Tin thế giới ngày 29/7: Mỹ 'nắm tay nhau thật chặt' với Australia, Bắc Kinh rủ Pháp phản đối 'bắt nạt đơn phương', con trai ông Trump 'dính phốt'

Tham vấn thường niên Australia-Mỹ, quan hệ Pháp-Trung Quốc, vấn đề Hong Kong, đại dịch Covid-19 là những sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Australia-Mỹ

Mỹ hứa hẹn sát cánh cùng Australia

Tối 28/7, các cuộc tham vấn thường niên giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của Australia và Mỹ (AUSMIN) đã diễn ra tại Washington (Mỹ), tập trung nhiều vào các thách thức chiến lược trong khu vực, trong bối cảnh quan hệ của bộ đôi quyền lực này với Trung Quốc đều đang ở mức rất thấp.

Sau các cuộc tham vấn, Mỹ và Australia đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của liên minh Mỹ-Australia và hai nước sẽ cùng hợp tác với ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để duy trì một khu vực an toàn, thịnh thượng và dựa trên luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, 'bộ đôi' này khẳng định, phán quyết năm 2016 của PCA về vấn đề Biển Đông là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc, những yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển này không có giá trị theo luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, theo The Australian, phát biểu họp báo diễn ra sau các cuộc hội đàm, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều ca ngợi các nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Chính phủ Australia trong thời gian qua, trong đó có việc ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ tự do ở Hong Kong và lệnh cấm tập đoàn Huawei tham gia phát triển mang viễn thông 5G.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, Washington sẽ luôn sát cánh cùng Australia ứng phó các biện pháp cưỡng ép của Trung Quốc. (The Australian, State)

Bạn có thể quan tâm:

Mỹ-Trung Quốc

Thủ tướng Singapore mong Mỹ-Trung hòa thuận

Ngày 29/7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, nước này hy vọng Mỹ có thể ổn định quan hệ với Trung Quốc do châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ ổn định Mỹ-Trung để có được môi trường "an toàn" và "có thể dự báo".

Theo tờ Straits Times, phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến của Hội đồng Đại Tây Dương - một nhóm chuyên gia cố vấn đặt tại Washington.

Ông Lý Hiển Long cũng bày tỏ hy vọng, tổng thống sắp tới của Mỹ, dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, có thể tạo ra một sự đồng thuận lưỡng đảng về quan hệ Mỹ-châu Á để chính sách đối ngoại của Mỹ luôn nhất quán và lâu dài.

Singapore sẽ không loại công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi quá trình đấu thầu mạng lưới 5G của nước này, mặc dù vậy Huawei không được lựa chọn lần này, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh. (THX)

Bạn có thể quan tâm:

EU-Trung Quốc

Trung Quốc kêu gọi Pháp tăng cường liên lạc và duy trì chủ nghĩa đa phương

Ngày 28/7, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Bắc Kinh và Paris cần tăng cường phối hợp và đối thoại chiến lược trước tình trạng bất ổn toàn cầu để cùng chung tay bảo vệ chủ nghĩa đa phương và phản đối hành động “bắt nạt” đơn phương, vì lợi ích của hòa bình và ổn định trên thế giới.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, ông Vương Nghị nhấn mạnh, với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện, Pháp sẽ hợp tác với Trung Quốc để tìm kiếm điểm chung trong khi vẫn tồn tại những bất đồng, hai bên nên cởi mở thay vì hạn chế lẫn nhau và làm nhiều việc hơn để thúc đẩy lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) là hai lực lượng quan trọng trong một thế giới hướng đến sự đa cực và nên đóng vai trò là những nhân tố ổn định toàn cầu.

Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp cam kết Paris sẽ đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp và sẽ không chấp nhận những chính sách phân biệt đối xử, đồng thời lưu ý cả EU và Trung Quốc đều nỗ lực vì chủ nghĩa đa phương.

Ông Le Drian khẳng định, Pháp rất coi trọng quan hệ EU-Trung Quốc và ủng hộ các cuộc đối thoại giữa hai bên để thúc đẩy những cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư và hợp tác chống biến đổi khí hậu. (THX)

EU hạn chế xuất khẩu sang Hong Kong

Ngày 28/7, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ hạn chế xuất khẩu sang Hong Kong các thiết bị có thể được sử dụng để theo dõi và trấn áp. Động thái này được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới gây tranh cãi đối với đặc khu hành chính này.

EU đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh mới nói trên, biện pháp mà các nhà phê bình cho rằng, sẽ hạn chế nghiêm trọng quyền tự chủ và tự do tương đối đã áp dụng lâu nay của Hong Kong. Tuy nhiên, khối này đang tìm cách đạt đồng thuận về phản ứng chung đối với Trung Quốc trong bối cảnh các nước thành viên chia rẽ sâu sắc về việc nên phản đối Bắc Kinh, một đối tác thương mại rất quan trọng, hay cố gắng hợp tác với cường quốc châu Á này.

