Tin NN Tây Bắc: Mường La vào vụ mít

Vài năm trở lại đây, sản phẩm quả mít của huyện Mường La (Sơn La) có mặt trên thị trường trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Người dân xã Tạ Bú bày bán mít ven tỉnh lộ 106. Ảnh: Báo Sơn La

Người dân xã Tạ Bú bày bán mít ven tỉnh lộ 106. Ảnh: Báo Sơn La

Nhiều gia đình trồng mít ở các xã: Mường Bú, Tạ Bú, Mường Chùm, Chiềng Hoa, thị trấn Ít Ong... có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. Dù chưa có thương hiệu, nhưng cây mít đã và đang giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La cho biết: Năm 2013, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mường La đã hỗ trợ giống cây mít tứ quý cho các xã: Mường Bú, Chiềng Lao, Chiềng Hoa, Hua Trai, Mường Trai, Pi Toong và thị trấn Ít Ong trồng 71,3 ha. Đến nay, 100% diện tích mít đã cho thu hoạch quả. Ngoài ra, nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp, đất nương để trồng giống mít. Hiện, toàn huyện có trên 100 ha mít, trong đó 30 ha giống mít mật, mít dai địa phương, còn lại là mít tứ quý, mít Đài Loan, mít Thái Lan, năng suất đạt 20 - 25 tấn quả/ha; sản lượng trung bình từ 2.000 - 2.500 tấn quả/vụ.

Theo các hộ dân, trồng mít không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc như các loại cây ăn quả khác, nhưng cần thường xuyên tưới đủ nước, bón phân và theo dõi để phòng trừ các loại sâu đục thân, đục quả. Sau khi thu hoạch quả, cắt bỏ bớt cành thừa để cây nhận đủ ánh sáng, giúp quả to và ngọt trong những vụ sau.

Mường Bú có diện tích mít chiếm hơn 1/4 tổng diện tích cây mít của toàn huyện, với 27 ha, trong đó 25 ha đã cho thu hoạch quả, tập trung ở các bản: Hua Bó, Búng Diễn, Cứp, Giàn, sản lượng hơn 600 tấn quả/vụ, mỗi năm toàn xã thu trên 10 tỷ đồng từ cây mít. Anh Quàng Văn Tía, bản Hua Bó (xã Mường Bú), chia sẻ: Gia đình tôi có gần 40 cây mít tứ quý, 20 cây mít Thái Lan đều đã cho thu hoạch quả, mỗi vụ thu trên 6 tấn mít quả, được Hợp tác xã Hưng Thịnh hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm mít để cung cấp cho siêu thị Big C (Hà Nội), với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg, thu trên 110 triệu đồng. Còn chị Nguyễn Thu Huyền, cùng bản cho biết: Với lợi thế nhà ở ven tỉnh lộ 106, nên ngoài bán mít của gia đình, tôi còn thu mua mít của bà con trong xã để xuất bán cho thương lái các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Điện Biên...

Trồng bí thu nhập cao ở Bình Nhân

Một lần anh Mai Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhân (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) về Đông Anh (Hà Nội) thăm người bạn thân thấy khu bạn ở bán nhiều loại bí xanh có nguồn gốc từ huyện Mộc Châu (Sơn La) được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thế là anh nảy ra ý định trồng loại rau này ở quê mình.

Vườn bí của gia đình ông Đỗ Xuân Hoạch, thôn Tân Lập được trồng theo quy trình VietGAP. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Anh cất công lên tận Mộc Châu, rồi đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tìm gặp những chuyên gia về giống cây trồng, mời họ lên Bình Nhân nghiên cứu chất đất và tư vấn cách trồng. Sau khi đã có những tư vấn của các chuyên gia nông nghiệp, anh quyết định chọn giống bí FuJi 868 của Nhật Bản để trồng (đặc điểm giống này là dễ trồng, chịu được sâu bệnh, chất lượng quả thơm, ít lõi, đặc biệt là trồng được trái vụ).

