Tin Thị trường: Thị trường dầu đang đánh giá thấp nguy cơ tiềm tàng từ Trung Đông

Thị trường dầu đang đánh giá thấp nguy cơ từ xung đột tại Trung Đông; Qatar và Shell ký thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn cho Hà Lan...

Thị trường dầu đang đánh giá thấp nguy cơ từ Trung Đông

Tuần trước, chính phủ Israel đã ra lệnh cho công ty điện lực nhà nước ngừng cung cấp điện cho Dải Gaza vài ngày sau khi phong trào Hamas phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào nước này.

Nhưng giờ đây, nguy cơ xung đột Hamas - Israel có thể leo thang thành một cuộc xung đột khu vực sau khi Hezbollah có trụ sở tại Lebanon cảnh báo rằng họ sẵn sàng tham gia toàn diện vào cuộc chiến để hỗ trợ Hamas. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Hezbollah có thể mở một mặt trận mới chống lại Israel, trong khi Iran đã cảnh báo về hành động phủ đầu chống lại Israel nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công trên bộ.

Trên thực tế, một số chuyên gia hàng hóa hiện cho rằng thị trường dầu mỏ đã đánh giá thấp những rủi ro kể trên và giá dầu có thể tăng vọt nếu chúng diễn ra. Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã chỉ ra rằng việc giảm xuất khẩu dầu của Iran trong trung hạn là hậu quả rất có thể xảy ra.

Hồi tháng 8, xuất khẩu dầu của Iran đạt mức cao kỷ lục, phần lớn nhờ vào việc chính quyền Tổng thống Biden chọn cách nhìn khác khi Tehran tăng cường khai thác là nhằm nỗ lực ổn định thị trường.

Phản ứng về giá đối với sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông cho đến nay vẫn còn khiêm tốn; tuy nhiên, xung đột tại Gaza có thể sẽ gây ra sự thay đổi đáng kể trong quan điểm chính sách của Mỹ đối với Iran do sự ủng hộ của nước này đối với Hamas.

StanChart cho rằng những thay đổi trong vị thế trên thị trường dầu tương lai là rất khiêm tốn mặc dù biến động gia tăng đáng kể. Các nhà phân tích lưu ý rằng đây không phải là mức phân bổ cực đoan như có thể được mong đợi trong một cuộc khủng hoảng toàn diện ở Trung Đông, đồng thời bổ sung thêm rằng vị thế đầu cơ cũng không phải là cực đoan, đặc biệt là đối với Brent.

Sản lượng dầu của Venezuela có thể tăng 25%

Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Venezuela sau khi chính phủ Nicolas Maduro đạt được thỏa thuận với phe đối lập để có thể tổ chức bầu cử vào năm tới.

Thỏa thuận này là điều kiện mà Washington đặt ra cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Do việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, các nhà phân tích dự đoán sản lượng dầu của Venezuela có thể tăng 25%.

"Mỹ hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận lộ trình bầu cử", Thứ trưởng Bộ Tài chính Brian Nelson cho biết trong một thông cáo báo chí.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cảnh báo rằng họ có quyền thu hồi bất kỳ hoặc tất cả các giấy phép mới được cấp trong trường hợp "các đại diện của chính quyền Maduro" không giữ đúng lời hứa về lộ trình bầu cử.

Các báo cáo về thỏa thuận kể trên đã xuất hiện vào đầu tháng này, sau một loạt tín hiệu từ Washington rằng họ sẵn sàng nới lỏng chế độ trừng phạt để đổi lấy cam kết từ chính phủ Venezuela về việc tổ chức cuộc bầu cử mới.

Năm ngoái, Mỹ cũng cấp giấy phép cho Chevron quay trở lại Venezuela mà không yêu cầu cam kết từ chính quyền Maduro vì nhập khẩu dầu thô nặng của Nga phải được thay thế khẩn cấp bằng dầu nặng của Venezuela.

Qatar và Shell ký thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn cho Hà Lan

QatarEnergy và Shell đã ký hai thỏa thuận LNG để cung cấp LNG từ Qatar cho Hà Lan trong 27 năm, bắt đầu từ năm 2026 khi các dự án mở rộng xuất khẩu của Qatar dự kiến đi vào hoạt động.

Theo thương vụ kể trên, Qatar sẽ cung cấp tới 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm cho trạm Gate LNG ở cảng Rotterdam, công ty nhà nước Qatar cho hay.

Shell đóng vai trò là đối tác nhỏ trong một số dự án mở rộng quy mô của Qatar. Ông lớn năng lượng có trụ sở tại Vương quốc Anh hiện nắm giữ 6,25% cổ phần tại North Field East (NFE) và 9,375% cổ phần trong các dự án mở rộng North Field South (NFS).

Saad Sherida Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, đồng thời là chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Qatar Energy nói: "Các thương vụ này tái khẳng định cam kết của Qatar trong việc giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu cũng như củng cố an ninh năng lượng của nước này".

Trước đó, QatarEnergy cũng đã ký với TotalEnergies các thỏa thuận LNG dài hạn, trong đó Qatar cung cấp 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm cho Pháp trong 27 năm bắt đầu từ năm 2026.

Đầu tháng này, Qatar đã khởi công dự án LNG lớn nhất thế giới, dự án mở rộng North Field. Điều này sẽ giúp nâng công suất xuất khẩu của quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé lên 48 triệu tấn mỗi năm vào năm 2027.

Hồi tháng 7 vừa qua, Al-Kaabi cho biết 40% tổng lượng LNG mới sẽ được tung ra thị trường vào năm 2029.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-thi-truong-dau-dang-danh-gia-thap-nguy-co-tiem-tang-tu-trung-dong-696987.html