Trước đó, tại một hội nghị cấp ngoại trưởng diễn ra hồi đầu tháng, Pháp và Đức đã đề xuất hạn chế về thứ gọi là công nghệ "lưỡng dụng" và đề xuất này dự kiến sẽ được chính thức ký kết trong ngày 28/7.

Theo các nguồn tin trên, cùng với hạn chế xuất khẩu, EU cũng sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân của thành phố từng là thuộc địa của Anh này, bằng cách cho phép họ tới châu Âu một cách dễ dàng hơn thông qua việc cấp thị thực, học bổng và trao đổi học thuật. (AFP)

Hong Kong phản đối New Zealand đình chỉ hiệp ước dẫn độ

Ngày 28/7, Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong đã kịch liệt phản đối quyết định đơn phương được đưa ra cùng ngày của New Zealand về việc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với thành phố này, cũng như công bố một số sửa đổi.

Người phát ngôn của chính quyền đặc khu Hong Kong cho rằng, động thái của New Zealand mang màu sắc của sự lôi kéo chính trị và các tiêu chuẩn kép.

Theo người phát ngôn này, Wellington chỉ lợi dụng quyết định ban hành luật an ninh quốc gia ở Hong Kong như một cái cớ để đình chỉ hiệp ước với Hong Kong, cho rằng đây là động thái can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như những nguyên tắc cơ bản quản trị các mối quan hệ quốc tế.

Trước đó cùng ngày Ngoại trưởng Winston Peters tuyên bố New Zealand đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với HKSAR, cũng như đưa ra một số sửa đổi trong bối cảnh Trung Quốc quyết định thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. (THX)

Bạn có thể quan tâm:

Giữa căng thẳng với Amenia, Azerbaijan đem quân tập trận cùng Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 28/7, trang tin TRTWorld dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, các lực lượng vũ trang nước này và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn ở Azerbaijan.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho hay, lực lượng không quân và lục quân của hai nước sẽ tổ chức tập trận với sự tham gia của xe bọc thép, các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu.

Theo kế hoạch, cuộc tập trận liên quan đến lực lượng trên bộ sẽ được tổ chức từ ngày 1-5/8 tại Baku và Nakhchivan. Trong khi đó, cuộc tập trận với sự tham gia của lực lượng không quân sẽ diễn ra từ ngày 29/7-10/8 tại Baku, Nakhchivan, Ganja, Kurdamir và Yevlakh.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các lực lượng Armenia tấn công binh sĩ Azerbaijan ở khu vực biên giới Tovuz, khiến ít nhất 11 người - trong đó có một Thiếu tướng và một Đại tá - thiệt mạng.

Bạn có thể quan tâm:

Đại dịch Covid-19

Twitter khóa tính năng đăng bài của con trai Tổng thống Mỹ

Ngày 28/7, Twitter thông báo đã vô hiệu hóa tính năng đăng bài trên tài khoản của Donald Trump Jr, con trai cả của Tổng thống Mỹ Donald Trump, do chia sẻ thông tin sai về SARS-CoV-2, vi phạm chính sách của trang mạng xã hội này liên quan thông tin về dịch Covid-19.

Trước đó một ngày, Donald Trump Jr đã đăng tải một dòng trạng thái kèm một đoạn video có nội dung các bác sĩ đang thảo luận về thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine. Tháng trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi quyết định cho phép sử dụng khẩn cấp hydroxychloroquine và một số loại thuốc khác trong điều trị bệnh nhân Covid-19, vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các loại thuốc này không có hiệu quả điều trị.

Trong video Donald Trump Jr đăng tải, các bác sĩ đã đề cập hydroxychloroquine như một phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cũng như hạ thấp sự cần thiết của việc đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Điều này hoàn toàn trái với khuyến cáo của FDA và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng như nhiều tổ chức y tế lớn khác.

Đoạn video đã được những người dùng khác chia sẻ trên Facebook và Youtube và đã thu hút hàng chục triệu lượt xem. Hiện cả Twitter, Facebook và Youtube đã đồng loạt gỡ bỏ video này vì vi phạm các quy định của các nền tảng mạng xã hội này liên quan việc đưa tin sai về dịch Covid-19. Riêng tài khoản Twitter của Donald Trump Jr sẽ bị khóa trong 12 giờ đồng hồ. (Independent)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-297-my-nam-tay-nhau-that-chat-voi-australia-bac-kinh-ru-phap-phan-doi-bat-nat-don-phuong-con-trai-ong-trump-dinh-phot-120427.html