Anh chia sẻ, lúc đầu làm anh đi thuê đất nhà nào cũng không đồng ý, đặt vấn đề liên kết cùng làm ai cũng lắc đầu, mọi việc tưởng chừng như sẽ thất bại. Nhưng rồi, lối đi cũng mở ra khi những gia đình có khó khăn trong thôn lại rất ủng hộ anh. 3 hộ dân ở thôn Tân Lập đã đồng ý tham gia trồng 5 ha bí sạch theo quy trình VietGAP. Ông Đỗ Xuân Hoạch, thôn Tân Lập là người đầu tiên trồng cây bí xanh với 1,5 ha, bao gồm cả thuê đất trước đây trồng ngô của gia đình. Ông bảo, gia đình ông mới thoát nghèo, rất dễ tái nghèo nếu không có “phao cứu sinh”. Vì thế, khi mà anh Thư đề xuất hợp tác trồng cây bí, ông thấy như mình đã có được điểm tựa. Nhưng khó nhất với ông là không có vốn đầu tư ban đầu, thế là anh Thư dồn toàn bộ số vốn tích lũy được của mình và vay mượn thêm đầu tư 250 triệu đồng cho ông Hoạch trồng bí, lợi nhuận thì chia đôi.

Lúc đầu ông cũng rất lúng túng với cách làm mới, bởi trước đây chỉ cuốc hố, đệm một lượt phân, tra hạt xuống là xong. Nhưng giờ khác rồi, trồng bí theo quy trình VietGAP thì phải làm tỷ mỉ lắm, đất phải được xử lý tơi xốp, để ải khoảng 15 ngày. Quy trình xử lý hạt giống tuân thủ quy trình 2 sôi 3 lạnh, ngâm 6 tiếng sau đó mang ủ 6 tiếng cho nứt nanh rồi mới mang ra trồng. Khoảng cách trồng cũng phải tuân thủ cây cách cây 70 cm, luống cách luống 1m, trồng theo hình răng cá sấu. Ông bảo, năm nay gần 80 tuổi rồi mà giờ mới biết cách làm này, quả là công phu và khoa học, thế nên thành quả đạt được là xứng đáng. Ông Hoạch phấn khởi bảo vậy. Đúng là “tấc đất” sinh ra “tấc vàng”. Năm nay gia đình thu khoảng 50 tấn bí xanh, trừ chi phí gia đình cũng lãi khoảng 100 triệu đồng, số tiền thật sự lớn với người nông dân sau 70 ngày lao động vất vả.

Anh Vũ Văn Hồng, thôn Tân Lập cũng là một trong 3 hộ trồng 5.000 m2 bí liên kết với anh Thư. Anh cho biết, năm nay dự kiến gia đình thu khoảng 25 tấn bí, được khoảng 250 triệu đồng, nếu so sánh trồng bí xanh với cây lúa, cây ngô trên cùng diện tích thì theo giá trị hiện tại cây bí gấp 6, 7 lần.

Có thể khẳng định, cây bí xanh đã hợp đất Bình Nhân. Mỗi quả bí trồng trên đất Bình Nhân có trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg, mỗi sào thu hơn 1,3 tấn bí, giá bán 10.000 đồng/kg, thu khoảng 14 triệu đồng. Anh Thư cho biết, tới đây anh đề xuất với UBND xã tiến hành đánh giá, tổ chức quy hoạch để phát triển cây bí xanh quy mô lớn hơn, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập.

Nâng cao thu nhập từ cây nghệ

Với giá bán từ 4 – 5 nghìn đồng/kg củ tươi, cây nghệ đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) và dần trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nơi đây.

Gia đình ông Lò Văn Ín ở bản Can Hồ đang tập trung làm cỏ cho cây nghệ. Đây đã là năm thứ 3, ông Ín trồng nghệ trên với diện tích 5.000m2. Và, cây trồng này mỗi năm giúp gia đình có khoản thu khoảng 15 triệu đồng. Ông Ín chia sẻ: Nương này trước đây, nhà tôi trồng ngô nhưng hiệu quả không cao, mấy năm trở lại đây chuyển sang trồng cây nghệ đen. Trồng nghệ chỉ phải làm cỏ không cần bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch thương lái về tận nhà thu mua, giá cả khá ổn định (năm 2018 là 5 nghìn/kg). Nhờ có cây nghệ, gia đình tôi bớt khó khăn hơn trước.

