Tin thế giới 25/3: Pháp có thông tin về nhóm đứng sau vụ khủng bố ở Moscow, Trung Quốc - Philippines điện đàm giảm căng thẳng ở Biển Đông

Nga cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí hóa học do Mỹ chế tạo, Trung Quốc, Campuchia gia tăng hợp tác quân sự, Israel tiếp tục tấn công vào bệnh viện Shifa ở Gaza, Nga tấn công Kiev bằng tên lửa siêu thanh, Ireland có thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử, Trung Quốc - Philippines điện đàm giảm căng thẳng…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Giáo dục đại học Simon Harris sẽ là Thủ tướng trẻ nhất lịch sử của Ireland. (Nguồn: PA)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Ukraine kêu gọi đồng minh trợ giúp sau vụ tấn công tên lửa từ Crimea: Ngày 25/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine, sau vụ tấn công tên lửa của Nga vào thủ đô Kiev sáng 25/3.

Trước đó cùng ngày, một loạt vụ nổ lớn đã làm rung chuyển khắp thủ đô Kiev. Không quân Ukraine tuyên bố đã đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo trên bầu trời Kiev trong cuộc tấn mà chỉ huy quân đội Ukraine cho rằng loạt tên lửa này đã được phóng từ bán đảo Crimea do Nga kiểm soát. (Reuters)

*Nga tấn công Kiev bằng tên lửa siêu thanh: Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink cho biết, Nga đã tấn công thủ đô Kiev bằng tên lửa siêu thanh vào sáng 25/3.

Trên mạng xã hội X, bà Brink nêu rõ: "Trong 5 ngày qua, Nga đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào một quốc gia có chủ quyền". Bà cũng nhấn mạnh: "Ukraine cần sự trợ giúp của chúng ta ngay bây giờ. Không được phép lãng phí một giây phút nào".

Trước đó cùng ngày, một loạt vụ nổ đã làm rung chuyển khắp thủ đô Kiev của Ukraine vào sáng 25/3 khi còi báo động không kích vang lên. (Reuters)

*Nga cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí hóa học do Mỹ chế tạo: Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí hóa học (OPCW) Vladimir Tarabrin cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đã nhiều lần sử dụng đạn hóa học do Mỹ sản xuất để chống lại quân đội Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với Izvestiya, ông Tarabrin nói: “Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, chúng tôi đã ghi nhận các trường hợp lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí hóa học do Mỹ sản xuất”.

Ông Tarabrin cũng lưu ý sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine. Theo ông, có nhiều tập đoàn quân sự tư nhân của Mỹ hoạt động ở đó, đặc biệt là Nhóm Tầm nhìn Trực diện từ Nevada. Ông cũng cảnh báo Ukraine sẽ tiếp tục tiến hành các hành động khiêu khích sử dụng vũ khí hóa học và có nguy cơ cao các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ vi phạm thêm các luật chiến tranh. (TASS)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc, Campuchia gia tăng hợp tác quân sự: Trong cuộc gặp tại thủ đô Bắc Kinh ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và ông Mao Sophan, Phó Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia kiêm Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia đã cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác quân sự.

Ông Đổng cho biết tình hữu nghị Trung Quốc-Campuchia tiếp tục phát triển theo thời gian và việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Campuchia chung vận mệnh đã bước vào một kỷ nguyên mới có chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo hai nước.

Về phần mình, ông Mao Sophan tuyên bố Campuchia kiên quyết duy trì nguyên tắc Một Trung Quốc và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác và trao đổi thiết thực giữa quân đội hai nước. (Tân Hoa xã)

*Myanmar sắp bầu cử, nhưng có thể không được tổ chức trên toàn quốc: Truyền thông Myanmar ngày 25/3 dẫn lời người đứng đầu chính quyền quân sự Min Aung Hlaing đưa tin nước này lên kế hoạch tổ chức bầu cử nếu có một nền hòa bình và ổn định, nhưng cuộc bầu cử này có thể không được tổ chức trên toàn quốc.

