Tin tức ASEAN buổi sáng 15/6

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 phức tạp nhất ASEAN.

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 15/6, ASEAN có thêm 1.813 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số lên 117.306 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.435 người. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 61.203 trường hợp.

Bộ Y tế Indonesia cho biết, nước này ghi nhận thêm 857 ca mắc mới và 43 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại đây tăng lên 38.277 ca, trong đó có 2.134 ca tử vong. Indonesia có thêm 755 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục lên 14.531 người. Nhằm giúp Indonesia ứng phó với đại dịch, Liên hợp quốc sẽ giải ngân 2 triệu USD từ Quỹ ủy thác đa phương chống dịch Covid-19 (Covid-19 MPTF).

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã xác nhận thêm 539 ca mắc và 14 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc tại nước này đã tăng lên 25.930 ca. Lượng kiều hối của Philippines năm 2020 có thể giảm 5% so với năm 2019 do tác động của dịch Covid-19.

Tính tới hết ngày 14/6, Bộ Y tế Singapore thông báo 407 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 40.604 ca. Số ca tử vong tại đảo quốc này vẫn là 26 ca, trong khi 28.808 ca đã bình phục và xuất viện.

Malaysia có tổng cộng 8.453 ca mắc bệnh và 121 trường hợp tử vong. Sau hơn 1 tháng kiểm soát tốt dịch bệnh, những ngày qua Malaysia đang chứng kiến làn sóng virus SARS-CoV-2 có vẻ đang quay trở lại, sau khi nước này ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên trong vòng hơn 5 tuần.

Thái Lan ngày 14/6 chỉ ghi nhận thêm 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.135, nhiều thứ 5 khu vực Đông Nam Á. Đa số người dân Thái Lan được hỏi không còn lo ngại về dịch Covid-19, nhưng chưa muốn du khách nước ngoài sớm trở lại dù tình hình dịch bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này đang cải thiện và lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ từ ngày 15/6.

Campuchia sau nhiều ngày bình yên cũng đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 128 ca. Trong khi đó, Lào tuyên bố nước này đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong hơn 60 ngày liên tiếp.

Myanmar, BruneiViệt Nam tiếp tục là các quốc gia ASEAN không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới nào. Bản tin lúc 6h ngày 15/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, hôm nay tròn 2 tháng Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng.

(TGVN/TTXVN)

Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ họp vào ngày 26/6, sau khi hội nghị bị hoãn vào hồi tháng 4 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một quan chức cấp cao của Indonesia cho biết ngày 12/6 vừa qua.

Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 đã đưa ra gợi ý tổ chức hội nghị gặp mặt trực tiếp vào 2 ngày 27 và 28/6 tại Hà Nội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp ở một số quốc gia thành viên, do đó các quốc gia đã đưa ra thỏa thuận chung sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao theo hình thức trực tuyến, ông Jose Tavares, Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN của Indonesia cho biết.

(Bangkok Post)

ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác về kinh tế số

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miao Wei cho biết, Trung Quốc và ASEAN sẽ mở rộng hợp tác trong 5G, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, internet công nghiệp, cũng như phòng chống dịch bệnh kỹ thuật số.

Đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 1,3% GDP (năm 2015) lên 8,5%, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết.

(Khmer Times)

ASEAN cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Thẻ vàng thủy sản khiến ASEAN mất hàng tỷ USD

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Ước tính, hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lí (IUU) mang lại giá trị khoảng 11-22 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 11-26 triệu tấn cá bị đánh bắt trái phép, chiếm ít nhất 15% sản lượng đánh bắt trên thế giới.

Theo Hội đồng Liên minh châu Âu (EC), hoạt động này là một trong những hoạt động gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, tính bền vững của các đàn cá và tình hình kinh tế -xã hội của ngư dân. Theo đó, EC ban hành quy định số 1005/2008 vào tháng 9/2008 nhằm thiết lập hệ thống trong cộng đồng phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Năm 2016, các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau tuyên chiến với đánh bắt cá IUU và cam kết tăng cường đánh bắt bền vững trong khu vực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản ASEAN và tuân thủ các tiêu chuẩn, cũng như quy định quốc tế. Tuy nhiên, đánh bắt cá bất hợp pháp vẫn còn là vấn nạn ở Đông Nam Á.

(ASEAN Post)

Đội tuyển Việt Nam giữ vững vị trí số một Đông Nam Á

So với lần công bố trước đây một tháng, trật tự các đội bóng trên BXH FIFA tháng 6/2020 không có xáo trộn nào do hoạt động thi đấu quốc tế của các đội tuyển quốc gia trên thế giới đang phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo BXH mới nhất, đội tuyển Việt Nam vẫn giữ nguyên điểm số 1.258, tiếp tục vững vàng ở vị thế số một Đông Nam Á, đứng thứ 14 châu Á và hạng 94 thế giới.

“Những ngôi sao vàng” hiện bỏ xa đội bóng đang xếp vị trí thứ hai tại Đông Nam Á là Thái Lan tới 19 bậc. Với 1.178 điểm, Thái Lan đang đứng thứ 113 thế giới. Các vị trí tiếp theo trong khu vực lần lượt là Philippines (hạng 124), Myanmar (hạng 136), Malaysia (hạng 154)…

Đáng chú ý, đội tuyển Việt Nam hơn Malaysia - đối thủ tiếp theo tại bảng G - Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á tới 60 bậc. Theo lịch thi đấu dự kiến, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ tới làm khách của đội bóng này vào ngày 13/10.

(Nhân Dân)

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-156-117498.html