Gia đình ông Lò Văn Ín chăm sóc diện tích nghệ.Ảnh: Báo Lai Châu

Cây nghệ được trồng đại trà trên địa bàn xã Lùng Thàng cách đây 3 năm và diện tích năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2019, xã có khoảng 200 hộ trồng trên diện tích 110ha, tập trung chủ yếu tại các bản: Can Hồ, Nậm Bó, Lùng Cù, Pa Pao… với 2 giống nghệ đen và nghệ vàng, mỗi hécta cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, hiện nay cây nghệ đang là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập cao trên địa bàn xã.

Nậm Bó được xác định là bản có diện tích nghệ lớn nhất xã trong năm 2019 gồm 30 hộ trồng trên diện tích 70ha. Những năm trước, kinh tế của bản chủ yếu là trồng cây lương thực và chăn nuôi. Do trình độ canh tác thấp, diện tích nương trồng ngô, sắn bạc màu khiến năng suất giảm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng nghệ, bản vận động bà con chuyển đổi phần lớn diện tích sang trồng nghệ.

Anh Phan Văn Vàng – Trưởng bản Nậm Bó cho biết thêm: Bản có 114 hộ dân, bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Trong 3 năm nay, nghệ đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của bản. Năm 2018, có hộ thu nhập cao nhất từ bán nghệ là 70 triệu đồng, hộ ít cũng được 20 triệu đồng. Nhờ đó, giảm được 4 hộ nghèo, hiện còn 8 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 23 triệu đồng.

Ông Phạm Bá Hùng – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giúp xã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2019, chúng tôi xác định trồng nghệ là một trong hướng phát triển kinh tế trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 21 triệu đồng và phấn đấu đến cuối năm nay phải tăng lên 32 triệu đồng. Đạt được mục tiêu này, ngoài vận động người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chính quyền cũng khuyến khích bà con phát triển cây nghệ. Để cây trồng này mang lại thu nhập cao và ổn định, chúng tôi sẽ họp bàn, đề ra các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng và kiến nghị cấp trên có hướng giải quyết đầu ra tốt hơn.

Chợ Mới: Trồng bí đỏ hồ lô đem lại hiệu quả kinh tế cao

Đầu năm 2019, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã phối hợp với Trường Đại học Nông- Lâm Thái Nguyên triển khai mô hình trồng cây bí đỏ hồ lô tại thị trấn Chợ Mới. Sau gần 3 tháng thực hiện, mô hình được đánh giá là hiệu quả, năng suất đạt cao, tiêu thụ thuận lợi, người dân rất phấn khởi.

Mô hình trồng bí đỏ hồ lô ở thị trấn Chợ Mới bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Báo Bắc Kạn.

Mô hình triển khai trên diện tích 7.000m2 tại 6 hộ gia đình của tổ 1, thị trấn Chợ Mới, Trường Đại học Nông lâm hỗ trợ giá cây giống, vật tư nông nghiệp và kỹ thuật. Mô hình được giao cho Tổ hợp tác rau an toàn của HTX An Thịnh quản lý.

Sau gần 3 tháng, mô hình đã cho thu hoạch, được đơn vị bao tiêu đến thu mua.Giá bán bí đỏ hồ lô từ 7.000- 7.500đ/kg, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân. Điều đáng mừng là quả bí đỏ hồ lô đã được Phòng NN và PTNT liên kết với một cơ sở tư nhân (Hà Nội) bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Vì vậy thu hoạch bí đến đâu là tư thương đến thu mua hết đến đấy, bà con rất phấn khởi trước vụ bí được thử nghiệm thành công.

Bà Lê Thị Sơn trồng thử nghiệm 4.000m2, hiện đã thu hoạch được lứa thứ 2, sản lượng đạt khoảng 3 tấn. Dự kiến vụ này gia đình thu về khoảng 30 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng cây ngô. So với các loại bí khác, bí đỏ hồ lô dễ trồng, trồng được quanh năm, nhưng hợp nhất là vụ đông- xuân, nếu trồng trái vụ thì giá thành có thể cao hơn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quy, Chủ tịch HND thị trấn Chợ Mới cho biết: Quả bí đỏ hồ lô của tổ hợp tác được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Bắc Kạn cấp chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

V.N (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-tay-bac-muong-la-vao-vu-mit-post28162.html