Tin thế giới 21/11: Ukraine khẳng định cứng rắn, NATO nêu nguy cơ từ Trung Quốc, động đất ở Indonesia

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về lúa mỳ, Trung Quốc phủ nhận sự cố với Philippines ở Biển Đông, Ba Lan nhận hệ thống phòng không từ Đức… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Người dân di chuyển ra khỏi tòa nhà tại Jakarta, Indonesia sau khi có thông báo về vụ động đất 5,6 độ Richter. (Nguồn: Reuters)

Người dân di chuyển ra khỏi tòa nhà tại Jakarta, Indonesia sau khi có thông báo về vụ động đất 5,6 độ Richter. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Tổng thống Zelensky: Ukraine ‘không thể không có tự do’: trong bài phát biểu qua video nhân kỷ niệm Ngày Nhân phẩm và Tự do hàng năm 21/11 của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ca ngợi những đóng góp của người dân Ukraine, từ binh sĩ, lính cứu hỏa, cho tới y sĩ, giáo viên, nông dân... Nhà lãnh đạo này đánh giá cao sức chiến đấu của họ, bất chấp những đợt tấn công bằng tên lửa tàn phá cơ sở hạ tầng, tình trạng thiếu hụt và mất điện luân phiên khi mùa Đông cận kề trong suốt gần 9 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Ông khẳng định: “Chúng ta có thể không có tiền. Không có xăng. Không có nước nóng. Không có ánh sáng. Nhưng không thể không có tự do”. Ông Zelensky nhấn mạnh trong tương lai, người dân Ukraine sẽ tụ tập tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev - “nơi chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Ukraine. Tại thủ đô Kiev yên bình, trên đất nước Ukraine yên bình”, ông nói.

Ngày Nhân phẩm và Tự do đánh dấu làn sóng biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn 2013-2014 hay Cách mạng Maidan, và Cách mạng Cam năm 2004. Cả hai cuộc cách mạng này đều dẫn đến sự thay đổi lãnh đạo ở Kiev. (Reuters)

* Điện Kremlin quyết trừng phạt đối tượng liên quan vụ hành quyết tù binh Nga: Phát biểu ngày 21/11, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định: “Tất nhiên, Nga sẽ tự truy tìm những đối tượng phạm tội này. Phải tìm ra và trừng phạt chúng… Moscow sẽ làm mọi việc trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế để thu hút sự chú ý đến tội ác này”.

Trước đó, ngày 18/11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hơn 10 tù binh nước này đã bị Ukraine hành quyết. Bộ này nhận định đoạn video cho thấy “hành động sát hại có chủ ý” của Kiev. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời giải thích các những người thiệt mạng đã bị bắn sau khi giả vờ đầu hàng. (AFP)

Trong một tin liên quan, cùng ngày, trả lời câu hỏi kế hoạch cho đợt động viên quân sự mới, ông Peskov nêu rõ: “Tôi không thể thông báo thay cho Bộ Quốc phòng, nhưng hiện không có cuộc thảo luận nào ở Điện Kremlin về việc này.” (AFP/Reuters)

* Tây Ban Nha sẽ triển khai cảnh sát ở Ukraine để hỗ trợ điều tra “tội ác chiến tranh”: Ngày 21/11, phát biểu tại Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Madrid (Tây Ban Nha), Thủ tướng nước này Pedro Sanchez tuyên bố sẽ triển khai lực lượng cảnh sát tới Ukraine trong vài tuần tới để giúp điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh.

Cụ thể, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết một phái đoàn tiền trạm gồm các quan chức thuộc lực lượng cảnh sát nước này đã tới Kiev để gặp đại diện Văn phòng Tổng công tố Ukraine. Ban đầu, hai bên đã xây dựng các điều khoản hợp tác và xác định lĩnh vực triển khai. Dự kiến, các sĩ quan Tây Ban Nha sẽ hợp tác cùng các nhà điều tra và công tố viên Ukraine nhằm thu thập bằng chứng liên quan tới cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Ông Sanchez cũng cho biết một trung tâm huấn luyện mới cho binh lính Ukraine tại Toledo, miền Trung Tây Ban Nha, sẽ bắt đầu hoạt động cuối tháng này. (TTXVN)

* Na Uy hỗ trợ tài chính để cung cấp khí đốt cho Ukraine: Ngày 21/11, Bộ trưởng Tài chính Na Uy Trygve Slagsvoll đã ký thỏa thuận với đại diện Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), qua đó hỗ trợ tài chính trị giá 2 tỷ krone (khoảng 195 triệu USD) để cung cấp năng lượng cho Ukraine. Ông Slagsvoll nhấn mạnh: “Điều quan trọng là khoản hỗ trợ được cung cấp thông qua một tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đảm bảo việc sử dụng quỹ một cách hiệu quả và minh bạch”. (TTXVN)

Châu Âu

* NATO: Trung Quốc muốn kiểm soát công nghiệp chủ chốt của phương Tây: Ngày 21/11, phát biểu trong chuyến công du Tây Ban Nha, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo: “Chúng tôi thấy Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng, các chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp chủ chốt của chúng ta. Không thể trao cho họ bất kỳ cơ hội nào để khai thác lỗ hổng và làm suy yếu chúng ta”. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cung cấp bột mì miễn phí cho các nước kém phát triển: Ngày 21/11, Đài Haberturk (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan xác nhận ông đã đạt được thỏa thuận về lúa mì với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhập khẩu lúa mì từ Nga để sản xuất bột mì và cung cấp miễn phí cho các nước kém phát triển nhằm xoa dịu khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trước đó, ngày 17/11 vừa qua, Nga và Ukraine nhất trí gia hạn thêm 120 ngày thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, được hai nước ký riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho các thị trường trên toàn cầu trong bối cảnh xung đột giữa hai nước tiếp diễn. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận trên, có tên gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhấn mạnh thỏa thuận giúp thế giới “tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu”. (Reuters)

