Tin tức ASEAN buổi sáng 22/9: Tương lai ASEAN sau Bầu cử Mỹ 2020; ảnh hưởng cạnh tranh Mỹ-Trung tại khu vực

ASEAN sẽ thay đổi ra sao sau bầu cử Mỹ?; Philippines - tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

ASEAN sẽ thay đổi ra sao sau bầu cử Mỹ?

Cho dù ai sẽ bước vào Nhà Trắng, tình hình tại khu vực Đông Nam Á sẽ không thay đổi nhiều so với hiện nay. Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc về các vấn đề tại Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, sông Mekong...

Cạnh tranh Mỹ-Trung và những ảnh hưởng lên ASEAN sẽ không mấy thay đổi, dù ai có bước vào Nhà Trắng đi chăng nữa.

Tại đây, không ai có suy nghĩ rằng, căng thẳng Mỹ-Trung và ảnh hưởng của nó lên khu vực sẽ biến mất ngay lập tức khi ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ 2020.

Một cuộc khảo sát trong chính phủ, doanh nghiệp và giới truyền thông Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) vào tháng 1 cho thấy, 60% số người được hỏi tin rằng, Mỹ sẽ là đối tác chiến lược tốt hơn nếu có sự thay đổi lãnh đạo trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.

Tuy nhiên, tính cách khác thường của ông Trump không phải là nguyên nhân chính tạo nên những căng thẳng hiện nay. Giống như những gì ông Bilahari Kausikan, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore đã nói một cách cô đọng trong một cuộc thảo luận trực tuyến gần đây: “Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về ông Trump. Tôi nghĩ giờ đây nó là một điểm quan trọng trong cấu trúc chính sách đối ngoại của Mỹ và sẽ là một đặc điểm của quan hệ quốc tế ”.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu rằng, ông hy vọng Mỹ sẽ có những thay đổi để ổn định quan hệ với Trung Quốc, nhằm giúp Đông Nam Á có một “môi trường an toàn và dễ dự đoán”.

(SCMP)

Philippines: Tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung

Ngày 18/9, Bộ Nông nghiệp Philippines thông báo phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm từ động vật do Mỹ tài trợ đã được mở ở khu vực miền Trung đảo Luzon. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim thông báo đã chuyển 5.000 dụng cụ vệ sinh và 16 trạm rửa tay cho Thị trưởng Manila để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.

Những động thái lôi kéo của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có chuyến thăm Philippines.

Các nhà quan sát nhận định, những động thái của Trung Quốc và Mỹ đã nêu bật tầm quan trọng chiến lược mà hai cường quốc dành cho Philippines.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của Tập đoàn RAND nói Philippines có tầm quan trọng đáng kể với Mỹ, không chỉ là nơi đặt căn cứ quân sự Mỹ, mà còn là đồng minh duy nhất của Mỹ có tham gia trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Về phần mình, Kang Lin, nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam, Trung Quốc nói mối quan hệ Mỹ-Philippines là lý do Trung Quốc cố gắng lôi kéo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. So với những người tiền nhiệm, ông Duterte có lập trường thân thiện hơn với Trung Quốc và cứng rắn hơn với Mỹ trong chính sách ngoại giao

Giới quan sát cho rằng, mối quan hệ Manila-Bắc Kinh chỉ là tạm thời, nhất là khi nhiều thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc vào Philippines vẫn còn nằm trên giấy.

“Một mặt, ông Duterte muốn giảm sự lệ thuộc của Philippines vào Mỹ”, cố vấn chính sách của Chính phủ Philippnines, Richard Heydarian nói. “Mặt khác, giới chức Philippines vẫn đảm bảo rằng, ông Duterte sẽ không đưa Manila nghiêng hết về Bắc Kinh, làm tổn hại quan hệ với Washington”.

(SCMP)

Việt Nam giữ vững ngôi đầu trong bóng đá Đông Nam Á

Theo bảng xếp hạng các đội tuyển mới nhất của FIFA, được công bố vào ngày 17/9, Việt Nam vẫn là đội tuyển có thứ hạng cao hơn ở Đông Nam Á và hơn Thái Lan 20 bậc.

Thái Lan tụt một bậc xuống hạng 114 thế giới, trong khi Việt Nam của HLV Park Hang-seo giữ nguyên vị trí thứ 94 với 1.258 điểm. Ở châu Á, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 14, Thái Lan là 20.

Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu châu lục, đứng thứ 28 thế giới (1.500 điểm), tiếp theo là Iran xếp hạng thứ 30 trên thế giới (1.489 điểm).

(FIFA)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 22/9, ASEAN có tổng số ca nhiễm Covid-19 là 618.120 người, trong khi tổng số ca tử vong là 15.028 người. Trong ngày 21/9, ASEAN ghi nhận 8.349 ca mắc tại 6 quốc gia và 131 ca tử vong tại 3 quốc gia là Philippines, Indonesia và Myanmar.

Philippines vẫn đang phải tập trung ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên. Hiện Philippines có số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, với gần 286.743 ca, trong đó có 4.984 ca tử vong, chỉ đứng sau Indonesia.

Ngày 21/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các y tá cũng như nhân viên y tế khác nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tìm được công việc ở nước ngoài hơn. Quyết định trên được nhà lãnh đạo Philippines đưa ra trong bối cảnh Chính phủ nước này tin rằng đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, tại Indonesia, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 4.176 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã lên tới 248.852 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch Covid-19 lên 9.677 người, cao nhất tại Đông Nam Á.

Tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến các nhóm tôn giáo và các chuyên gia lên tiếng hối thúc nhà chức trách nước này hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tới. Cuộc bầu cử này, nhằm bầu hàng trăm vị trí lãnh đạo địa phương chủ chốt, là một nhiệm vụ trọng tâm tại quốc đảo gồm hơn 260 triệu dân này, song đã bị trì hoãn một lần do đại dịch Covid-19.

Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch bệnh leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 600 ca bệnh mới trong ngày qua.

(TGVN/TTXVN)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-229-tuong-lai-asean-sau-bau-cu-my-2020-anh-huong-canh-tranh-my-trung-tai-khu-vuc-124344.html