Tin thế giới 26/4: Hàng xóm của Ukraine có 'biến căng', Nga cảnh giác; Mỹ nói thế giới sốc; Solomon không cho phép Trung Quốc làm điều gi?

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine và lập trường của Ấn Độ, vùng ly khai ở Moldova bị tấn công khủng bố, quan hệ Trung Quốc-Solomon, tình hình Bán đảo Triều Tiên... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Cột ăng ten của một trung tâm phát sóng gần khu định cư Mayak ở vùng ly khai chưa được công nhận Transnistria của Moldova bị đánh gẫy trong một vụ tấn công ngày 26/4. (Nguồn: Reuterrs)

Cột ăng ten của một trung tâm phát sóng gần khu định cư Mayak ở vùng ly khai chưa được công nhận Transnistria của Moldova bị đánh gẫy trong một vụ tấn công ngày 26/4. (Nguồn: Reuterrs)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Moldova

* Khu vực ly khai Transnistria của Moldova gặp 'biến': Ngày 26/4, một trung tâm phát thanh khu vực tiếp sóng đài tiếng Nga tại khu vực ly khai chưa được công nhận Transnistria của Moldova đã bị nổ tung.

Tuyên bố của lãnh đạo vùng ly khai này xác nhận, đã có 3 vụ tấn công khủng bố ở khu vực vào hai ngày 25-26/4.

Theo đó, ba sự cố gây thiệt hại cho tòa nhà của cơ quan an ninh, một căn cứ quân sự gần khu định cư Parkany và ăng ten của một trung tâm phát sóng gần khu định cư Mayak.

Cơ quan an ninh của vùng ly khai này đã nâng mức báo động khủng bố lên mức đỏ, mức cao nhất. (TASS)

* Moldova lo ngại bị kéo vào xung đột vũ trang: Đảng Xã hội Chủ nghĩa Moldova (PSRM) tin rằng, các nỗ lực lôi kéo đất nước vào một cuộc xung đột vũ trang đứng đằng sau các vụ nổ ở vùng ly khai Transnistria.

Trên Facebook cá nhân, Thư ký điều hành đảng PSRM Vlad Batrincea cho biết: "Chúng tôi hết sức lo ngại về những nỗ lực ngày càng tăng của các thế lực bên ngoài nhằm kéo Moldova vào một cuộc xung đột vũ trang".

PSRM đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Moldova phải duy trì tình trạng trung lập được ghi trong hiến pháp. Lãnh đạo ở Chisinau cũng như toàn bộ tầng lớp chính trị phải loại trừ bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể gây ra hậu quả tai hại cho đất nước. (TASS)

* Nga tuyên bố theo dõi sát sao diễn biến ở vùng ly khai Moldova: Ngày 26/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang theo dõi sát sao các sự kiện ở vùng ly khai Transdniestria không được công nhận của Moldova.

Theo ông Pesko, tin tức từ khu vực này đang gây quan ngại nghiêm trọng.

Nga bố trí quân đội thường trực ở Transdniestria kể từ khi Liên Xô tan rã. Kiev lo ngại khu vực này có thể được lợi dụng làm vùng đệm để Nga tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Ukraine. (Reuters)

Nga-Ukraine

* Mỹ tuyên bố thế giới sốc trước cuộc chiến ở Ukraine: Ngày 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thế giới bị sốc trước chiến dịch quân sự kéo dài 2 tháng qua của Nga tại Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp với sự tham dự của đại diện hơn 40 quốc gia tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh: "Như chúng ta thấy sáng nay, các quốc gia trên khắp thế giới đều đồng lòng quyết tâm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga".

Theo ông, Ukraine tin tưởng rõ ràng rằng nước này có thể giành chiến thắng và "tất cả mọi người có mặt ở đây cũng tin như vậy". (Reuters)

* Lập trường của Ấn Độ về khủng hoảng Nga-Ukraine: Ngày 26/4, phát biểu tại Đối thoại Raisina ở thủ đô New Delhi, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, nước này có quan điểm rõ ràng về xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.

Theo ông Jaishankar, xung đột Ukraine là một trong những vấn đề nổi trội nhất hiện nay "không chỉ vì những lợi ích hoặc giá trị liên quan mà còn là hậu quả đối với toàn thế giới".

Cho rằng sẽ không có bên thắng trong cuộc chiến này, đồng thời cho biết vấn đề bị ảnh hưởng trước mắt là giá dầu và lương thực tăng cao, Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh, New Delhi “kêu gọi chấm dứt thù địch, quay lại đối thoại và tôn trọng chủ quyền quốc gia". (The Times Of India)

* Nga chiếm tòa nhà của Hội đồng thành phố Kherson miền Nam Ukraine: Ngày 25/4, hãng tin Ukrinform dẫn lời Thị trưởng thành phố Kherson Ihor Kolykhaiev cho biết, các lực lượng Nga đã chiếm giữ tòa nhà của Hội đồng thành phố.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Olexandr Motuzyanyk cho biết, Nga đang chuẩn bị tổ chức một "cuộc trưng cầu dân ý" ở khu vực Kherson về việc gia nhập Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Kiev sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow nếu các lực lượng Nga tiến hành trưng cầu dân ý trong các khu vực đã chiếm được ở Ukraine. (THX)

* LHQ mong muốn sớm thiết lập lệnh ngừng bắn ở Ukraine: Ngày 26/4, nhân chuyến thăm Nga, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, cần thiết lập các điều kiện nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ở Ukraine càng sớm càng tốt.

