Tin tức ASEAN buổi sáng 24/6

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, bài học rút ra từ dịch bệnh... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN hôm nay.

Khẩu hiệu chống Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 4. (Nguồn: Reuters)

Cập nhật tình hình Covid-19

Tính đến rạng sáng ngày 24/6, ASEAN đã ghi nhận 2.324 ca mắc bệnh Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 134.854 ca. Số ca tử vong đã lên 3.935 ca, tăng 44 ca so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 75.708 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 1.051 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 47.896 ca. Ngoài ra, quốc gia này cũng có thêm 35 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 2.535. Indonesia cũng là quốc gia có số ca tử vong vì dịch bệnh cao nhất tại khu vực.

Trước tình hình này, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và một số ngân hàng khác đã cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho Chính phủ Indonesia. Ngày 23/6, Australia thông báo sẽ giải ngân tổng cộng 4,9 triệu AUD (3,3 triệu USD) cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 của Indonesia.

Bộ Y tế Singapore ngày 23/6 thông báo ghi nhận 119 ca mắc bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 42.432 người, tiếp tục là điểm nóng dịch Covid-19 thứ hai Đông Nam Á.

Ngày 23/6, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 1.150 ca mắc bệnh Covid-19, mức tăng trong ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại đây. Nha vậy, tổng số ca mắc bệnh Covid-19 tại Philippines hiện đã lên mức 31.835 ca, trong đó có 1.186 ca tử vong, tăng 9 ca so với một ngày trước đó.

Về tổng thể, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Indonesia và Philippines, xét cả về số ca mắc bệnh mới và ca tử vong phát sinh. Trong khi đó, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh, Malaysia, Thái Lan, Myanmar Campuchia chỉ ghi nhận một vài ca nhiễm; đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội.

BruneiLào không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.

Tại Việt Nam, Bản tin 6h ngày 24/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, đã 69 ngày Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng, hơn 6.300 người cách ly chống dịch.

(TGVN/TTXVN)

Covid-19 là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho ASEAN

Theo Viện nghiên cứu ASEAN CIBM (CARI), các thể chế khu vực như Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN nên chú ý đến những bài học rút ra từ Covid-19 về tầm quan trọng của việc mở cửa toàn cầu và thương mại tự do. Chủ tịch CARI Munir Majid cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đưa vấn đề này ra do thế giới đang tìm cách hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19, vừa phải đối phó lại với những người chống toàn cầu hóa.

“Covid-19 sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho ASEAN rằng hội nhập khu vực rộng hơn không phải là điều quá xa xỉ để cân nhắc, mà ngày càng cần thiết cho một khu vực muốn duy trì sức sống kinh tế và sự độc lập về địa chiến lược”.

Fratini Vergano - Luật sư châu Âu, chuyên gia về thuận lợi hóa thương mại trong dự án ARISE Plus (Dự án hỗ trợ Hội nhập khu vực ASEAN do EU tài trợ), cho biết, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại chắc chắn đã gây ra sức ép lớn đối với thương mại quốc tế. Việc duy trì thương mại tự do và cởi mở là rất quan trọng đối với cả nền kinh tế ASEAN và EU để tiếp tục duy trì hoạt động và tiếp cận hàng hóa thiết yếu.

(Malay Mail)

ASEAN cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn

Covid-19 khiến các nước ASEAN phải tìm ra các kế hoạch phục hồi hiệu quả. Bước vào năm 2020, có rất nhiều lý do để ASEAN tự hào về sự tiến bộ của cộng đồng chung. Theo thống kê, tình trạng đói nghèo của các nước thành viên giảm từ 138 triệu vào năm 2000 xuống còn 44 triệu vào năm 2015.

Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của dân cư ASEAN dần được nâng lên, từ 63 năm 1984 tăng lên 70,9 vào năm 2016. Kinh tế cũng là một thành công đáng ghi nhận của khu vực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1999, từ mức 577 tỷ USD năm 1999 lên tới 2,5 nghìn tỷ USD trong năm 2016.

Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng khó khăn mới này, các quốc gia thành viên cần phải đoàn kết cùng nhau trong những thời điểm khó khăn nhằm nâng cao thương mại nội khối, phát triển một cộng đồng hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Khi xác định rõ đoàn kết là sức mạnh, ASEAN cần cùng nhau tiến bước mạnh mẽ hơn để xây dựng thành công cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN vào năm 2025.

(Khmer Times)

Đảo Phú Quốc là địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. (Ảnh: CNN Travel)

Việt Nam và Thái Lan là “đầu tàu” phục hồi du lịch khu vực

Việt Nam và Thái Lan đang tìm cách thu hút du khách nước ngoài trở lại để đẩy mạnh ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Các quốc gia này sở hữu yếu tố quan trọng nhất để mở cửa lại ngành du lịch vào lúc này: số ca nhiễm Covid-19 thấp và khả năng phòng dịch tốt.

Hai quốc gia Đông Nam Á cũng có khả năng nhắm đến những du khách đến từ châu Âu và Mỹ, những người có thể sẵn sàng đi du lịch một khi thời tiết trở nên lạnh hơn vào cuối năm. Việt Nam hiện đang xem xét thử nghiệm đưa khách quốc tế trở lại và chọn Phú Quốc làm điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế sẽ phải xét nghiệm Covid-19 và chỉ được đi lại trên đảo.

Thái Lan cũng có động thái tương tự, khi chuyển “thị phần” từ khách du lịch Trung Quốc và “Tây ba-lô” sang những khách du lịch giàu có, có khả năng đến những khu nghỉ dưỡng cao cấp ở các đảo Phuket, Samui, Phangan và Phi Phi.

Dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới cho thấy doanh thu du lịch sẽ giảm từ 58-78% trong năm nay. Khoảng 80 tỷ USD đã bị thất thu. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với lượng khách giảm đến 35% trong quý đầu tiên. Châu Âu chịu mức giảm 19%, tiếp theo là châu Mỹ (giảm 15%) và Trung Đông (giảm 11%).

(AFR)

Covid-19 sẽ đẩy nhanh việc đưa tiền mặt vào "dĩ vãng"?

Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng thương mại điện tử và thanh toán không tiếp xúc tại Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Mới đây, Mastercard đã thực hiện một cuộc nghiên cứu tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các tác động do các sự kiện bất thường ảnh hưởng tới thái độ và hành vi của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong khu vực. Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3.

"Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi người và mọi quốc gia theo những cách khác nhau. Nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với thế giới số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo sự an toàn và duy trì tâm thế bình thường trong những thời điểm bất thường và không chắc chắn như hiện nay", ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách các Thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á, Mastercard chia sẻ.

(VTV)

Nhóm PV

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-246-118085.html