Trong một bài phỏng vấn đăng trên truyền thông Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết quân đội vẫn lên kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử để đưa Myanmar trở lại chế độ dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Trong khi đó, Quân đội Myanmar đang chống lại lực lượng nổi dậy ở một số khu vực của nước này. (Reuters)

*Trung Quốc, Philippines điện đàm về căng thẳng song phương: Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông ngày 25/3 cho biết quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines hiện đang ở ngã ba đường và phía Manila phải hành động thận trọng trên con đường đi tiếp.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Trần đưa ra nhận xét này trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang liên quan tranh chấp ở Bãi Cỏ Mây (Bắc Kinh gọi là Bãi Nhân Ái) ở Biển Đông.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, nước này đã tuyên bố rõ ràng rằng Philippines phải dỡ bỏ một tàu chiến đang mắc cạn ở Biển Đông, và sau 20 năm họ (Manila) chưa bao giờ thực hiện đúng lời hứa của mình. (Reuters)

*Nhật Bản-Triều Tiên có dấu hiệu cải thiện quan hệ: Ngày 25/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đánh giá các cuộc đàm phán cấp cao nhất với Triều Tiên là “quan trọng” sau khi người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết ông Kishida đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh song phương.

Cùng ngày, theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), bà Kim Yo Jong – người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết Nhật Bản sẽ phải đưa ra một quyết định chính trị thiết thực để cải thiện quan hệ song phương giữa Tokyo và Bình Nhưỡng. Cũng theo KCNA, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sớm nhất có thể. (Yonhap)

*Thủ tướng Sri Lanka công du Trung Quốc: Ngày 25/3, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena đã đến Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước. Ông sẽ gặp Chủ tịch nước Tập Cận Bình để thảo luận về việc tái cơ cấu các khoản nợ khổng lồ của Colombo với Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó thông báo, hai ông Tập và Gunawardena sẽ tiến hành "trao đổi quan điểm sâu rộng về việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Sri Lanka". Ngoài các cuộc gặp song phương, ông Gunawardena sẽ tham dự Diễn đàn Bác Ngao ở tỉnh đảo Hải Nam. (AFP)

Châu Âu

*Pháp có thông tin về lực lượng đứng sau vụ tấn công ở Moscow: Ngày 25/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá Nga là nạn nhân của một cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan và nhóm đứng sau vụ xả súng ở Moscow.

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến thăm vùng lãnh thổ hải ngoại Guyana thuộc Pháp, ông Macron cho biết: “Nhóm này cũng đã cố gắng thực hiện một số hành động trên lãnh thổ của chúng tôi”.

Chính phủ Pháp hôm 24/3 đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng ở Moscow hôm 22/3 khiến hàng trăm người thương vong. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này. (AFP)

*NATO muốn Nga mở mặt trận mới ở Trung Á: Nhà khoa học chính trị Argentina Daniel Kersfield nhận định, chính quyền Mỹ và Anh thấy có lợi khi đưa ra câu chuyện cho rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố đẫm máy tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow vì họ tìm cách lôi kéo Nga vào cuộc xung đột vũ trang ở Afghanistan.

Ông Kersfield cho rằng có "nhiều lợi ích" đằng sau việc xác định gần như ngay lập tức IS là kẻ tổ chức vụ tấn công khủng bố này. Theo ông Kersfield, London và Washington đang muốn Nga đóng vai trò là nhân tố gây bất ổn tại khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng.

Tối 22/3, cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow đã khiến hàng trăm người thương vong. (TASS)

*Người di cư trái phép đến Italy giảm mạnh: Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, công bố ngày 24/3, số người di cư trái phép đến Italy bằng đường biển trong năm nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Nội vụ Italy cho biết 9.479 người di cư đã đến Italy trong khoảng thời gian từ đầu năm đến ngày 22/3, thấp hơn nhiều so với 20.364 người trong cùng thời kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này cao hơn so với 6.379 người di cư đã đến trong cùng kỳ năm 2022.

Bộ Nội vụ Italy cũng cho hay 688 trẻ vị thành niên nước ngoài không có người đi kèm đã đến Italy từ đầu năm đến nay, giảm so với khoảng 2.000 trẻ cùng kỳ năm 2023. (AP)

*Ireland có thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử: Bộ trưởng Giáo dục đại học Ireland Simon Harris ngày 24/3 đã trở thành lãnh đạo mới của đảng cầm quyền Fine Gael và sẽ chính thức được bầu làm Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Ireland khi Quốc hội nước này nhóm họp vào ngày 9/4 tới.

Ông Harris,37 tuổi và trở thành nghị sĩ năm 24 tuổi. Ông thăng tiến nhanh chóng trong đảng Fine Gael, đảm nhận vai trò nội các đầu tiên vào năm 2016, giữ chức Bộ trưởng Y tế Ireland, là người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động ứng phó ban đầu với đại dịch COVID-19.