Phát biểu mở màn cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Guterres nêu rõ: "Chúng tôi cực kỳ quan tâm việc tìm ra các cách để tạo điều kiện cho đối thoại hiệu quả và một giải pháp hòa bình".

Dự kiến sau đó, ông Guterres sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Reuters, AFP)

* Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Nga duy trì động lực đàm phán với Ukraine: Ngày 26/4, điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erodgan khẳng định, việc duy trì "động lực tích cực" đạt được trong đàm phán giữa Ukraine và Nga hồi đầu tháng này ở Istanbul sẽ có lợi cho tất cả các bên.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nêu rõ: "Tổng thống Erdogan đã nêu tầm quan trọng của mục tiêu đạt được lệnh ngừng bắn, cũng như thiết lập hành lang nhân đạo hoạt động hiệu quả và sơ tán dân thường một cách an toàn".

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để ngăn chặn các sự kiện gây tổn hại cho tất cả các bên, từ đó đảm bảo hòa bình lâu dài và sẵn sàng là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine. (Reuters)

* Chiến tranh Ukraine sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Phát biểu tại Đối thoại Raisina ở New Delhi với sự có mặt của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, kết quả của cuộc chiến tại Ukraine “ảnh hưởng sâu sắc đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới”.

Bà cảnh báo, các nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho hòa bình và an ninh trên toàn thế giới "đang bị đe dọa" ở cả châu Á và châu Âu.

Theo bà Leyen, đây là thời điểm đặc biệt quan trọng khi mà các quyết định được đưa ra sẽ định hình thế giới trong nhiều thập niên tới, quyết định tương lai của cả hệ thống quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.

Quan chức EU kêu gọi tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế "ủng hộ những nỗ lực của chúng tôi vì hòa bình lâu dài”. (Indian Express)

* Đức có thể cung cấp hệ thống phòng không Gepard cho Ukraine, theo Nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung.

Tờ báo này cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht sẽ đưa ra đề nghị trên tại một cuộc họp với các đồng minh trong ngày 26/4 tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ tại Đức. (Reuters)

* Mỹ thông qua thương vụ bán vũ khí cho Ukraine: Ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định phê duyệt thương vụ bán vũ khí đạn dược trị giá 165 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp quốc gia Đông Âu này "phòng thủ" trước chiến dịch quân sự của Nga. (Reuters)

* Anh cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại: Phát biểu trước Hạ viện Anh ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ben Wallace cho biết, London sẽ chuyển giao tổ hợp phòng không tự hành Stormer có trang bị tên lửa Strarstreak cho Ukraine.

Các tổ hợp phòng không Stormer sẽ gia tăng tiềm lực cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại các mục tiêu trên không ở khoảng cách ngắn cả ban ngày và ban đêm.

Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ bàn giao các thiết bị quân sự hạng nhất trị giá 100 triệu Bảng Anh (130 triệu USD) cho Ukraine, bao gồm 120 xe bọc thép, tên lửa chống hạm và đạn dược công nghệ cao dùng cho các cuộc tấn công chính xác.

Tuy nhiên, ông Wallace bác bỏ thông tin Anh sẽ chuyển giao tổ hợp pháo tự hành AS90 cho Ukraine. (Reuters)

* Nga cảnh báo xảy ra Thế chiến III: Ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo cuộc xung đột Ukraine có nguy cơ leo thang thành Thế chiến III.

Trước cảnh báo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, không ai muốn Thế chiến III nổ ra, do đó tất cả các bên cần thể hiện sự kiềm chế liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine và ngăn tình hình leo thang hơn nữa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Anh James Heappey cho biết, ông không nghĩ rằng có một mối đe dọa leo thang sắp xảy ra trong cuộc chiến ở Ukraine. (AFP, Sputnik)

* Mỹ tính khả năng mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Kiev vàđưa các nhà ngoại giao tới Ukraine trong những ngày tới. Các nhà ngoại giao sẽ khởi động tiến trình xem xét cách thức mở cửa trở lại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Hành động này sẽ củng cố cam kết hiện hành của Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực nhân đạo và cung cấp sự hỗ trợ cho Chính phủ Ukraine, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho người dân Ukraine”. (The Hill)

* Nga nói lệnh ngừng bắn tại Ukraine vào lúc này là vô ích: Ngày 25/4, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nói rằng, việc ngừng bắn ở Ukraine không có ích lợi gì ở giai đoạn này.

