Tin thế giới 13/4: Ukraine cầu viện NATO; Nga cảnh cáo Mỹ; Trung Quốc 'đe' Mỹ 'đừng đùa với lửa'; Philippines 'vô cùng bất bình' ở Biển Đông

Căng thẳng Nga-Ukraine và tình hình Donbass kéo theo những 'đối đáp' giữa Nga với NATO và Mỹ, vấn đề Đài Loan và quan hệ Mỹ-Trung, Biển Đông, căng thẳng Iran-Israel và sự cố ở cơ sở hạt nhân Natanz, Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển...là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Ukraine 'cầu viện' phương Tây và NATO, hối thúc tiếp tục trừng phạt Nga

Ngày 13/4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây phải hành động nhanh chóng với "các biện pháp răn đe Nga và kiềm chế các ý định gây hấn của họ".

Theo ông Kuleba, NATO và phương Tây có thể áp đặt một vòng trừng phạt mới nhằm "làm tăng cái giá phải trả cho sự hung hăng của Moscow, có thể là sự hỗ trợ trực tiếp nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine".

Theo nhà ngoại giao Ukraine, Nga đang không ngừng nỗ lực ngăn cản các nước thứ 3 hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng và "dốc sức làm suy yếu năng lực quốc phòng" của Ukraine. (Reuters)

NATO yêu cầu Nga "ngừng ngay" khiêu khích, lập tức xuống thang

Ngày 13/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng, trong những tuần gần đây, Nga đã tiến hành đợt tăng quân lớn nhất kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, điều động hàng nghìn binh sĩ sẵn sàng tác chiến tới các khu vực biên giới của Ukraine.

Theo ông Stoltenberg: "Nga phải chấm dứt hoạt động tăng cường quân sự này ở trong và xung quanh Ukraine, ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích và xuống thang".

Ông Stoltenberg cũng khẳng định, chính liên minh quân sự này, chứ không phải Nga, sẽ quyết định liệu Ukraine có được gia nhập NATO trong tương lai hay không và "không ai khác có quyền tìm cách can thiệp hoặc xen vào tiến trình đó".

Theo quan chức này: "Nga đang tìm cách tái thiết lập một số kiểu phạm vi ảnh hưởng để quyết định những gì các nước láng giềng được phép thực hiện".

Ngày 14/4, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của các nước thành viên NATO sẽ tổ chức một cuộc họp theo hình thức trực tuyến về Ukraine dưới sự chủ trì của ông Stoltenberg. (Reuters)

Nga cảnh cáo Mỹ

Ngày 13/4, các hãng tin Nga dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, việc Mỹ tích cực hỗ trợ quân sự cho Kiev là một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Nga.

Bộ này đồng thời cáo buộc Washington và NATO đang biến Ukraine thành một "thùng thuốc súng" với việc gia tăng nguồn cung vũ khí.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ, Moscow sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo an ninh của mình trong trường hợp leo thang ở Ukraine.

Ông Ryabkov cũng cảnh báo, Mỹ phải đảm bảo các tàu chiến của họ tránh xa Crimea, đồng thời xem việc triển khai những tàu này ở Biển Đen là hành động "gây hấn" nhằm thử thách dũng khí của Nga. (Reuters)

Vấn đề Iran:

Sự cố nhà máy hạt nhân Natanz: Iran gọi là "canh bạc tồi"

Ngày 13/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, vụ tấn công của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz của Iran là một “canh bạc tồi”.

Ông cho rằng, vụ việc sẽ giúp nâng cao vị thế của Tehran trong các cuộc đàm phán với các cường quốc nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Mỹ đã rút khỏi cách đây 3 năm.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Iran Zarif nói: “Tôi đảm bảo rằng trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều máy ly tâm làm giàu uranium tiên tiến được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz… Israel nghĩ rằng vụ tấn công sẽ khiến chúng tôi yếu thế trong các cuộc đàm phán tại Vienna nhưng ngược lại, nó sẽ nâng cao vị thế của chúng tôi”. (Reuters)

EU áp trừng phạt mới, Iran đình chỉ hợp tác với EU

Ngày 12/4, Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung 8 quan chức an ninh Iran, trong đó có lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng 3 thực thể vào danh sách đen trừng phạt do liên quan đến chiến dịch đàn áp biểu tình năm 2019.

Bộ Ngoại giao Iran ngày 12/4 tuyên bố Tehran sẽ đình chỉ hợp tác với EU trong những lĩnh vực khác nhau nhằm đáp trả động thái này. (AFP)

Vấn đề Đài Loan: Trung Quốc "đe" Mỹ "đừng đùa với lửa"

Ngày 13/4, Trung Quốc hối thúc Mỹ "không đùa với lửa" về vấn đề Đài Loan, sau khi nước này ban hành hướng dẫn mới cho phép các quan chức Mỹ gặp các quan chức từ Đài Loan một cách tự do hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ mọi hình thức liên lạc chính thức giữa Mỹ và Đài Loan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quan chức Mỹ gặp gỡ các đại điện của Đài Loan, bất chấp sức ép của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng tăng cao.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cảnh báo, Trung Quốc đang "ngày càng gia tăng hành động hiếu chiến" nhằm cố gắng thay đổi hiện trạng xung quanh Đài Loan, đồng thời khẳng định việc làm này sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng". (Reuters, AFP)

Vấn đề Hong Kong: Công bố dự thảo sửa đổi hệ thống bầu cử năm 2021

Ngày 13/4, Trưởng Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tổ chức họp báo để công bố nội dung dự thảo Điều lệ sửa đổi cải thiện hệ thống bầu cử năm 2021.