Từ năm 2020, ông Harris giữ chức Bộ trưởng Giáo dục đại học, nghiên cứu, đổi mới và khoa học. Ông là một trong những bộ trưởng được biết đến nhiều nhất ở Ireland, có kênh TikTok thu hút gần 100.000 người theo dõi và 1,8 triệu lượt thích. (AFP)

Trung Đông - châu Phi

*Israel phản ứng quan điểm của 4 nước châu Âu về Nhà nước Palestine: Tel Aviv ngày 25/3 cho rằng việc Tây Ban Nha, Ireland, Malta và Slovenia thống nhất nỗ lực thúc đẩy thành lập một Nhà nước Palestine độc lập sẽ là “một phần thưởng cho khủng bố” và làm giảm cơ hội đàm phán giải quyết bất đồng cho các quốc gia trong khu vực.

Ngoại trưởng Israel- Israel Katz khẳng định: “Việc công nhận Nhà nước Palestine gửi đi thông điệp rằng các cuộc tấn công khủng bố giết chóc nhằm vào người Israel sẽ được nhận lại phần thưởng về chính trị cho người Palestine. Một giải pháp cho cuộc xung đột sẽ chỉ có thể được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên. Bất cứ sự tham gia công nhận một Nhà nước Palestine sẽ chỉ làm giảm cơ hội này và gây thêm bất ổn cho khu vực”.

Trước đó, 4 quốc gia châu Âu nói trên tuyên bố để có được hòa bình cho Trung Đông, họ sẽ thúc đẩy các bước đi đầu tiên trong quy trình công nhận Nhà nước Palestine cho những người đang cư trú tại Bờ Tây và Dải Gaza. (Times of Israel)

*Israel tiếp tục tấn công vào bệnh viện Shifa ở Gaza: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 25/3 thông báo đang tiếp tục phối hợp với Cơ quan An ninh Nội địa (ISA) tấn công vào các mục tiêu của phong trào Hamas ở bệnh viện Shifa và khu vực Al Amal.

Theo IDF, các cuộc tấn công được thực hiện chính xác, tránh gây thương vong cho bệnh nhân, y bác sĩ và dân thường đang trú ẩn trong bệnh viện.

Tuy nhiên, chiến dịch của IDF tấn công bệnh viện Shifa trong tuần qua đang bị lên án, bởi theo công ước quốc tế đây là điều tối kỵ trong một cuộc chiến tranh. (Al Jazeera)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Mỹ-Nhật sắp nâng cấp hiệp ước an ninh lớn nhất trong hơn 60 năm: Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch nâng cấp lớn nhất cho liên minh an ninh song phương nhằm đối phó với Trung Quốc, kể từ khi Washington và Tokyo ký hiệp ước phòng thủ chung hồi năm 1960.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch tái cơ cấu Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản để tăng cường lập kế hoạch hoạt động và tập trận giữa hai nước. Kế hoạch này sẽ được công bố khi Tổng thống Biden tiếp đón Thủ tướng Kishida tại Nhà Trắng vào ngày 10/4 tới. (Financial Times)

*Thị trưởng trẻ nhất Ecuador bị ám sát: Cảnh sát Ecuador thông báo Thị trưởng trẻ nhất nước này - bà Brigitte Garcia - và một cố vấn được phát hiện bị bắn chết trong một chiếc ô tô vào sáng 24/3 (giờ địa phương), giữa lúc quốc gia Nam Mỹ đang hứng chịu làn sóng bạo lực mà chính quyền đổ lỗi cho hoạt động buôn bán ma túy gây ra.

Cảnh sát cho biết đang điều tra cái chết của bà Garcia, Thị trưởng 27 tuổi của thành phố San Vicente và cố vấn truyền thông Jairo Loor. Cảnh sát tuyên bố cả hai người đều thiệt mạng do bị bắn.

Bà Garcia là nhân vật chính trị mới nhất ở nước này bị giết hại sau vụ ám sát ứng cử viên tổng thống Fernando Villavicencio hồi tháng 8/2023. Tháng 1 vừa qua, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh bạo lực leo thang khi các đối tượng có vũ trang chiếm quyền kiểm soát trường quay của một đài truyền hình địa phương. (AFP)

Thế Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-253-phap-co-thong-tin-ve-nhom-dung-sau-vu-khung-bo-o-moscow-trung-quoc-philippines-dien-dam-giam-cang-thang-o-bien-dong-265461.html