Theo ông, Kiev có thể lợi dụng nó như một cơ hội để cố gắng làm mất uy tín của Nga và một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ "là cơ hội để các lực lượng Ukraine tập hợp lại và có nhiều hành động khiêu khích hơn". (Reuters)

* ICC tham gia điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine: Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ngày 25/4 thông báo sẽ tham gia vào nhóm điều tra chung về những cáo buộc "tội ác chiến tranh" ở Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự.

Công tố viên Karim Khan của ICC cùng công tố viên các nước Lithuania, Ba Lan và Ukraine đã ký thỏa thuận về việc để tòa án này tham gia vào quá trình điều tra. (Reuters)

Ấn Độ

* Thủ tướng Ấn Độ lên kế hoạch công du châu Âu từ ngày 2-6/5 và thực hiện những cuộc gặp song phương với Tổng thống vừa tái cử của Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Ông Modi cũng sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu ở Copenhagen, Đan Mạch. (Hindustan Times)

* Ấn Độ sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu: Ngày 26/4, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố, New Delhi đã sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Theo đó, “Ấn Độ đã sẵn sàng tiến tới một cách thực chất hơn trong những vấn đề lớn của thế giới, kể cả ở các diễn đàn đa phương”, ông nói. (Reuters)

Solomon không cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự

Ngày 26/4, nhân chuyến thăm của một phái đoàn Nhật Bản, Thủ tướng Solomon Mannaseh Sogavare tuyên bố, ông không có ý định cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này.

Tuyên bố được đưa ra khi tuần trước, Trung Quốc tuyên bố nước này đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon hồi đầu tháng này, làm dấy lên lo ngại từ phía Washington và các đồng minh rằng hiệp ước này sẽ mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. (Reuters, AFP)

Nga

* Nga trục xuất 3 nhà ngoại giao Thụy Điển nhằm đáp trả quyết định tương tự của chính quyền Stockholm.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo đã quyết định tước tư cách của 40 nhà ngoại giao Đức trong một phản ứng tương xứng đối với hành động của Berlin trước đó. (Reuters)

* Iran không chấp nhận các lệnh trừng phạt Nga: Theo hãng tin chính thức IRNA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 25/4 cho biết, Iran không chấp nhận "các biện pháp trừng phạt đơn phương" đối với Nga.

Nhấn mạnh rằng Iran không phải là nước ủng hộ chiến tranh, ông Khatibzadeh kêu gọi các cuộc đối thoại và ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay.

Quan chức này nói thêm: “Mỹ không thể là cảnh sát, thẩm phán, bồi thẩm đoàn và mọi thứ trên thế giới”.

* Nga cảnh báo Nhật Bản dừng mở rộng tập trận với Mỹ: Ngày 26/4, hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, nước này sẽ thực thi các biện pháp trả đũa nếu Nhật Bản mở rộng phạm vi tập trận hải quân chung với Mỹ.

Ông Morgulov nhấn mạnh, các cuộc tập trận gần biên giới Nga giữa Nhật Bản và Mỹ đang làm leo thang căng thẳng ở khu vực và đặt ra mối đe dọa đối với an ninh của Moscow.

Trước đó, tờ Nikkei đưa tin các lực lượng của Nhật Bản và Mỹ sẽ tập trận chung trên đảo Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản, dự kiến vào khoảng tháng 9-10, với sự tham gia của hơn 4.000 quân nhân. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Triều Tiên duyệt binh: Tối 25/4, Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh quy mô lớn tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân nước này (KPRA).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định quyết tâm "tăng cường và phát triển" năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng với "tốc độ nhanh nhất". (Yonhap)

* Ủy ban chuyển tiếp Hàn Quốc cam kết tăng cường năng lực răn đe đối với Triều Tiên: Ngày 26/4, Ủy ban chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố chính quyền tiếp theo sẽ tăng cường năng lực răn đe để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Cụ thể, Hàn Quốc sẽ tăng cường liên minh với Mỹ và nhanh chóng hoàn thiện hệ thống phòng thủ “ba trục” (phát hiện, tấn công phủ đầu - phòng thủ tên lửa - trả đũa, tiêu diệt) do nước này tự phát triển để đối phó với nguy cơ tấn công hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. (Yonhap)

* Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh hợp tác chiến lược Tokyo-Seoul: Ngày 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gặp phái đoàn của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida cho rằng, hợp tác chiến lược giữa Tokyo và Seoul trong giai đoạn hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết và hai bên cần giải quyết các vấn đề liên quan thời gian cai trị thuộc địa của Nhật Bản. (Kyodo, Reuters)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-264-hang-xom-cua-ukraine-co-bien-cang-nga-canh-giac-my-noi-the-gioi-soc-solomon-khong-cho-phep-trung-quoc-lam-dieu-gi-181567.html