Tin tức ASEAN buổi sáng 17/8: Malaysia phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan gấp 10 lần. ASEAN và những thách thức trong tương lai

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN; Thách thức và hướng đi tương lai của ASEAN... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Surakarta, Indonesia. (Nguồn: THX)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 17/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm 5.624 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số ca nhiễm lên 371.009. Trong khi đó số ca tử vong tăng thêm 145 trường hợp. Toàn khối hiện đã ghi nhận trên 9.058 ca tử vong, trong đó Indonesia chiếm tới 2/3.

Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực và cũng đang dẫn đầu về tổng số nạn nhân tử vong do đại dịch, với 6.150 người. Trong khi đó, với số ca mắc mới ở mức trên 3.000 người/ngày, Philippines tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.

Bộ Y tế Philippines ngày 16/8 cho biết, nước này có thêm 3.420 ca nhiễm và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong lên tương ứng là 161.253 ca và 2.665 ca.

Dự kiến, ngày 17/8, Tổng thống Duterte sẽ thông báo về quy định mới đối với các khu vực đang áp dụng lệnh "Cách ly Cộng đồng tăng cường" (hết hiệu lực trong ngày 18/8) trong đó có Vùng Thủ đô Manila.

Tại Indonesia, ngày 16/8, cơ quan chức năng ghi nhận thêm 2.081 ca nhiễm và 79 ca tử vong. Quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới này đã có tổng cộng 139.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.150 ca tử vong. Dịch Covid-19 lây lan ở toàn bộ 34 tỉnh thành nước này.

Chính phủ Indonesia cho biết, sẽ phân bổ 356.500 tỷ Rupiah (tương đương 24,04 tỷ USD) cho các gói kích thích ứng phó với đại dịch Covid-19 vào năm tới nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, cũng như tăng cường hệ thống chăm sóc y tế, bao gồm cả việc cung ứng vaccine ngừa Covid-19.

Tại Malaysia, theo tờ Straits Times, Viện Nghiên cứu Y khoa Malaysia đã phát hiện một chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 được gọi là D614G có khả năng lây lan cao gấp 10 lần so với chủng virus ban đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Chủng D614G được phát hiện ở 4 trường hợp mắc Covid-19 thuộc hai chùm lây nhiễm tại Malaysia, gồm chùm Sivagangga và Ulu Tiram.

Ông Hisham Abdullah cũng cho biết, chủng D614G được phát hiện trong tháng 7/2020, có thể khiến nghiên cứu vaccine hiện tại chưa hoàn thiện hoặc không hiệu quả đối với chủng virus mới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hành động nhanh chóng của các cơ quan y tế Malaysia đã kiểm soát được sự lây lan của virus từ các cụm lây nhiễm.

Tại Việt Nam, Bản tin lúc 6h ngày 17/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới Covid-19, trong đó tại Hải Dương 1 ca, tại Quảng Nam 1 ca. Hiện Việt Nam có 964 bệnh nhân.

(TGVN/TTXVN)

Thách thức của ASEAN và hướng đi tương lai

Theo trang The Diplomat, ASEAN bước sang tuổi 53 với những chướng ngại mới và cũ, từ bên trong lẫn bên ngoài.

Ngày nay, khối đang đối mặt với một thách thức lớn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi hai cường quốc này gia tăng sự cạnh tranh chiến lược và bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới, ASEAN sẽ bị “kẹt” trong một cuộc giằng co chiến lược có thể gây mất ổn định toàn khu vực, trong trường hợp khối không tìm được phương pháp giải quyết các thách thức này một cách hiệu quả.

ASEAN cũng đang đối mặt với các thách thức an ninh và an ninh phi truyền thông từ bên trong lẫn bên ngoài. Khu vực Đông Nam Á vẫn đang có những tranh chấp và xung đột biên giới, di cư bất hợp pháp, khủng hoảng sắc tộc và vấn đề xung quanh các con đập ở sông Mekong.

Bên ngoài khu vực, ASEAN còn có những thách thức nghiêm trọng, liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc, cũng như những câu hỏi từ giới chuyên gia về vai trò của ASEAN tại khu vực và hơn thế nữa.

Vì vậy, trong tương lai, ASEAN phải nỗ lực hơn nữa để duy trì và nâng cao những thành công và thành tựu hiện có. Khối đã được coi là chất xúc tác cho hòa bình; do đó, điều quan trọng là ASEAN phải tăng cường sức mạnh của mình và đẩy mạnh thúc đẩy pháp quyền trong khu vực.

ASEAN cũng cần phải đoàn kết chặt chẽ hơn, thay vì làm việc một cách riêng lẻ, nhất là trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. ASEAN cần ủng hộ và chấp nhận chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương bằng cách hợp tác một cách xây dựng và thực sự để đạt được các mục tiêu chung và hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.

(The Diplomat)

Doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng sang Đông Nam Á

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á.

Theo khảo sát, khoảng 41% doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới; 36,3% các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm mở rộng sang thị trường Thái Lan.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đánh giá, kể từ năm 2018, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản ở Đông Nam Á.

Cuộc khảo sát trên được JETRO thực hiện trong tháng 11 và 12/2019, với sự tham dự của đại diện 9.975 công ty Nhật Bản có công việc kinh doanh ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong năm nay, hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản ở Đông Nam Á cũng đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.

Khoảng 80% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh ở nước ngoài dự báo doanh thu sẽ giảm trong năm nay do nhu cầu thu hẹp bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đại dịch cũng dẫn đến sụt giảm mạnh đầu tư của Nhật Bản ở thị trường châu Á.

Trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư của Nhật Bản ở Indonesia giảm 75% so với cùng kỳ năm 2019. Còn tính riêng tại thị trường Đông Nam Á, trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư của Nhật Bản tại khu vực này đã giảm 35%.

(Nikkei)

Đội tuyển nữ Việt Nam vẫn dẫn đầu Đông Nam Á

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vừa cập nhật bảng xếp hạng tháng 8/2020. Theo đó, đội tuyển nữ Việt Nam tụt 3 bậc khi sở hữu 1.657 điểm để xếp thứ 35 thế giới, nhưng vẫn giữ được vị trí thứ 6 châu Á và số 1 Đông Nam Á.

Tuyển Thái Lan xếp ở vị trí 39 thế giới với 1.596 điểm và đứng thứ hai khu vực. Tại châu Á, đội tuyển Australia dẫn đầu với 1.963 điểm và xếp thứ 7 thế giới. Các vị trí tiếp theo của châu Á lần lượt là: CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đội bóng nữ số 1 thế giới vẫn là đội tuyển Mỹ khi sở hữu 2.181 điểm.

(FIFA)

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-178-malaysia-phat-hien-chung-virus-sars-cov-2-moi-lay-lan-gap-10-lan-asean-va-nhung-thach-thuc-trong-tuong-lai-121734.html