Tin thế giới 17/2: Lầu Năm Góc tuyên bố Nga là mối đe dọa; Iran có nước đi thách thức, nói 'hãy hành động'; Động thái lạ ở Triều Tiên

Quan hệ Nga-Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran, Biển Đông, đảo chính ở Myanmar, quan hệ của Washington với một số quốc gia Trung Đông thời Tổng thống Biden, cuộc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Nga-Mỹ

Lầu Năm Góc: Nga là mối đe dọa với tất cả các thành viên NATO

Ngày 16/2, bản ghi cuộc họp báo của một phát ngôn viên Lầu Năm Góc được công bố trên trang web Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: “Nga là mối đe dọa rõ ràng đối với tất cả các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kể cả Mỹ".

Theo người phát ngôn này, Nga "làm giảm sự minh bạch và khả năng dự báo. Họ sử dụng vũ lực để đạt được các mục đích của mình. Họ ủng hộ các nhóm ủy nhiệm và gây ra hỗn loạn và nghi ngờ, phá hoại trật tự quốc tế”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho hay, chính quyền Mỹ có ý định thúc đẩy lợi ích của mình đồng thời buộc Nga phải "chịu trách nhiệm về những hành động liều lĩnh và hiếu chiến của họ”.

“Tôi cho rằng chúng ta thấy ý định của Nga muốn phá hoại an ninh và ổn định trên toàn thế giới bằng cách tiếp cận độc đoán của mình. Chúng ta cũng thấy điều này trong sự hợp tác giữa Nga với Trung Quốc", phát ngôn viên này nói. (TASS)

Mỹ tìm cách làm việc với Nga 'trên cả hai mặt trận'

Ngày 16/2, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, khi nói về quan hệ với Nga, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã liệt kê loạt bất đồng giữa hai nước, bao gồm vụ đầu độc nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny, các cuộc tấn công mạng, tình hình Ukraine và việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Tuy nhiên, ông Blinken cho rằng, Mỹ-Nga vẫn có thể hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và Washington cần làm việc với Moscow "trên cả hai mặt trận", một mặt vừa để tăng cường ổn định chiến lược, mặt khác nhằm đối phó với thách thức từ Nga.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, sau khi ký gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), Washington sẽ xem xét các phương án khác, "ngay cả khi chúng ta hiểu rõ rằng các hành động Nga đang thực hiện, kể cả ở Ukraine ... là những thách thức đối với lợi ích và giá trị của chúng ta”.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp Mỹ Blinken và khẳng định, Moscow sẵn sàng đối thoại và bình thường hóa quan hệ với Washington. (TASS)

Tổng thống Mỹ nói Dòng chảy phương Bắc 2 là thỏa thuận tồi tệ

Ngày 16/2, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng, dự án đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 2 là thỏa thuận tồi tệ đối với châu Âu.

Tổng thống Biden sẽ đưa ra quyết định liệu có áp đặt trừng phạt hay không để ngăn chặn dự án đường ống chạy từ Nga tới Đức này.

Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang tiến hành đánh giá dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. (Reuters)

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Mặc Đức cảnh báo, Iran thông báo ngừng các cuộc thanh sát của IAEA từ 23/2

Ngày 16/2, sau khi Đức ra cảnh báo Iran không ngăn cản các thanh sát viên hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tehran đã gửi thông báo đến cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc này về việc tạm dừng các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất bên ngoài các địa điểm được Tehran công bố từ ngày 23/2.

Động thái này được xem là một thách thức đối với hy vọng về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tái tham gia thỏa thuận này. (Reuters)

Mỹ nói sẵn sàng đối thoại, Iran 'đòi' hành động cụ thể

Ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, "con đường ngoại giao hiện đã mở" với Iran, tuy nhiên khẳng định Tehran vẫn chưa tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và Washington "sẽ phải theo dõi những việc họ làm".

Trong khi đó, ngày 17/2, lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố, Iran muốn thấy "hành động chứ không phải lời nói suông" từ các bên tham gia ký thỏa thuận này năm 2015.

Trong bài phát biểu được phát sóng truyền hình, ông Khamenei nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nghe thấy nhiều lời nói tốt đẹp và lời hứa nhưng chúng tôi chỉ thấy những hành động ngược lại... Lần này (chúng tôi muốn) hành động từ các bên và chúng tôi cũng sẽ hành động". (Reuters)

Biển Đông: Mỹ tiếp tục "nắn gân" Trung Quốc

Ngày 17/2, tàu khu trục USS Russell của Hải quân Mỹ đã đi qua các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong một chiến dịch tự do hàng hải, đánh dấu động thái mới nhất của Washington thách thức tuyên bố lãnh thổ của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp này.

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục USS Russell "đã khẳng định các quyền và sự tự do hàng hải ở Quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế". (Reuters)

Bán đảo Triều Tiên

Động thái lạ của truyền thông nhà nước Triều Tiên

Ngày 11/2, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA lần đầu tiên sử dụng từ "President" trong một bài báo tiếng Anh đăng ngày 11/2 khi đưa tin về thông điệp của các nhà lãnh đạo Cuba gửi tới ông Kim Jong-un.

Sau đó, ngày 16/2, KCNA cũng gọi ông Kim là "President" khi đưa tin chuyến viếng thăm cung Thái Dương nhân dịp sinh nhật lần thứ 79 của ông Kim Jong-il, người cha quá cố của ông Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un cũng được bầu và gọi là "Tổng Bí thư" đảng Lao động cầm quyền trong Đại hội đảng Lao động tháng trước.