Nội dung của dự thảo được công bố gồm: 5 khu vực bầu cử trước đây sẽ tách thành 10 quận, mỗi quận chiếm hai ghế; số ghế bầu trực tiếp tại Hội đồng lập pháp quận giảm xuống còn 20 ghế…

Chính quyền Hong Kong cho biết, việc phân chia lại cuộc bầu cử này không theo thông lệ, do ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm và tư vấn, nhưng vẫn được tiến hành theo các nguyên tắc đã được thiết lập.

Hội đồng Lập pháp Hong Kong sẽ lần đầu tiên đọc Dự luật sửa đổi “Cải thiện hệ thống bầu cử năm 2021” vào ngày mai (14/4). (Bloomberg)

Tình hình Myanmar: LHQ lo ngại nội chiến

Ngày 13/4, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại tình hình tại Myanmar có nguy cơ leo thang thành một cuộc nội chiến như tại Syria.

Trong một thông báo, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cho rằng, đã có 3.080 người bị bắt cùng các thông tin về việc 23 người bị kết án tử hình trong các phiên tòa bí mật kể từ sau chính biến ngày 1/2.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại là “không đủ” và kêu gọi các nước cần gây áp lực với quân đội Myanmar để không lặp lại “sai lầm chết người trước đây tại Syria và các nơi khác”. (Reuters)

Biển Đông: Philippines triệu Đại sứ Trung Quốc, thể hiện "vô cùng bất bình"

Ngày 13/4, Philippines cho biết, đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này để thể hiện thái độ “vô cùng bất bình” của Manila trước việc các tàu của Bắc Kinh vẫn hiện diện tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines, Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên đã được triệu tới hôm 12/4 và nhận thông báo về việc Bắc Kinh phải rút ngay lập tức tất cả tàu của mình khỏi khu vực Đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). (Reuters)

Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển: Trung Quốc thúc giục Mỹ xem xét

Ngày 13/4, Nhật Bản đã chính thức quyết định xả 1,25 tấn nước nhiễm phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Ngay lập tức, Hàn Quốc và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, trong khi Mỹ bày tỏ "thông cảm" với quyết định của Tokyo, cho rằng việc xả thải là "minh bạch" và "dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu".

Mới đây nhất, Trung Quốc thúc giục Mỹ cần xem xét quyết định của Nhật Bản phù hợp với thực tế, thay vì theo ý chí của quốc gia sẽ thực hiện động thái này.

Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Các nhà chức trách và chuyên gia quốc tế đã chỉ rõ rằng việc xả nước thải nhiễm tritium từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển và sức khỏe cộng đồng của các nước láng giềng”.

Ông Triệu lưu ý thêm rằng nước thải cần phải được làm sạch và xử lý thêm. (THX)

Mỹ thông báo sẽ triển khai thêm 500 quân tại Đức

Ngày 13/4, trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, Washington sẽ triển khai lâu dài thêm 500 binh sĩ tại Đức nhằm tăng cường quan hệ song phương.

Dự kiến, kế hoạch trên sẽ được thực hiện sớm nhất vào mùa Thu này.

Theo ông Austin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dừng kế hoạch rút quân khỏi Đức của chính quyền tiền nhiệm và việc bổ sung lực lượng mới của Mỹ tại Đức phản ánh tầm quan hệ đối tác song phương cũng như cam kết của Washinhton đối với NATO.

Cũng tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, Mỹ sẽ không để bất đồng liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cản trở mối quan hệ "lớn" giữa Washington - Berlin. Ông Austin một lần nữa bày tỏ sự phản đối đối với dự án trên, cũng như sự ảnh hưởng của nó. (Reuters, AFP)

Đức-Nhật Bản bắt đầu đối thoại 2+2

Ngày 13/4, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước Nhật Bản, Đức đã bắt đầu cuộc đối thoại 2+2 theo hình thức trực tuyên, trong đó mỗi nước khẳng định hợp tác an ninh song phương nhằm đối phó với sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Hai bên dự kiến chia sẻ quan điểm về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh đang gia tăng các tuyên bố về lãnh thổ. Các nhà lãnh đạo cũng dự kiến thảo luận về vấn đề Triều Tiên. (Kyodo)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-134-ukraine-cau-vien-nato-nga-canh-cao-my-trung-quoc-de-my-dung-dua-voi-lua-philippines-vo-cung-bat-binh-o-bien-dong-142171.html