* Ba Lan tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot từ Đức: Ngày 21/11, viết trên Twitter, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết: “Tôi vui mừng chấp nhận lời đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Đức về việc triển khai thêm các khẩu đội tên lửa Patriot ở Ba Lan”. Ông cũng cho biết sẽ điện đàm với phía Đức trong ngày để thảo luận về kế hoạch chuyển giao và đề nghị triển khai các hệ thống tên lửa này gần biên giới với Ukraine. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã đưa ra lời đề nghị cung cấp hệ thống phòng không sau vụ tên lửa rơi xuống làng Przewodów, miền Đông Ba Lan, khiến 2 người thiệt mạng.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, NATO đã tăng cường năng lực phòng không ở châu Âu. Giữa tháng Mười, 14 quốc gia NATO và Phần Lan đã tham gia sáng kiến “Lá chắn bầu trời châu Âu” của Đức và ký tuyên bố về kế hoạch mua chung các hệ thống phòng không. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc bác cáo buộc sử dụng vũ lực để thu giữ mảnh vỡ tên lửa ở Biển Đông: Ngày 21/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lên tiếng bác bỏ cáo buộc một tàu thuộc lực lượng hải cảnh nước này đã sử dụng vũ lực để thu hồi vật thể được cho là mảnh vỡ tên lửa đang được một tàu Philippines lai dắt đến một hòn đảo trên Biển Đông.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh khẳng định vật thể trên là mảnh vỡ từ lớp vỏ bảo vệ trọng tải của tên lửa, còn được gọi là mũi hình nón, do Trung Quốc phóng thử. Người phát ngôn Trung Quốc nhấn mạnh: “Chính lực lượng Philippines đã trục vớt và lai dắt vật nổi trước tiên. Sau khi hai bên có màn thương lượng hữu nghị tại hiện trường, phía Philippines đã bàn giao vật thể cho chúng tôi. Đó không phải tình huống mà chúng tôi phục kích và cố giữ lấy vật thể này”.

Trước đó cùng ngày, một chỉ huy quân sự Philippines cho rằng tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc “đã mạnh tay thu giữ” vật thể trên bằng cách cắt dây buộc với tàu lai dắt của Philippines. (Reuters)

Đông Nam Á

* Động đất ở Indonesia, gần 750 người thương vong: Động đất mạnh 5,6 độ Richter chiều ngày 21/11 ở thị trấn Cianjur, Tây Java, Indonesia đã khiến ít nhất 46 người thiệt mạng, hơn 700 người khác bị thương.

Kênh tin tức MetroTV (Indonesia) dẫn lời ông Herman Suherman, quan chức chính quyền thị trấn Cianjur, cho biết đây mới chỉ là thương vong từ một trong tổng số bốn bệnh viện của khu vực này. Hầu hết các nạn nhân bị gãy xương do mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà.

Ông nhấn mạnh rằng số lượng người chết hoặc bị thương có thể sẽ tiếp tục tăng. Đoạn video của MetroTV cho thấy một số công trình tại Cianjur đã chỉ còn là đống đổ nát, trong lúc nhiều người dân cố gắng tránh xa hiện trường.

Theo Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG), trận động đất có độ lớn 5,6 độ xảy ra ở vùng Cianjur thuộc tỉnh Tây Java có tâm chấn sâu 10 km. Rung lắc mạnh cũng cảm nhận được ở thủ đô Jakarta trong vài giây. Nhà chức trách đã sơ tán một số người khỏi các tòa nhà, trong khi các nhân chứng cho biết họ cảm thấy các tòa nhà rung lắc và đồ đạc di chuyển.

Tuy nhiên, BMKG cho biết trận động đất không có khả năng gây sóng thần. Cianjur nằm cách thủ đô Jakarta, Indonesia 75 km về phía Đông Nam. (Reuters)

* Malaysia gia hạn thời gian đề cử ứng viên thủ tướng: Hoàng gia Malaysia đã kéo dài thời hạn để các đảng chính trị nộp danh sách ứng cử viên thủ tướng của họ đến 14h (6h GMT) ngày 22/11. Theo kế hoạch ban đầu, các liên minh cạnh tranh được yêu cầu nộp tên ứng cử viên trước 14h chiều 21/11. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội đã không diễn ra thành công do không có chính đảng nào chiếm đa số phiếu bầu.

Trước đó, ngày 20/11, cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã nhận được sự ủng hộ từ 2 chính đảng khi sau khi không có chính đảng nào chiếm đa số trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua. Việc này sẽ nâng tổng số ghế trong liên minh chính trị của ông từ 73 lên 101, song chưa đủ 112/222 ghế cần thiết. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim cũng đang chạy đua để giành sự ủng hộ.

Hiện các đảng phái đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ những phe phái khác để xây dựng một liên minh đa số nhằm thành lập chính phủ. Quốc vương Malaysia có thể chỉ định một nghị sĩ làm Thủ tướng, nhân vật mà ông cho rằng sẽ giành được đa số phiếu ủng hộ trong Quốc hội nước này. (Reuters/Strait Times)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2111-ukraine-khang-dinh-cung-ran-nato-neu-nguy-co-tu-trung-quoc-dong-dat-o-indonesia-206844.html