Tin NN Tây Nguyên: Đắk Lắk thận trọng khi mở rộng diện tích sachi

Nên cân nhắc khi mở rộng diện tích sachi; thanh long rớt giá thê thảm còn 2 -3.000 đồng/kg; tiêu chết hàng loạt, người dân điêu đứng, phải bỏ nhà đi... là tin nông nghiệp đấng chú ý ở Tây Nguyên tuần qua.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp (bên phải), thăm vườn sachi bà Nguyễn Thị Hậu.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân xã Cư Huê, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã chọn trồng cây sachi trên những diện tích tiêu chết hay cà phê già cỗi, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.

Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Ea Cung là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sachi trên địa bàn xã. Trước đây, bà có 6 sào đất trồng cà phê và tiêu, nhưng hiệu quả kém

Đang loay hoay chưa biết chuyển đổi sang cây gì, theo giới thiệu của một công ty, bà biết đến cây sachi. Tháng 6-2017, bà Hậu quyết định cải tạo vườn, chuyển sang trồng 800 cây sachi.

Do tận dụng những trụ tiêu trước đó để cho sachi leo, nên chi phí chỉ tốn 2 - 3 triệu đồng/sào. Trong suốt thời gian sinh trưởng, bà thường xuyên bấm ngọn cho cây ra nhánh, đồng thời tỉa cành để tạo giàn cho cây.

Sau 4 tháng, sachi bắt đầu ra hoa và đến tháng thứ 8 thì cho thu hoạch. Lứa đầu tiên, thu được 5 tạ quả khô, với giá 90 - 100.000 đồng/kg, giúp bà thu hồi vốn và đã có lời. Hiện, vườn sachi của bà Hậu đang bước vào vụ thu hoạch thứ hai, ước sản lượng đạt 1 tấn quả khô.

Thấy trồng sacchi đầu tư, chăm sóc ít hơn so cà phê, tiêu nhưng hiệu quả cao hơn, nên bà đã ươm giống và trồng thêm 200 cây nữa. Theo bà Hậu, sachi là loại cây không đòi hỏi nhiều dinh dưỡng, sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần bón một ít phân vi sinh (1 tạ/ha) để tăng năng suất, chất lượng hạt.

Cũng như bà Hậu, với 1 ha đất hồ tiêu chết, anh Nguyễn Tất Biên, Sơn Lộc đã thay thế bằng 1.000 cây sachi. Tháng 3/2018, đã có 300 cây cho thu hoạch, giúp anh có lãi gần 30 triệu đồng.

Hiện, cứ cách 1 ngày, anh Biên lại thu một lượt 30 kg quả khô, có lái buôn vào tận nhà mua với giá 40.000 đồng/kg, giúp anh có tiền tươi mỗi ngày. Anh Biên cho biết: “Sachi ra hoa và tạo quả liên tục, và thời gian khai thác từ 10 - 20 năm. Quả chín khô trên cây nhưng không hề rụng, nên không bắt buộc phải thu hoạch ngay”.

Thấy cây sachi phát triển nhanh, khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, mặc dù trồng trên những trụ tiêu đã chết hay đất cũ bạc màu, nên nhiều hộ dân xã Cư Huê đã đổ xô trồng.

Theo đó, người dân Cư Huê biết đến cây sachi từ khi Công ty Công nghệ mới (TP. Hồ Chí Minh) khảo sát và triển khai trồng thí điểm cho 10 hộ dân, với diện tích 3 ha. Tháng 2-2017, Công ty đã ký hợp đồng, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg hạt, cho bà con trong dự án.

Tuy nhiên, khi sachi bắt đầu thu hoạch thì bà con lại phá vỡ hợp đồng, không bán cho Công ty như cam kết, mà bán cho thương lái vì giá thu mua của Công ty thấp hơn nhiều so thị trường.

Ông Nguyễn Văn Non, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Huê cho biết, sachi là cây trồng mới tại địa phương, bước đầu cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập cao hơn so với cây trồng khác. Song, đầu ra của sản phẩm đang phụ thuộc vào sức mua của thương lái, giá cả lại biến động liên tục, nên chúng tôi khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên mở rộng diện tích ồ ạt khi chưa có đầu ra ổn định, tránh thiệt hại đáng tiếc.

Buôn Ma Thuột: Nông dân điêu đứng vì thanh long rớt giá

Đang vào thời điểm thu hoạch lứa cuối chính vụ, nhưng đã gần một tháng nay, người trồng thanh long ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), đứng ngồi không yên, vì thanh long “rớt giá” thê thảm.

Nông dân không mặn mà khi thu hoạch thanh long

Ông Mai Sỹ Ánh, thôn 3, có 800 trụ thanh long, than thở: “Cách đây một tháng, thanh long dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg, nhưng nay thương lái chỉ mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg. Do giá quá thấp, chẳng bù công thu hoạch, lại khó tiêu thụ, nên ông không mặn mà với việc thu hái. Số thanh long còn lại, tôi vẫn đang neo trái trên cây”.