Chức danh "President" được sử dụng để gọi các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia dân chủ và cả ở Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, ở Triều Tiên, chức danh này trước đây được dành cho ông Kim Nhật Thành, nhà sáng lập Triều Tiên quá cố và là ông nội của ông Kim Jong-un. (Yonhap)

Triều Tiên mở rộng các cơ sở phát triển tên lửa

Ngày 17/2, trong báo cáo trình Ủy ban quốc phòng Quốc hội, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang mở rộng các cơ sở phát triển tên lửa song không có dấu hiệu bất thường nào tại bãi thử hạt nhân đã bị dỡ bỏ hay lò phản ứng sản xuất plutonium đã dừng hoạt động tại Triều Tiên.

Trong bối cảnh các cuộc đối thoại về vấn đề hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ đang đóng băng, Bình Nhưỡng đang tăng cường phát triển tên lửa và các vũ khí truyền thống khác và đã trình làng một số tên lửa đạn đạo mới từ năm 2019 đến nay.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết thêm: “Bằng cách trình làng các loại tên lửa đạn đạo và các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới, Triều Tiên mong muốn thể hiện năng lực phòng thủ của đất nước và niềm kiêu hãnh của chế độ”. (Yonhap)

Tình hình Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội, Mỹ lo ngại, Anh lên án

Luật sư của bà Suu Kyi cho biết, cảnh sát đã đưa ra thêm cáo buộc với nhà lãnh đạo dân sự Myanmar rằng, bà vi phạm Luật Kiểm soát thiên tai, sau khi bị cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp bộ đàm.

Ngày 16/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, Washington bày tỏ "lo ngại" trước những thông tin về các cáo buộc bổ sung này.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, những cáo buộc mới của quân đội Myanmar nhằm vào bà Aung San Suu Kyi là "bịa đặt".

Viết trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Johnson khẳng định: "Chúng tôi đứng về phía nhân dân Myanmar và sẽ đảm bảo những người gây ra vụ đảo chính phải chịu trách nhiệm trước hành vi của họ".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng đã lên án "những cáo buộc mang động cơ chính trị" nhằm vào bà Aung San Suu Kyi, khẳng định bà cần phải được trả tự do. (Reuters)

Mỹ-Trung Đông

Tổng thống Mỹ sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ với Saudi Arabia

Ngày 16/2, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch điều chỉnh lại mối quan hệ của nước này với Saudi Arabia và sẽ liên lạc với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz, thay vì với Thái tử Mohammed bin Salman.

Phát biểu với phóng viên, nữ phát ngôn viên Psaki cũng cho biết, Tổng thống Biden sẽ sớm tiến hành điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Phát biểu của bà Psaki cho thấy sự thay đổi bất ngờ trong chính sách của ông Biden so với người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump, khi con rể, đồng thời là cố vấn cấp cao của ông Trump là Jared Kushner có quan hệ thân cận với Thái tử Saudi Arabia. (Reuters)

Thủ tướng Israel khẳng định quan hệ tốt đẹp với Mỹ dù 'khác lối' về Iran và Palestine

Ngày 16/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận sự khác biệt giữa ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề Iran và Palestine, nhưng cho rằng, hai bên vẫn có mối quan hệ “vô cùng tốt đẹp”.

Trước đó, có một số đồn đoán cho rằng tân Tổng thống Mỹ Biden có thể đang gửi tín hiệu không hài lòng với mối quan hệ thân thiết giữa Thủ tướng Israel và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo chưa có cuộc điện đàm nào kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Ông Netanyahu đã bác bỏ mọi ý kiến cho rằng ông chủ Nhà Trắng cố tình “làm ngơ” khi không gọi điện cho mình: “Ông ấy sẽ gọi. Chúng tôi có mối quan hệ hữu nghị rất tốt trong gần 40 năm”. (Israel Hayom)

Vụ tấn công ở Iraq: Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả "vào thời điểm thích hợp"

Ngày 16/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Washington vẫn đang nỗ lực cùng các đối tác Iraq xác định chính xác những người phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng rocket nhằm vào các lực lượng do Mỹ dẫn đầu tại miền Bắc Iraq hôm 15/2 khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng và một binh sĩ Mỹ bị thương.

Bà Psaki nhấn mạnh chính quyền Mỹ "tức giận" trước vụ tấn công tại Iraq và Nhà Trắng khẳng định sẽ “bảo lưu quyền đáp trả vào thời gian và địa điểm thích hợp”. (Reuters)

Điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2: Anh muốn Trung Quốc hợp tác với WHO

Ngày 17/2, Anh cho rằng, Trung Quốc phải hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Phát biểu với đài BBC, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Chúng tôi muốn chứng kiến sự hợp tác đầy đủ".

Ông Raab nhấn mạnh, thế giới cần biết chi tiết về nguồn gốc của dịch bệnh "vì sau đó vấn đề trách nhiệm có thể được giải quyết một cách thẳng thắn theo mong đợi, vì vậy chúng ta có thể rút ra bài học". (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-172-lau-nam-goc-tuyen-bo-nga-la-moi-de-doa-iran-co-nuoc-di-thach-thuc-noi-hay-hanh-dong-dong-thai-la-o-trieu-tien-136902.html