Tin thế giới 22/12: Báo Mỹ nói về chuyến thăm của ông Zelensky, Nga một mực muốn làm điều này

Nga-Trung tập trận, Liên minh châu Âu nêu kế hoạch thượng đỉnh với Ukraine, Israel lập chính phủ mới… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Washington ngày 21/12. (Nguồn: AP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Washington ngày 21/12. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga: Mỹ và Ukraine không sẵn sàng lắng nghe: Ngày 22/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Chúng tôi thấy rằng trên thực tế, Mỹ và các nước khác đang không ngừng mở rộng phạm vi và nâng cao mức độ hiện đại về mặt kỹ thuật của vũ khí cung cấp cho Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi đã theo dõi chuyến thăm, tiếp cận tất cả các thông tin nhận được. Cho đến nay, chúng tôi lấy làm tiếc khi nói rằng cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Zelensky đều không sẵn sàng lắng nghe những quan ngại của Nga”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine cho thấy quyết tâm đối đầu lâu dài với Nga. (Sputnik)

* Nga, IAEA ghi nhận lập trường về nhà máy điện hạt nhân: Ngày 22/12, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga, Rosatom cho biết phái đoàn Nga và phái đoàn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ghi nhận quan điểm của nhau về dự thảo tuyên bố thành lập khu vực an ninh xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Các bên đã thảo luận chi tiết về tình hình tại nhà máy này, cũng như nỗ lực cải thiện độ tin cậy của việc cung cấp điện và nhiệt tại khu vực nhà máy và Energodar. Hai bên cũng thảo luận về công việc đoàn công tác IAEA tại Zaporizhzhia. Rosatom cũng cho biết Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi và Nga sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về nhà máy này. (Reuters/Sputnik)

* EU nêu kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Ukraine: Ngày 22/12, Người phát ngôn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Barend Leyts cho biết: “Tôi có thể xác nhận cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 3/2/2023. Chúng tôi cũng đã có có lời mời ông Zelensky tới thăm Brussels”. Song hiện địa điểm tổ chức vẫn chưa được xác nhận. Ông Leyts cho biết việc mời ông Zelensky tới Brussels không có nghĩa đó là hội nghị sẽ diễn ra tại đây. Tại hội nghị, các nước thành viên cũng sẽ đánh giá lộ trình gia nhập EU của Ukraine. (Reuters)

* Báo Mỹ nhận định về chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine: Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin ông Volodymyr Zelensky đã không đạt mục tiêu nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn. Tờ này chú ý đến sự khác biệt trong quan điểm của ông Joe Biden và ông Zelensky về nhu cầu quân sự của Ukraine. Tờ này cho rằng: “Tổng thống Ukraine và các cố vấn tiếp tục khăng khăng yêu cầu Washington gửi những vũ khí tân tiến mà ông Biden không muốn cung cấp”.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông Zelensky mong muốn có “vũ khí mạnh hơn và tăng cường khả năng của Ukraine trong việc phát động các chiến dịch tấn công lớn”. Về phía Mỹ, nước này đang chờ đợi các cuộc thảo luận xung quanh việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao và khả năng đàm phán với Nga. (Sputnik)

Nga-Trung

* Trung Quốc khẳng định nâng tầm quan hệ với Nga: Ngày 22/12, Đại sứ nước này tại Moscow Trương Hán Huy khẳng định: “Là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và là đại diện của các quốc gia thị trường đang nổi lớn, Trung Quốc và Nga, cam kết làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược bền vững, bảo vệ vững chắc hệ thống quốc tế do LHQ đứng đầu và trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, cùng nhau phản đối chủ nghĩa bá quyền và cường quyền, là những trụ cột của thực tiễn chủ nghĩa đa phương thực chất và duy trì công lý quốc tế”.