Theo ông Ánh, 1 ha thanh long chi phí đầu tư trên 80 triệu đồng. Do đó, phải có giá 8.000-10.000 đồng/kg thì mới có lãi. Song, đã sắp hết vụ, mà giá như hiện tại, ông sẽ không thu đủ vốn đầu tư.

Nhiều nhà vườn cho biết, mọi năm giá thanh long thấp nhất cũng chỉ 8.000 đồng/kg, không giảm đến mức kỷ lục như hiện nay. Vì vậy, đành chấp nhận bán giá thấp, để giảm chi phí đợt chong điện nghịch vụ.

Tượng tự như vậy, anh Khai có 400 trụ thanh long, thu hoạch rộ cách đây 3 tuần,với mức 5.000 đồng/kg. Không thể để trái chín nứt trên cây, anh đành chấp nhận bán lỗ để tái đầu tư vụ mới. Dù giá thấp, song anh vẫn tích cực chăm chút kỹ lưỡng, để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2019, với kỳ vọng giá cả sẽ khả quan hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur, cây thanh long phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên được người dân trồng nhiều trong 3 năm trở lại đây. Những năm trước, giá thanh long trên thị trường lúc tăng, lúc giảm, nhưng chưa khi nào thấp như thời điểm này.

Thanh long hiện đã vào cuối vụ, chỉ còn một đợt thu hoạch nữa là dứt, nhưng giá liên tục giảm, kéo dài trong suốt mùa thu hoạch, đã khiến nhiều hộ chuyên canh lỗ nặng.

Từ thực tế trên, địa phương khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích, nên đầu tư, chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích hiện có để tránh rủi ro.

Đắk Song: Nông dân “tiêu” vì tiêu

Từ đầu tháng 9 trở lại đây, tại các vùng trồng hồ tiêu huyện Đắk Song (Đắk Nông) người dân như ngồi trên đống lửa, vì cây tiêu đang nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh mất trắng, nợ nần chồng chất.

Bà con Đắk Song cưa bỏ hàng ngàn trụ tiêu

Nhìn vườn tiêu chết khô, ông Nguyễn Văn Thu, xã Đắk N’Drung (Đắk Song), cho biết, cách đây 5 năm, thấy giá hồ tiêu cao, ông đã phá bỏ cà phê, trồng 1.400 trụ hồ tiêu. Ngoài vốn tích lũy, ông còn thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng 250 triệu đồng để trồng tiêu.

Năm 2017, khi hồ tiêu cho thu bói thì giá cả “lao dốc”. Năm nay bắt đầu vào vụ chính, bỗng dưng tiêu vàng lá rồi chết sạch. Từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá, đến chết khô chỉ diễn ra khoảng một tuần, khiến ông không kịp trở tay. Bao nhiêu công sức, vốn liếng tiêu tan. Tiêu chết, ông chưa biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng.

Cạnh rẫy ông Thu, hơn 1.700 trụ tiêu năm thứ 7 của ông Nguyễn Hữu Hương cũng chết khô. Lúc đầu, tiêu xuất hiện tình trạng cháy nửa lá, sau đó vài ngày thì chết rũ toàn bộ. Để cứu vườn tiêu, ông mời các kỹ sư về tư vấn, và mua gần 50 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật để phun, song, không hiệu quả. “chúng tôi đã bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư, chưa kịp thu hồi vốn thì tiêu chết sạch, thế là trắng tay”- Ông Thu chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’drung, cho hay: Thôn có khoảng 700 ha hồ tiêu, những năm trước, giá hồ tiêu tăng cao, ổn định nên người dân ồ ạt trồng, bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Hệ lụy nữa là, dịch bệnh bùng phát, làm tiêu chết ồ ạt, cùng với việc liên tục rớt giá, khiến nhiều nông dân lâm vào nợ nần; hiện, trong thôn đã có 3 hộ bỏ đi khỏi địa phương. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo Phòng Nông nghiệp Đắk Song, toàn huyện có hơn 15.200 ha hồ tiêu, chiếm một nửa diện tích tiêu toàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.700 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh đen lá; trong đó có 209 ha đã chết hoàn toàn.

Dự báo, thời gian tới, diện tích tiêu chết có thể tăng rất nhanh vì một số khu vực, đang có dấu hiệu lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Nguyên nhân do năm nay mưa nhiều, mặt khác, trong canh tác, bà con quá lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn còn khuyến cáo nông dân không nên trồng lại cây hồ tiêu ngay, trên diện tích đất hồ tiêu vừa bị chết, mà nên trồng cà phê, hoặc các loại cây ăn trái khác, để trách thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.

Hiện, Phòng nông nghiệp huyện đang thống kê diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và chết để báo cáo UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm có giải pháp hỗ trợ, xử lý tình trạng dịch bệnh đang lan rộng trên hồ tiêu.

Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Nông, chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để bà con vượt qua khó khăn, kịp khôi phục sản xuất.

.

An Như (tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/tin-nn-tay-nguyen-dak-lak-than-trong-khi-mo-rong-dien-tich-sachi-post23081.html