong những linh vật được tôn kính tại Ai Cập

Bò: Nữ thần tình yêu và niềm vui Hathor, nữ thần của các bà mẹ Isis thường được miêu tả là có đôi tai bò hoặc sừng bò. Con bò Mnevis - chính là con bò đực thiêng của thành Heliopolis. Với người Ai Cập cổ đai, con bò là đại diện của thần thánh và cần phải thực hiện nghi lễ với những đấng tối cao này. Các thấy cúng có nuôi những con bò rất cẩn thận và khi chúng được 4 tháng tuổi thì đưa tới các miều thờ. Tại đây, những cô gái còn trinh tiết sẽ tới hiến lễ và tự nguyện dâng cho thần bò sự trong trắng của mình.

Rắn hổ mang: đây là một biểu tượng khá quen thuộc khi nhắc đến các nữ hoàng Ai Cập cổ đại. Theo truyền thuyết kể lại, thần nữ Meretseger - người bảo vệ cho những lăng mộ hoàng gia, có biểu tượng là con rắn hổ mang. Đây cũng là nữ thần bảo vệ cho Pharaoh. Một thần nữ khác - Wadjiet còn được gọi là nữ thần của các loài rắn. Nữ thần này thường được thể hiện dưới hình ảnh rắn hổ mang đang chuẩn bị tấn công và bà cũng là một trong những vị thần nhận nhiệm vụ bảo vệ Pharaoh.

Cá sấu: Ammit là một quái vật đầu cá sấu dưới Âm phủ. Nếu một người nói dối, khi xuống âm phủ sẽ bị Ammit ăn mất trái tim. Thần sông Nile Sobek cũng có đầu cá sấu, đây là vị thần bảo trợ cho đội quân Ai Cập được bách chiến bách thắng. Trong đền thờ thần Sobek, cá sấu được nuôi trong hồ nước, đeo đồ trang sức và được thờ cúng. Khi cá sấu chết, chúng được tẩm hương liệu, được thực hiện các nghi lễ đưa tang và ướp xác trong quan tài đá.

Ếch: Heget - Nữ thần của những đứa trẻ và sự màu mỡ, có biểu tượng là một con ếch. Nhắc đến loài ếch và Ai Cập cổ đại, nhiều người vẫn không thể quên hình phạt của Chúa Trời dành cho Ai Cập khi Pharaoh của nước này đã trái lệnh Chúa Trời bắt người Do Thái làm nô lệ. Ếch nhái dưới sông Nile đã nhảy lên hai bên bờ sông.

Một đặc điểm của loài ếch đó là nếu không có nước trong vòng một ngày là chúng sẽ chết. Và sau khi chúng chết, xác của chúng đã phân hủy thu hút rất nhiều ruồi nhặng gây ô nhiếm môi trường. Không chỉ vậy, ếch nhái ăn muỗi nên sau khi tất cả chúng chết, muỗi có điều kiện hoành hành gây nên rất nhiều căn bệnh cho người và động vật Ai Cập.

Sư tử: có thể kể đến tượng nhân sư trong thần thoại Ai Cập cổ đại, đầu người mình sư tử. Nhân sư thường có nhiệm vụ trông đền hay lăng mộ Hoàng gia. Thế nhưng sư tử cũng có liên quan tới nhiều vị thần khác, thần chiến tranh Maahes có đầu sư tử. Nữ thần chiến tranh Sekhmet cũng có đầu sư tử. Tefnut - Nữ thần hơi ẩm có hóa thân chính là con sư tử. Người dân Ai Cập xưa cũng coi sư tử là một linh vật. Hoàng đế của họ cũng có những đặc điểm của loài động vật này, dũng mãnh và quả cảm.

Thành Trung

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-nguong-tho-dong-vat-cua-nguoi-ai-cap-co-dai-d132851.html