Ông lưu ý rằng trên thực tế, hiện có một nhóm nhỏ các quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của những nước khác nhằm duy trì quyền bá chủ toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng phổ biến là dân chủ hóa các quan hệ quốc tế và đa cực hóa thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định quan hệ hợp tác đối tác và chiến lược toàn diện Nga-Trung đã phát triển lên một tầm cao mới trong năm qua. (Sputnik)

* Nga-Trung bắt đầu tập trận Joint Sea 2022: Ngày 22/12, Bộ Quốc phòng Nga Cho biết: “Tư lệnh đội tàu Primorye của các lực lượng vũ trang thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Chuẩn đô đốc Valery Kazakov, chỉ huy cuộc tập trận về phía Nga cùng Phó Tư lệnh Hải quân Chiến khu miền Đông của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Chuẩn đô đốc Wang Yu, đã liên lạc và nhất trí kế hoạch làm việc chung. Sau đó, các tàu chiến tiến vào khu vực diễn tập”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhóm hải quân Nga do soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, tàu tuần dương tên lửa Order of Nakhimov Guards Varyag dẫn đầu trong khi lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc do tàu khu trục Tế Nam dẫn đầu. Thủy thủ hải quân hai nước đã thực hành diễn tập chiến thuật chung và tiến hành diễn tập thông tin liên lạc. Ngoài ra, các máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm Ka-27 đặt trên boong tàu của Nga đã thực hiện các chuyến bay trên biển Hoa Đông.

Cuộc tập trận này diễn ra trên biển Hoa Đông từ ngày 21-27/1, bao gồm các khoa mục bắn pháo và tên lửa chung vào mục tiêu trên không, mục tiêu hải quân và các hoạt động chống ngầm chung với việc sử dụng các loại vũ khí thực tế. (TASS)

Đông Nam Á

* HĐBA LHQ ra nghị quyết yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Myanmar: Ngày 21/12, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết đầu tiên về Myanmar sau 74 năm yêu cầu chấm dứt bạo lực và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi.

Nghị quyết bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình hình hiện nay và “tác động nghiêm trọng” tới đời sống người dân Myanmar. Nghị quyết kêu gọi “các hành động cụ thể và ngay lập tức” để thực hiện kế hoạch 5 điểm đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí. HĐBA hối thúc “duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, theo đuổi đối thoại và hòa giải mang tính xây dựng phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân”.

Trước đó, nghị quyết duy nhất về Myanmar được HĐBA thông qua là vào năm 1948, thừa nhận nước này là thành viên của LHQ. (Reuters)

Nam Á

* Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí duy trì an ninh và ổn định ở Đông Ladakh: Ngày 22/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) Arindam Bagchi cho biết vòng đàm phán thứ 17 giữa các chỉ huy quân sự nòng cốt của Ấn Độ và Trung Quốc đã được tổ chức ở Chushul Moldo bên phía lãnh thổ Trung Quốc ngày 20/12 vừa qua. Tuyên bố chung cho hay, hai bên đã trao đổi về dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ở Khu vực phía Tây (Đông Ladakh). Ông Bagchi nêu rõ: “Hai bên đã thảo luận thẳng thắn, sâu rộng, phù hợp với hướng dẫn của lãnh đạo hai nước nhằm phối hợp giải quyết sớm nhất các vấn đề còn tồn đọng để giúp khôi phục hòa bình và yên tĩnh dọc LAC, giúp quan hệ song phương đạt tiến triển”.

Theo người phát ngôn Bagchi, trong cuộc đàm phán, hai bên đã nhất trí duy trì an ninh và ổn định trên thực địa ở Khu vực phía Tây, duy trì đối thoại thông qua các kênh quân sự, ngoại giao và tìm ra giải pháp được cả hai bên chấp nhận. (TTXVN)

* Lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Ấn Độ bàn về an ninh toàn cầu: Ngày 21/12, Phó phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph R. Holstead cho biết Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark A Milley và Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Tướng Anil Chauhan đã điện đàm. Ông nêu rõ: “Mỹ và Ấn Độ chia sẻ mối quan hệ quân sự bền chặt trong khuôn khổ quan hệ Đối tác quốc phòng chính Mỹ-Ấn”. Quan chức này nhấn mạnh Ấn Độ đóng vai trò là người dẫn dắt then chốt trong khu vực và là đối tác quan trọng nhằm duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* NIS: Tin tặc Triều Tiên có thể tăng cường tấn công mạng Hàn Quốc năm 2023: Ngày 22/12, cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) Hàn Quốc nhận định: “Đánh dấu năm thứ ba trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm năm 2023, Triều Tiên có thể nỗ lực đánh cắp các công nghệ chủ chốt, đồng thời thu thập thông tin tình báo ngoại giao và an ninh nhằm đạt được các mục tiêu chính sách của họ”.

Theo NIS, các nhóm tin tặc Triều Tiên có thể sẽ tập trung vào việc đánh cắp công nghệ của Hàn Quốc liên quan đến nhà máy hạt nhân, chip và công nghiệp quốc phòng, đồng thời thu thập thông tin về các chính sách của Hàn Quốc và Mỹ để đối phó với Triều Tiên. Cơ quan này cũng cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ tăng cường các hành vi liên quan đến trộm cắp tiền điện tử vào năm 2023. (Yonhap)

Châu Âu

* Nga tiếp tục yêu cầu tham gia điều tra về sự cố ở Dòng chảy phương Bắc: Ngày 22/12, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng đất nước chúng tôi sẽ không cho phép sự thật ‘bất tiện’ nào về những gì đã xảy ra với các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị ‘bưng bít’. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch với sự tham gia của Nga”.

Trước đó, ngày 21/12, tờ Washington Post cho biết các quan chức ngoại giao và tình báo nhiều nước phương Tây xác nhận không có bằng chứng nào cho thấy Nga đứng sau vụ nổ ở các đường ống nói trên. (Sputnik)

Trung Đông-châu Phi

* Israel: Ông Netanyahu thành lập chính phủ mới vào phút chót: Tối ngày 21/12, Văn phòng của ông Benjamin Netanyahu cho biết đã thành lập được chính phủ. Tuyên bố cũng thuật lại cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Isaac Herzog chưa đầy 30 phút trước hạn chót.

Theo đó, các thành viên của đảng Likud dự kiến sẽ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng nhất như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng tư pháp. Đáng chú ý, ông Itamar Ben Gvir, lãnh đạo đảng Otzma Yehudit, sẽ đảm nhiệm cương vị bộ trưởng an ninh quốc gia, về phụ trách an ninh công cộng. Ông Bezalel Smotrich, lãnh đạo đảng Chủ nghĩa phục quốc tôn giáo, sẽ trở thành bộ trưởng tài chính. Ông Aryeh Deri, lãnh đạo đảng Shas theo chủ nghĩa Do Thái cực hữu, dự kiến sẽ kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng y tế. Đại diện United Torah Judaism, một đảng Do Thái cực hữu khác, sẽ đảm nhiệm bộ trưởng nhà ở.

Sau khi đảng Likud giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 1/11, Tổng thống Isaac Herzog đã giao nhiệm vụ cho cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ trong 28 ngày, với thời hạn chót là nửa đêm 11/12. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc đàm phán diễn ra khó khăn hơn dự kiến, ngày 8/12, ông Netanyahu đã đề nghị ông Herzog gia hạn thêm 14 ngày. Dự kiến, chính phủ mới của Israel sẽ tuyên thệ nhậm chức trước ngày 2/1/2023, sau khi thông báo cho Quốc hội Israel (Knesset) trước ít nhất một tuần. (CNN)

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2212-bao-my-noi-ve-chuyen-tham-cua-ong-zelensky-nga-mot-muc-muon-lam-dieu-nay-210809.html